Giữ nguồn văn nghệ dân gian
Tiến tới Đại hội Hội VH-NT Quảng Nam lần thứ VIII (2014-2019), trung tuần tháng 3 này, Chi hội Văn nghệ dân gian - Miền núi sẽ tổ chức đại hội nhằm đánh giá hoạt động của những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian xứ Quảng.
Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc miền núi và Chi hội Văn nghệ dân gian (trực thuộc Hội VH-NT Quảng Nam) được thành lập với số lượng hội viên không nhiều, nhưng điều may mắn là có 5 hội viên được kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Do cầu thực tế, ngày 3.12.2013, Hội VH-NT Quảng Nam ban hành QĐ số: 23/QĐ-HVHNT sáp nhập hai chi hội lại thành chi hội Văn nghệ dân gian - Miền núi (VNDG-MN) với 23 hội viên. Hội viên chi hội đồng thời cũng là hội viên của các chi hội khác như Văn học, Sân khấu, Âm nhạc...
Hội bài chòi đầu xuân.Ảnh: TẤN VỊNH |
Các hội viên Chi hội VNDG-MN ở Quảng Nam là những người nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian xứ Quảng. Nhiều công trình đã được xuất bản, công bố như Văn hóa ẩm thực ở phố cổ Hội An, Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An, xứ Quảng, Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Kiến trúc nhà gỗ Hội An...Nhiều hội viên có kinh nghiệm trong nghiên cứu, sưu tầm, là nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận, quản lý văn hóa ở tỉnh và địa phương. Nhiều năm qua, các hội viên Chi hội VNDG-MN liên tiếp giành được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và các hội chuyên ngành trung ương, Giải thưởng Đất Quảng.
Kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của cư dân xứ Quảng vô cùng phong phú. Nhu cầu về đời sống văn hóa, văn nghệ của các địa phương miền núi, của các đồng bào các dân tộc ít người đang rất cấp thiết. Vì vậy, hội viên của chi hội đã tích cực tổ chức đi thực tế để sưu tầm, nghiên cứu vốn văn nghệ dân gian. Một số hội viên hợp tác với Sở VHTT&DL, Bảo tàng Quảng Nam nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tham mưu lập hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến nay, Bộ VHTT&DL đã đưa Hát bả trạo trong lễ hội Cầu ngư xứ Quảng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngày Di sản Việt Nam hàng năm 23.11, Chi hội VNDG-MN đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hội thảo khoa học: “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở xứ Quảng”. Một số hội viên đã tích cực tham gia viết kịch bản, xây dựng chương trình cho các lễ hội lớn của tỉnh diễn ra tại di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, có sáng kiến và tham mưu cho chính quyền địa phương về hoạt động văn hóa, du lịch...
Một số hội viên đã phát huy chuyên môn, sở trường, xây dựng kịch bản sân khấu dựa trên chất liệu dân gian, truyền dạy hát dân ca bài chòi, giảng dạy về văn hóa dân gian ở các trường đại học. Đặc biệt, một số hội viên của chi hội đang công tác ở các sở, ban ngành chủ động đăng ký đề tài khoa học cấp tỉnh. Đến nay, nhiều đề tài khoa học đã và đang được thực hiện, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn như: Nghề dệt và trang phục Cơ Tu, Hát bả trạo, Tư liệu Hán - Nôm xứ Quảng, Nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của dân tộc Cơ Tu... Các hội viên công tác ở Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam thực hiện nhiều phim tư liệu, khoa giáo về văn hóa dân gian xứ Quảng phát trên sóng truyền hình, đoạt nhiều giải thưởng trong các lần Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng...
Để hoạt động của Chi hội VNDG-MN thêm lớn mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, cần thực hiện đổi mới hoạt động nghiên cứu, sưu tầm. Trước tiên, cần kết nạp thêm nhiều nghệ nhân dân gian vào chi hội. Đây là cách nhằm tôn vinh và khuyến khích hoạt động của các nghệ nhân làng nghề, nghệ nhân dân gian người Kinh ở đồng bằng và nghệ nhân đồng bào các dân tộc thiểu số- đó những tài sản nhân văn sống vô cùng quý giá, nắm giữ mạch nguồn, tinh hoa văn hóa truyền thống xứ Quảng. Chi hội là tập thể gồm những người có năng lực nghiên cứu, bề dày kinh nghiệm, đo đó, cần tăng cường đi thực tế để sưu tầm, nghiên cứu, khai thác những giá trị, vốn văn hóa đang còn tiềm ẩn trong dân gian. Cần tập trung sưu tầm nhiều loại hình như văn học dân gian, diễn xướng dân gian, kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, lễ hội, ẩm thực dân gian, trang phục truyền thống... và đề xuất những giải pháp để bảo tồn và phát huy. Phối hợp các ngành chức năng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản, in ấn nhiều sản phẩm di sản văn hóa dân gian, đưa di sản văn hóa dân gian về cho công chúng hưởng thụ. Bên cạnh đó, Chi hội VNDG-MN cần lựa chọn những hội viên tiêu biểu, có nhiều đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian làm hồ sơ đề nghị kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhằm tăng số lượng hội viên trung ương của chi hội.
Được thừa hưởng tài sản văn nghệ dân gian của quê hương, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm ở Quảng Nam như có một nguồn năng lượng, vốn liếng dồi dào. Đại hội của Chi hội và sự quan tâm của cộng đồng sẽ tăng sức mạnh cho họ để tài sản nhân văn của đất mẹ được tôn vinh, thăng hoa trong cuộc sống.
TẤN VỊNH