Thăm làng cổ Huế, lại nghĩ đến quê
Những ngôi nhà cổ lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông, hay những hàng chè tàu quanh co dẫn lối vào nhà… Tất cả không có gì mới nhưng tạo cho ta cảm giác lạ khi sải bước trên con đường độc đạo nơi làng cổ xứ Huế để rồi lại chạnh lòng nghĩ về những ngôi làng hơn trăm năm tuổi ở xứ Quảng.
Nhìn từ Phước Tích
Phước Tích là một ngôi làng cổ nằm ở châu thổ sông Ô Lâu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một ngôi làng xinh đẹp với không gian cây xanh, sông nước và nhiều kiến trúc truyền thống nằm rải rác khắp làng. Theo lời kể lưu truyền trong dân gian, vùng đất này vốn thuộc vương quốc Champa, sau này khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa và được người Chăm chia cho vùng đất này, cổ xưa gọi là hai châu Ô, Lý. Sau đó, vào nửa cuối thế kỷ XV, ngài Hoàng Minh Hùng cùng 12 dòng họ di cư tới vùng đất này, bắt đầu làm nghề gốm. Đây là nghề thủ công lâu đời nhất tại làng còn giữ đến tận bây giờ. Theo nhiều vị cao niên trong làng, gốm Phước Tích một thời nổi tiếng ở miền Trung. Các sản phẩm của làng theo đường thủy, đường bộ được vận chuyển tới Huế - kinh đô của vương triều cuối cùng ở Việt Nam, hoặc tới Hội An - thương cảng quốc tế, để bán buôn với thương nhân ngoại quốc. Từ thế kỷ XVI, các sản phẩm gốm không tráng men mang danh Phước Tích đã di chuyển đến Nhật, với tên gọi là “gốm Nam Man”, được sử dụng trang trọng trong các buổi tiệc trà ở Nhật. Hiện nay, gốm Phước Tích tuy không còn ở thời hoàng kim, nhưng cùng với sự phát triển du lịch, làng nghề cũng đã dần hồi sinh.
trải nghiệm làm gốm ở Phước Tích. Ảnh: L.Q |
Ấn tượng nhất khi đến Phước Tích là những giậu chè tàu xanh mướt mắt và sự bình yên đến nao lòng. Không gian tĩnh lặng đủ làm lòng người khoan khoái. Ở đây, vẫn còn những dấu tích của người Chăm như cây thị nghìn năm tuổi, miếu Quảng Tế... Không những thế, bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng, 30 ngôi nhà cổ, được xây dựng từ những năm 1850 - 1870 vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Vẫn 2 kiểu kiến trúc như những nhà rường miền Trung là 3 căn 2 chái và 1 căn 2 chái, trên lợp ngói liệt dày, hệ thống cột kèo được chạm trổ công phu và còn khá chắc chắn. Những ngôi nhà cổ cùng vườn tược lâu năm đều có hướng quay về mặt sông, nơi dòng Ô Lâu được phân thành 12 bến nước, dấu tích của 12 dòng họ từ thuở lập làng. Trong câu chuyện đầu tự hào về làng mình, ông Lương Vĩnh Viễn, năm nay đã ngoài 70, vẫn giữ nhiệm vụ là “hướng dẫn viên du lịch” của làng mỗi khi có khách đến, chia sẻ: “Làng Phước Tích hiện nay đã có 19 dòng họ, 117 hộ với 327 nhân khẩu. Người làng Phước Tích không làm nông, chỉ làm nghề thủ công. Con cháu học hành đỗ đạt và lập nghiệp khắp nơi nên ở làng chỉ còn người già và phụ nữ. Mỗi dòng họ trong làng có một nhà thờ họ riêng. Làng tuy vắng vẻ nhưng an ninh rất tốt, tối ngủ chẳng cần đóng cửa”.
ngõ đá Lộc Yên ( Tiên Phước) - tiềm năng phát triển du lịch vẫn chưa được đánh thức. |
Bỏ ngỏ làng quê xứ Quảng
Ngoài Hội An đang đưa làng quê vào khai thác du lịch, hầu như các làng quê độc đáo rải khắp các huyện chưa được ngành du lịch xứ Quảng quan tâm. Có chăng, chỉ là những chuyến phượt ngẫu hứng của những nhóm bạn trẻ, do đó, tính lan truyền thông tin, giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo tới đông đảo cộng đồng không cao. Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng Đại Bình (Nông Sơn), Tam Hải (Núi Thành)… hay hàng loạt những ngôi làng của đồng bào vùng cao, vẫn chưa được các công ty lữ hành chú tâm khai thác. Ông Nguyễn Phước Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, nơi có ngôi làng cổ Lộc Yên với ngõ đá đẹp mê hồn cùng những căn nhà cổ hơn trăm năm tuổi, đã từng chia sẻ với người viết về những khó khăn khi Lộc Yên chờ đợi công nhận là làng cổ - di tích văn hóa cấp quốc gia. Tất cả mọi hoạt động như cơi nới nhà cửa, đường sá, ngõ hẻm đều không được làm. Trong khi đó, khách du lịch rỉ tai nhau tìm đến làng khá đông, nhưng để người dân hưởng lợi từ du lịch thì chưa thể, bởi lẽ không có công ty lữ hành nào tìm đến đặt vấn đề với địa phương. Trong khi khách thập phương tìm đến làng cứ ngỡ họ đã được “trả phí” để tham quan cũng như trải nghiệm cuộc sống của người dân, tự ý sử dụng cây trái trong vườn cũng như không tuân theo phép tắc khi vào thăm nhà cổ. Chủ nhân các nhà cổ tại Lộc Yên tỏ ra phiền hà khi phải tiếp những đoàn khách như vậy.
Tương tự, người dân làng Đại Bình cũng đang khắc khoải về dự án “làng du lịch sinh thái” của huyện Nông Sơn. Dự án chưa thấy triển khai, chỉ có người dân cảm thấy bất tiện vì sự “tùy nghi” của du khách. Vợ chồng ông Nguyễn Quốc Tín - người đang sở hữu một vườn cây trái và ngôi nhà cổ nhất làng, đã từng rất nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương vì sự vô tâm của du khách. Tất cả chỉ vì sự nhập nhằng, không quản lý chặt các công ty du lịch lữ hành khi đến địa phương, khiến du khách nghĩ rằng họ mua tour du lịch đến đây, ắt hẳn được phục vụ, trong khi người dân sở tại phải chịu đựng những phiền hà và không hề được hưởng lợi từ những tour như vậy. Những ngôi làng được chọn để xúc tiến triển khai du lịch giữa địa phương và các công ty lữ hành tại Quảng Nam có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong chúng ta lại có thừa các điểm tham quan du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Phải chăng vì những sản phẩm lưu niệm cũng như dịch vụ du lịch tại các làng quê còn nghèo nàn, khoảng cách địa lý cũng như những khó khăn trong các khâu hành chính khiến những công ty lữ hành không mấy mặn mà với làng quê xứ Quảng?
LÊ QUÂN