"Hoa rừng" vẫn ngát hương
Cách đây vừa tròn 45 năm (8.3.1969 - 8.3.2014), nhà văn Dương Thị Xuân Quý - tác giả tập truyện ký “Hoa rừng” nổi tiếng, đã vĩnh viễn nằm lại ở “đất lành Duy Xuyên” trong một trận chống càn không ngang sức. Chị là một trong những nhà văn đã anh dũng hy sinh tại đất Quảng Nam trong những năm chống Mỹ, cứu nước...
Trong nhật ký Trường Sơn, nhà văn Dương Thị Xuân Quý cho biết, chị vào chiến trường Quảng Nam ngày 14.6.1968, tham gia gùi gạo, đào hầm, chống những đợt càn quét của địch và ghi lại những năm tháng ác liệt nhất, hào hùng nhất của nhân dân Quảng Đà. Sống ở chiến trường ác liệt nhất khu 5, nhiều lúc chị nhớ con và viết cho con gái mới vừa 16 tháng tuổi: “…Mẹ đã thầm hứa với con: Từ nay phải bắt đầu những trang viết. Phải có thật nhanh những sáng tác từ chuyến đi kỳ diệu này... mẹ sẽ vượt qua tất cả, sự vất vả, nỗi gian khổ, và những khó khăn... mẹ sẽ hết sức tranh thủ để có thể viết được ngay con nhé”. Chồng chị - nhà thơ Bùi Minh Quốc, cũng đã vào Nam trước đó, vì: “Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt”. Trong các tác phẩm của chị, người phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận. Những người phụ nữ ấy ở hậu phương hay tiền tuyến vẫn luôn khẳng định bản thân, khẳng định vị trí trong xã hội. Điều đó thể hiện các tác phẩm của chị như “Đất cằn”, “Chỗ đứng”, “Chuyện cô Duyên”, “Không coi thường việc nhỏ”… Nhân vật chính trong tác phẩm của chị vẫn là người phụ nữ mới với cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng giới, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào họ cũng vượt lên để khẳng định mình.
Bia mộ bằng đá cẩm thạch khắc câu thơ của Bùi Minh Quốc và tiểu sử nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại xã Duy Thành - Duy Xuyên. Ảnh: QUẾ HÀ |
Vào chiến trường, chị luôn ý thức về sứ mệnh của người cầm bút, luôn tranh thủ từng giờ, từng phút say sưa sáng tác. Vốn mảnh mai, nhỏ bé, nhưng chị khoác trên vai chiếc ba lô nặng hơn 30kg, thường xuyên đi đến những nơi nguy hiểm nhất. Giữa những đợt gùi cõng, phát rẫy, hay giữa những trận bom B52 rải thảm và sự hành hạ của những trận đói và sốt rét... chị vẫn cố gắng viết. Truyện ngắn “Hoa rừng” và các bút ký như “Tiếng hát trong hang đá”, “Gương mặt thách thức”, “Niềm vui thầm lặng” là những sáng tác được chị viết trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của chiến trường. Cô giao liên Phước trong “Hoa rừng” là một cô gái kiên cường, cứng cỏi vượt qua bao gian nguy dẫn đường cho bộ đội đi về an toàn nhất. Soan - cô gái trong đội vận chuyển ở “Niềm vui thầm lặng”, có “Khuôn mặt bầu bầu, phúng phính, đôi má bồ quân, nước da trắng hồng” nhưng khi vào chiến trường “gương mặt gầy guộc, hai gò má nhô cao, cằm nhọn hoắt và một lớp da xanh mét, tái nhợt phủ lên” vẫn cõng “chiếc gùi tròn lẳn cao quá đầu” với quyết tâm: “Cõng thêm một ký gạo, gùi thêm một viên đạn là diệt thêm một quân thù”. Thím Tư, thím Thọ, chị Tam... là những phụ nữ kiên trung của làng cát Bình Dương, Thăng Bình trong “Gương mặt thách thức”, họ sản xuất, chăn nuôi, kiên trung bám làng bám đất để nuôi bộ đội, du kích: “Chỉ với một hạt lúa, củ khoai lấy từ lòng đất nóng bỏng đạn bom đem đóng góp cho cách mạng, họ đã khiến kẻ thù phải run sợ…”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài nhà văn Dương Thị Xuân Quý còn có nhiều văn nghệ sĩ khác như Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Hồng, Phương Thảo... đã ngã xuống mảnh đất Quảng Nam vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và họ sống mãi cùng nhân dân, đất nước. |
Đọc tác phẩm và những trang nhật ký của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, ta càng hiểu thêm về những năm tháng “cả nước cùng đánh Mỹ”. Đó là những cuộc hành quân “Vượt bãi bom”, với những hình ảnh “…Những quãng rừng đỏ vì bom B52. Những quãng rừng xám, trụi lá trơ cành vì chất độc hóa học. Những quãng rừng đen, cây cháy thành than nhấp nhô chọc lên nền trời đầy mây…” (Hoa rừng). Đó là một cuộc sống ở chiến trường đầy ắp tình người, tình đồng chí. Chị tự hào và sung sướng, khi được trực tiếp chứng kiến, ghi lại cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ở mảnh đất khu 5 kiên cường: “Thế đấy, mảnh đất mà mình đang sống nó giống hệt con người mình: vất vả, cực nhọc. Mình sung sướng có mặt ở đây đúng vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất của cuộc chiến đấu. Mình sung sướng được chịu đựng và vượt qua tất cả gian khổ vì đã gặp một mảnh đất đồng điệu với tâm hồn mình”. Cuối tháng 12.1968, tại Hội nghị sáng tác văn nghệ khu 5, tác phẩm “Hoa rừng” của chị được nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá cao. Đó là một hội nghị thật đặc biệt, bởi “Cơm với mắm cái chưng nước loãng. Uống nước trắng… Mưa, phản lực gào rú. B57, B52 suốt”. Đội văn công bị trúng bom địch, hy sinh rất nhiều. Ngay sau hội nghị, có một đợt đi thực tế xuống đồng bằng, chị xin về chiến trường Quảng Đà.
Ngày 5.11.1968, trong thư gửi người bạn thân, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã kể về những ngày tháng ác liệt ở chiến trường Quảng Đà. Nghệ sĩ Trọng Định, anh Điền (Điện ảnh)... hy sinh. Dòng nhật ký viết ngày 15.12.1968 chị ghi: “Lạ thế, biết nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh…”. Và lá thư cuối cùng ngày 2.3.1969, gửi nhà văn Chu Cẩm Phong, đề tại Xuyên Trường, chị viết: “…may mắn tôi được có mặt, Xuyên Hòa kiên cường lắm; tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động, gặp nhiều nguy hiểm, nhưng vui kỳ lạ…”. Rồi chị đi Xuyên Phú... Những dòng nhật ký cuối cùng dừng ở ngày 3.3.1969. Và những dự định viết ký về Xuyên Phú, Xuyên Hòa, Xuyên Châu... chị không thể nào thực hiện được, bởi 5 ngày sau đó chị đã hy sinh… Khi hay tin người bạn đời, cũng là người bạn văn của mình hy sinh, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã ghìm nỗi đau mất mát viết “Bài thơ về hạnh phúc”: “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...”.
QUẾ HÀ