"Quên" tiếng… mẹ đẻ!
Là người Cơ Tu “chính hiệu” nhưng Zơrâm T. T. B. - sinh viên của một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh không nói được tiếng mẹ đẻ của mình từ nhỏ. Câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại là thực trạng đáng buồn đối với nhiều vùng đồng bào miền núi trong tỉnh những năm gần đây.
Giữ được tiếng nói là giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào. |
Chỉ biết tiếng phổ thông!
Trò chuyện với B., tôi có chút gì đó ngờ ngợ. Bởi cách nói chuyện của B. không giống như nhiều thiếu nữ Cơ Tu khác mà tôi từng gặp. B. thật thà: “Bố em là người Cơ Tu, mẹ người Kinh nên lúc ở nhà chỉ toàn nói bằng tiếng phổ thông thôi!”. Không thể nói được tiếng Cơ Tu nên mỗi lần về quê, B. đều gặp rất nhiều khó khăn. Lúc nào em cũng đều có cảm giác bị người thân xa lánh. Cũng như B., chị Trần Thị N., ở thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) tiếng là người Co nhưng lại không nói được bằng tiếng mẹ đẻ. Chị N. tâm sự, do không biết tiếng Co nên chị rất ngại ngùng mỗi khi giới thiệu mình là người Co. Hay như trường hợp của K. S. ở huyện Phước Sơn. Bố là người Cơ Tu, mẹ người Mơ Nông nhưng S. lại không nói được thứ tiếng nào. Bởi mọi sinh hoạt giao tiếp của gia đình đều bằng ngôn ngữ phổ thông nên các anh em S. chỉ nói được tiếng… phổ thông. Còn tiếng Cơ Tu hay Mơ Nông “chỉ biết vài từ thôi!”, S. hồn nhiên.
Nhiều người Kinh nói sõi tiếng Cơ Tu Trong khi con em người bản địa dần “quên” tiếng mẹ đẻ của mình thì rất nhiều cán bộ miền xuôi lên sinh sống và công tác tại các huyện miền núi lại thích thú với việc được học tiếng đồng bào. Ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang có rất nhiều đồng bào Kinh nói sõi tiếng Cơ Tu bản địa. Như trường hợp của anh Phạm Hùng, ở xã Sông Kôn (Đông Giang) nói thạo tiếng Cơ Tu hơn người… Cơ Tu. Sinh ra rồi lớn lên ở buôn làng Cơ Tu, từ nhỏ anh Hùng chơi thân với đám bạn Cơ Tu nên học được tiếng. Dù vậy, anh Hùng cho biết mình không “quên” tiếng mẹ đẻ của mình. Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Vững (ở xã A Xan, Tây Giang); ông Dục, anh Đính (ở Đông Giang),… có khả năng giao tiếp lưu loát với đồng bào bản địa. |
Câu chuyện về tình trạng con em đồng bào miền núi không nói được tiếng của dân tộc mình đang ngày càng trở nên phức tạp và mang xu hướng trẻ hóa. Theo già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên nhân cũng là do bố mẹ khác dân tộc với nhau nên khi giao tiếp toàn dùng ngôn ngữ phổ thông khiến trẻ bắt chước theo. Dần dà thành quen, tiếng mẹ đẻ trở nên rất mờ nhạt trong trí nhớ của trẻ. “Thời của già, việc học tiếng phổ thông rất được khuyến khích. Vì thế ai cũng phải ra sức học con chữ Bác Hồ để làm cách mạng. Bây giờ việc học dĩ nhiên cũng được khuyến khích nhưng không vì thế mà bỏ đi tiếng mẹ đẻ của mình. Đó là điều tối kỵ trong văn hóa ngôn ngữ của đồng bào và cần được chấn chỉnh” - già Y Kông nói.
Nỗi lo thất truyền
Hệ lụy của việc không nói được tiếng mẹ đẻ cũng khiến nhiều bạn trẻ “dở khóc dở cười”, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. “Nhiều lúc thấy ngại sau câu trêu đùa của các bạn “mi mất gốc rồi!”. Nhưng biết làm sao? Chắc sau này cũng phải tìm chỗ mà học thôi!”, B. tự an ủi mình. Nghĩ đến tương lai, B. chợt rùng mình lo lắng. Chung cảnh ngộ, chị N. luôn lắc đầu khi nói về hoàn cảnh của mình. Bố mất khi chưa đầy 2 tuổi, văn hóa Co cũng từ đó trở nên “xa lạ”, chưa kịp đọng lại chút gì trong tâm hồn của chị. “Chừ có muốn học, biết tìm ai mà dạy cho” - chị N. thở dài.
Anh bạn tôi ở Tây Giang cũng có đứa con gái lớn nay đã gần 5 tuổi nhưng lại không biết nói tiếng Cơ Tu. Không muốn ngôn ngữ của dân tộc mình bị thất truyền nên cứ mỗi buổi tối, anh lại ngồi cùng con để tập cách nói, phát âm. “Bây giờ, dù không nói được nhiều từ nhưng nó hiểu khi mình nói (bằng tiếng Cơ Tu)”, anh cười mừng. Ở gia đình có người bố tâm huyết như vậy, dù không thể nói được hết nhưng xem ra cô bé vẫn may mắn hơn nhiều bạn khác. Dù vậy, nỗi lo về nguy cơ thất truyền ngôn ngữ bản địa vẫn luôn đè nặng lên suy nghĩ của anh mỗi khi nhắc đến. Ông Bhơriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nhìn nhận, tình trạng con em đồng bào không nói được tiếng của dân tộc mình xuất phát từ tâm lý e ngại, không dám nhận mình là người thiểu số trước đám đông. Chính vì càng cố tình tránh né nên càng khiến bản sắc dễ bị mai một đi. “Như tôi, đi bất kỳ đâu cũng đều tự hào mình là người Cơ Tu” - ông Liếc bộc bạch. Bàn về giải pháp, ông Liếc nói: “Nhất thiết phải mở lớp dạy chữ viết, tiếng nói cho các em thôi. Lãnh đạo các huyện cũng nên nghiên cứu vấn đề này, bởi còn chữ viết, tiếng nói thì còn văn hóa. Cái gốc của văn hóa là từ đó mà ra”.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, bà Lê Thị Thủy - Phó ban Thường trực Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng nhiều thế hệ con em đồng bào dân tộc thiểu số “quên” tiếng mẹ đẻ của mình. Đây là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc; là hệ lụy trong công tác giáo dục nhận thức, ý thức đối với thế hệ trong mỗi gia đình của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, theo bà Thủy, để giải quyết tình trạng này không phải “một sớm, một chiều” mà cần phải có kế hoạch, định hướng cụ thể để từng bước khắc phục, đầu tiên là từ trong nội bộ gia đình, làng bản người dân.
LĂNG A CÚI