Nhàn đàm về rượu
Rượu hiện diện trong đời sống con người từ bao đời nay. Cái chất men cay nồng quyến rũ ấy đã có, đang có và chắc sẽ còn có mặt trong đời sống nhân loại. Tuy nhiên, rượu có hai mặt lợi hại do cách sử dụng, là chén vui nhân gian hay là bi kịch cũng từ rượu mà ra.
Khởi nguyên của rượu chính là lễ tế thần ở các nước phương đông cổ đại, người xưa quan niệm rằng trong thế giới đa thần, rượu có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống thần linh và con người. Thần rượu mang sứ mệnh là cầu nối giao cảm giữa thế giới thần thánh và thế giới con người. Còn theo quan niệm cổ xưa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong vũ trụ có rất nhiều thần, trong đó có cả việc thần trông coi việc làm rượu, người ta kính trọng Thần Rượu cũng chẳng khác gì Thần Lúa. Như thế xuất phát điểm của rượu hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, việc uống rượu, thưởng thức rượu thể hiện nhân cách con người và là nét văn hóa của cộng đồng xã hội. “Đạo” của rượu theo quan niệm của tiền nhân là phép tắc, là lễ nghĩa, là thái độ sống... Xưa nay, trong đời sống sinh hoạt thường ngày rượu rất gần gũi với người dân Việt. Người ta uống rượu vào dịp xuân về tết đến, hoặc các dịp lễ hội, mừng công trạng, hỷ lạc cùng bằng hữu... Rượu cũng được dùng làm sính lễ cưới hỏi, ngày giỗ chạp, cúng bái ông bà tổ tiên. Bởi lẽ “vô tửu bất thành lễ”. Tại các cuộc mạn đàm văn chương thơ phú nếu thiếu rượu sẽ mất đi phần hứng khởi. Đối với các dân tộc thiểu số, nếu không có ghè rượu cần thì không có ngày hội làng. Rượu luôn là thứ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt.
Trong đời sống xã hội rượu mang dấu ấn văn hóa đậm nét, ngày xưa các nhà nho không gọi uống rượu mà gọi là thưởng rượu. Thưởng rượu là cả một phép tắc giao tế bặt thiệp của giới văn nhân tao nhã. Còn giới bình dân cũng mượn rượu để nhàn đàm về nhân tình thế thái, hàn huyên tâm sự lẽ đời, trao đổi kinh nghiệm làm ăn… Ngày trước các cụ có thái độ nghiêm khắc đối với người uống rượu. Uống rượu phải mang tinh thần phong nhã tài tử chứ không phải mang tư cách dục vọng, sân si, sa đà, hư hỏng. Chén rượu thể hiện mối giao hảo thâm tình với kẻ tri âm, người tri kỷ, đó là mối quan hệ tửu hữu tâm giao. Còn đối với kẻ nát rượu hư hỏng thì các cụ miệt thị là hàng tửu quái, là “sâu rượu”. Người khuôn phép, trong sinh hoạt thường nhật phải theo đúng chuẩn nghi “nhất nhật tam bôi tửu”. Cuộc vui bên chén rượu bao giờ cũng là cuộc vui tự nguyện, hòa nhã. Vì ông cha đã có câu “tửu bất khả ép”. Đó là phong cách truyền thống của dân tộc đồng thời đó cũng là văn hóa rượu của ông cha ta. Trên phương diện xã hội, chúng ta mặc nhiên công nhận rượu có chức năng giao tiếp. Tuy nhiên, đối với rượu người ta còn nhiều phản ứng khác nhau, theo ý nghĩa tích cực rượu là một nét văn hóa, còn theo ý nghĩa tiêu cực thì rượu là thứ dung tục trăm phần nguy hại.
Ngày nay, rượu bia có lắm chuyện luận đàm. Không ai có thể phủ nhận về mặt y học, lạm dụng bia rượu chính là một trong những tác nhân gây hại đến sức khỏe con người. Nhiều người chết vì ung thư do rượu gây ra. Rượu là “nguyên nhân của những nguyên nhân” gây ra sự bất hòa ẩu đả, nhiều khi dẫn đến án mạng. Vì rượu mà vợ chồng mâu thuẫn khiến cảnh nhà tan cửa nát, hạnh phúc đổ vỡ. Vì rượu mà không ít người phóng nhanh vượt ẩu, xem thường luật lệ giao thông, kết cuộc là không vào bệnh viện cũng ra nghĩa địa. Cách sống mỗi thời mỗi khác, thị hiếu thẩm mỹ mỗi thời mỗi khác. Vì vậy cách nhìn về rượu ngày nay cũng khác đi. Điều đó thể hiện qua phong cách uống rượu, qua quy mô sản xuất. Trong đời sống kinh tế hiện nay, rượu là thứ hàng hóa đem lại lợi nhuận cao, người ta sản xuất rượu bia tràn lan và có thể nhanh chóng làm giàu. Một thực tế hiển nhiên, ngày nay nói đến việc uống rượu bia là phần lớn nghĩ đến yếu tố tiêu cực. Trước khi ăn cỗ, hoặc vào bữa nhậu với bạn bè, bao giờ người vợ cũng kéo áo chồng to nhỏ căn dặn “nhớ đừng quá chén”. Về hậu quả rượu bia vô độ, các cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều. Ban đầu, rôm rả chén tạc chén thù, về sau cãi lộn, đánh nhau. Nói chung, có vô vàn những trường hợp tiêu cực về uống rượu.
Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, rượu vẫn là thức uống không thể thiếu trong các cuộc lễ lạt, hiếu hỷ... Điều quan trọng là thái độ và tâm thế của người uống rượu. Nếu biết uống thì rượu là “tiên tửu. Nếu không biết uống thì rượu lại trở thành “độc dược”. Và nữa, uống rượu, thưởng rượu phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người và phải đúng mực. Phong cách uống rượu của một người có thể biểu hiện tư cách đạo đức của người đó. Uống rượu bia là điều hay với người này nhưng lại là cái dở với người kia. Tao nhã hay dung tục, thù hiềm hay vũ phu... là do bản thân người uống tạo ra. Rượu không có tội, cũng không có lỗi. Vì vậy, chúng ta cần phải có cái nhìn tỉnh táo và khách quan trước vấn đề này, sự chừng mực đúng phép của đạo đức, của nhân cách xã hội. Rượu không còn là chuyện sinh hoạt thường nhật mà nó còn hàm chứa cả luân lý và đạo đức.
LÊ VĂN HUÂN