Người Ca dong ở vùng núi Nam - Bắc Trà My

NGUYỄN TƯỜNG QUÂN 23/02/2014 12:31

Người Ca Dong sinh sống lâu đời tại hai huyện Nam - Bắc Trà My, với phong tục tập quán riêng biệt, với cách thức đặt tên làng, nóc khá lý thú.

Tên làng tên nóc

Nếu như người Kinh đặt tên làng, tên thôn dựa trên vị trí địa lý (Gò Nổi - Điện Bàn), nghề nghiệp truyền thống (Quán Hương - Thăng Bình), đặc thù tự nhiên (Đồng Sim - Tam Kỳ), hay mang ước vọng của con người (Bình Yên - ở Núi Thành)… thì người Ca Dong ở một hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My lại có cách đặt tên làng, tên nóc đơn giản hơn, nhưng cũng không kém phần lý thú và ý nghĩa. Làng (plơi) là đơn vị xã hội truyền thống của người Ca Dong bao gồm nhiều nóc (spôk) có phạm vi đất đai riêng, ranh giới quy ước theo con suối, dòng sông, đỉnh núi… Theo ông Nguyễn Xuân Thành - người Ca Dong tại nóc ông Đoàn, thôn 1, xã Trà Vinh (Nam Trà My), ngày xưa, khi số dân người Ca Dong còn ít, người dân sinh sống thành làng rải rác trên các vùng núi và đặt tên làng dựa trên các con suối mà làng đó lấy nước sinh hoạt. Các địa danh ấy có thể kể đến như Ták Pỏ, Tắk Rang, Tắk Leng, Tắk Lê… Chữ tắk được đọc chệch âm từ chữ đắk trong tiếng Xê Đăng ở các tỉnh Tây Nguyên, nghĩa là nước. Sau này, chữ đắk được dịch nghĩa ra tiếng Kinh và các làng của người Ca Dong mới có những cái tên thuần Việt như Nước Xa, Nước Oa, Nước Là, Nước Vin…

Một góc nóc ông Đoàn.
Một góc nóc ông Đoàn.

Đối với người Ca Dong, nguồn nước với họ rất quan trọng, linh thiêng. Họ sinh sống thành làng ở những vùng nào có nguồn nước và đặt tên cho làng của mình theo tên của con suối dẫn nước về làng đó. Khi lấy nước từ những con suối về sinh hoạt họ làm lễ cúng bái rất linh đình. Vì thế mà có tục cúng máng nước trong cộng đồng người Ca Dong ngày nay. Về sau, khi dân số tăng lên trong mỗi ngôi làng, đồng nghĩa với việc nguồn lương thực cạn kiệt do phải chia đất đai cho nhiều người sản xuất nên họ lại tách ra để di cư đến những vùng núi lân cận lập làng mới, tìm đất đai sản xuất, tìm nguồn nước sinh sống. Từ đó có thêm đơn vị nóc. Và việc đặt tên cho mỗi nóc không dựa theo tên của nguồn nước như tên làng nữa mà đặt theo một cách khác. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, người Ca Dong  đặt tên cho nóc của mình theo tên của người đứng đầu, đề xuất ý kiến tách khỏi làng để lập nóc mới. Sau này, tên nóc vẫn đặt theo tên người nhưng người đó còn phải là người có uy tín trong nóc và thường là tên một đảng viên người Ca Dong. Điều này càng cho thấy, người Ca Dong luôn giữ niềm tin vào Đảng và Bác Hồ. Ở thôn 1 xã Trà Vinh, ngoài nóc ông Đoàn, còn có nóc ông Nút, nóc ông Tí...

Trẻ em Ca Dong.
Trẻ em Ca Dong.

Phong tục, tập quán

Người Ca Dong sinh sống chủ yếu ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My với dân số hiện nay khoảng trên 25 nghìn người. Theo Viện Dân tộc học (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) và Cục Thống kê thì người Ca Dong là một nhóm thuộc dân tộc Xê Đăng (Tây Nguyên) và không nằm trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam ban hành năm 1979. Tuy nhiên, các già làng Ca Dong cho rằng người Ca Dong và người Xê Đăng là hai dân tộc khác nhau. Tại buổi tọa đàm, khảo sát về nguồn gốc tộc người Ca Dong do Viện Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh (2.11.2011), các già làng, trưởng bản của sáu xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Dơn, Trà Don, Trà Mai, Trà Tập (Nam Trà My) đã nêu một số nét tương đồng và khác biệt giữa dân tộc Ca Dong với các dân tộc khác như Xê Đăng, Co… Trong đó, tục ăn trâu huê, tục hai vợ nối dây, đánh trống chiêng trong các ngày lễ hội, dệt vải… của người Xê Đăng hoàn toàn không giống người Ca Dong. Đoàn khảo sát đã bước đầu thống nhất về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của người Ca Dong không nhầm lẫn với người Xê Đăng.

Người Ca Dong luôn có ý thức cao về giống nòi của mình. Họ luôn tự hào về truyền thống văn hóa của ông bà tổ tiên, về những phong tục lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc như lễ cúng máng nước, cúng mừng lúa mới, cúng trước khi đưa thóc vào kho, ăn trâu huê, cúng heo ba đầu, các phong tục ma chay, cưới xin... Trong đó, lễ cúng máng nước (Karát - langták) thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 âm lịch thể hiện quan niệm uống nước nhớ nguồn, cảm tạ thần linh đã ban cho dân làng nguồn nước sinh sống. Lễ mừng lúa mới và cúng đưa thóc vào kho chứa bảo quản cũng được tổ chức long trọng theo những nghi thức riêng biệt mỗi khi đồng bào địa phương thu hoạch lúa rẫy, cầu cho mùa màng bội thu, dân làng no ấm. Các phong tục ăn trâu huê (đâm trâu), cúng heo ba đầu (cúng ba cái đầu heo) cũng được thực hiện một đến hai lần trong một năm, mang đậm màu sắc văn hóa và quan hệ cộng đồng. Ngôi nhà sàn giữa làng là nơi để thực hiện các nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng này. Đây cũng là dịp để cả cộng đồng gắn kết, yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau sinh hoạt văn hóa, vui chơi sau những ngày làm việc vất vả.

Từ cách thức đặt tên làng, tên nóc cũng như những phong tục tập quán  của người Ca Dong cho thấy một quá trình sinh sống, chuyển cư lâu đời của họ ở vùng cao dưới chân núi Ngọk Linh - được mệnh danh là “nóc nhà của miền Nam nước Việt”. Đây không những là những nét văn hóa đặc sắc bộc lộ ý thức dân tộc của người Ca Dong, mà còn thể hiện một niềm tin sâu sắc vào Đảng và Bác Hồ, vào cuộc sống mới trên quê hương Nam - Bắc Trà My.

NGUYỄN TƯỜNG QUÂN

NGUYỄN TƯỜNG QUÂN