Người Cơ Tu với mẹ núi rừng

PHAN THỊ XUÂN BỐN 01/03/2014 12:17

Miền núi Quảng Nam là mái nhà chung lâu đời các nhóm dân tộc thiểu số Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng và Co. Đồng bào các dân tộc có khoảng gần 100 nghìn người mà trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm gần một nửa, độ 44 nghìn người. Giống như nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác sinh sống trên lãnh thổ nước ta, đồng bào Cơ Tu hiện nay vẫn duy trì và sử dụng luật tục truyền thống trong đời sống xã hội và vẫn tuân thủ các tập tục trong săn bắt, hái lượm để tận dụng nguồn thực phẩm dồi dào từ rừng, từ sông suối quanh mình. Người Cơ Tu sở hữu những sản vật trù phú đã hình thành nên một bề dày văn hóa thu hoạch sản vật rừng đặc sắc, thể hiện rõ nét trong cách ứng xử với thần linh khi muốn thu lượm lâm thổ sản và trong cách phân chia những món ăn đặc trưng của nhà trai và nhà gái của những đôi vợ chồng từ lúc mới thành thân cho đến khi răng long đầu bạc. Nhà gái đãi nhà trai những thú vật nhỏ, có thể tìm bắt trong thiên nhiên hay chăn nuôi như chim muông, gà vịt, ếch và cá...; còn nhà trai tặng nhà gái trâu bò, dê... hay các con thú lớn như lợn lòi, sơn dương, hươu nai…

Hoạt động săn bắt của người Cơ Tu chỉ diễn ra vào các tháng 9, 10, 11 tức là khoảng vào cuối năm - thời gian ngừng sinh sản của các loại chim thú. Vào thời gian này, khi mùa màng đã thu hoạch xong, thanh niên trai tráng bắt đầu lên rừng săn thú, còn phụ nữ vừa lo thu hoạch cho xong mùa vụ, vừa kiêm việc hái lượm lâm thổ sản để chuẩn bị nguồn thực phẩm đón tết. Rừng rậm là nơi ẩn náu của gấu, lợn lòi, sơn dương... giúp các chàng trai có quà dành cho nhà vợ. Các chàng trai Cơ Tu là những tay thợ săn bậc thầy, luôn mang về nhiều thú rừng khiến bữa ăn của người dân có dưỡng chất. Họ thường tổ chức săn tập thể từng nhóm từ 2 - 3 người hoặc toàn bộ thanh niên trong làng đi săn, phương tiện săn là lao phóng và súng và những đàn chó săn thiện nghệ. Họ biết chế tác và sử dụng thành thạo các dụng cụ như găp (bẫy), t’hoo (chông), pruung, văh, rap (hầm)... để săn bắt thú rừng.  

Đến mùa đông, cánh nam đi chinchar achim (nhử chim). Đây là hoạt động được ưa thích nhất trong năm. Từ lúc trời tối đen, trong cái lạnh tê tái, họ đốt đuốc ra rừng, leo lên cây (các loại cây có quả chim thích ăn như cây noon, cađăm,...) để cắm những que có nhựa cùng những chú chim mồi bằng gỗ (đhol) cạnh các chùm quả. Sáng ra, khi những đàn chim trời bay qua, thấy chim mồi chúng ngỡ là đồng loại đang ăn quả liền sà xuống ăn và bị dính nhựa rơi xuống đất. Các chủ nhân nấp sẵn dưới gốc cây lao ra chụp lấy, buộc chân chim (nếu là chim nhồng) vào các cây (taong) được mang theo sẵn để về bán lại cho người Kinh. Nếu là chim khác, họ nhổ lông, tẩm muối cho vào ống nứa để đem giáo (biếu cho anh hoặc em rể) hay làm thực phẩm. Trước khi đi săn người Cơ Tu cúng xin, săn được thú rồi thì phải cúng tạ. Với họ, săn bắt chim thú vừa để bảo vệ mùa màng vừa kiếm thêm nguồn thực phẩm nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày nhưng tuyệt đối tránh việc tiêu diệt đại trà hay săn bắt theo kiểu tận diệt các loài chim muông. Nơi đây mật ong rừng cũng dồi dào, các loại dược liệu được các đoàn khảo sát đánh giá là rất phong phú, đặc biệt cây ba kích, cây vàng đắng, rẽ quạt, dó, tr’đin... Người Cơ Tu có quan niệm vạn vật hữu linh, họ cho rằng từ con sông, vạt rẫy, khu rừng đều có linh hồn, do đó trước khi ăn thịt con thú bẫy được, họ lấy một ít gan bung ra ngoài cửa hay búng lên trời và tin rằng có một linh hồn đã hưởng và cho họ bẫy được nhiều thú hơn.

Do chăn nuôi và trồng trọt còn nhiều hạn chế, các hình thức kinh tế chiếm đoạt tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Việc khai thác lâm - thổ - thủy sản diễn ra hàng ngày. Trên địa bàn người Cơ Tu sinh sống có nhiều nguồn lâm thổ sản như gỗ, mây, tre, dang, mộc nhĩ, nấm tro, nấm mối, các loại rau mọc tự nhiên... Đến mùa măng, trong bữa ăn gia đình nào cũng có măng, thậm chí đồng bào còn bán bớt. Khi cây mây cao quá đầu người người ta chặt lấy đọt non (aguôl) để nướng ăn, món này rất ngon (đồng bào tin rằng nếu chặt vào lúc cây mây còn thấp thì người ăn sẽ hay ngủ gật).  Các nà rau dớn, rau mùi tàu, rau mặt trăng... mọc tự nhiên là nơi cung cấp rau cho các bếp. Đàn ông Cơ Tu khai thác gỗ, mây để làm nhà, đan lát các vật gia dụng và bán.  Ngoài những thực phẩm trên, một số món lạ của rừng rất được đồng bào tìm bắt làm cho bữa ăn của họ thêm phong phú: carau adinh (trứng kiến), caxâu (kiến chua), apưr (sâu cát), anhum (bọ rầy), caloong gdớ (nhộng ong), glap (mối), tarot (dế dũi), amit (dế bầu), ve ve hay các con thú nhỏ như các loại chuột, dơi, rùa và sóc, cúi lúi, tê tê...

Nương tựa vào rừng, sống nhờ rừng như đứa con nương vào tay mẹ, bao đời nay người Cơ Tu dù ở đâu, làm gì cũng mong có dịp về làng, quạt lửa nướng chú chuột rừng khô nấu cháo sắn hay kiếm mấy tổ mối làm z’ră, rủ nhau đi thăm bẫy hoặc ngồi chờ tiếng chim rơi dưới gốc cây ăn quả. Có vậy họ mới cảm nhận cái thú ở rừng và thầm biết ơn mẹ rừng thấm đẫm trong lòng. Với người Cơ Tu, niềm yêu núi rừng luôn chảy trong huyết quản và họ nguyện một lòng bảo vệ rừng núi quê hương.

PHAN THỊ XUÂN BỐN

PHAN THỊ XUÂN BỐN