Thao thức Trà Vinh

THIÊN ÂN 15/02/2014 15:38

Vượt một chặng đường hơn trăm cây số chỉ để thỏa chí khám phá và nhìn thấy những vùng đất lạ, cuối cùng tôi cũng mon men đến được Trà Vinh - một xã heo hút của huyện Nam Trà My. Đón tôi là cô bạn học cùng trường lên dạy đã hơn hai năm, tự nguyện cắm bản để dạy chữ cho các em nghèo. Cái lạnh cắt da thịt ở vùng núi cũng bắt đầu thấm dần vào người, làm tôi rùng mình. Đám học sinh vùng núi với những ánh mắt ngây thơ thăm dò chúng tôi bằng cái nhìn lạ lẫm. Tôi đã bắt đầu cảm nhận được những nét đặc trưng phổ quát của những người Ca Dong có nét gì đó na ná người Cơ Tu quê tôi. Có người nói, từ đôi mắt và mùi hương là điều định quán đầu tiên. Tôi không cần suy nghĩ nhiều cũng đã bắt mạch được điều gì đó gần gũi sau hơn 20 năm sống nơi vùng núi của mình, mọi cái gợi lên sự hoang dã, thực thà đến khó tả.

Phóng tầm mắt ra màn mưa lất phất đan xen trong đám sương mù đang mặc sức tạo thành bức màn màu xám, hòa quyện với làn khói bay lên từ những mái nhà sàn nằm thưa thớt trên các sườn đồi, tự dưng thấy ấm lòng đến lạ. Được biết, đây là nóc Ông Đoàn, cạnh trung tâm của xã. Cô bạn học bây giờ là cô giáo trẻ ở đây, chỉ cho tôi các thôn nóc còn lại. Nóc gần nhất nằm trên đỉnh đồi trước mắt, nơi xa nhất phải vượt đường rừng khoảng bốn, năm tiếng đồng hồ đi bộ, nơi của muỗi và vắt rừng ở phía mờ xa... Nhưng có lẽ cái cách gọi tên nóc như nóc Ông Tí, Ông Ruộng… làm tôi chợt nghĩ đến văn hóa làng xã và cách đặt tên của người Kinh được phản ánh qua thơ: “Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm/ Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”. Cách sống nếp nghĩ đã thấm sâu và trải dài theo chiều dài đất nước tạo nên văn hóa định hình rõ nét của cộng đồng cư dân Việt.

Đi vào từng ngôi nhà sàn ám màu cũ kỹ vẫn không quá xa trong tưởng tượng của tôi, dưới những mái nhà nằm im lìm trong sương mù là những bếp lửa đượm than và những con người ngồi co ro bên bếp lửa sưởi ấm. Trong lúc làm quen với cái lạnh bởi dần hồi sức sau quãng đường dài, tôi được cô bạn khoe về cô học trò nhỏ, ngoài học giỏi, còn ngâm thơ và hát rất hay. Cô bé tên là Nguyễn Thị Hiếm, cái tên gợi nên sự quý hiếm thực sự nơi núi rừng thâm u này. Em ngâm cho chúng tôi nghe bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng. Trong cái hoang sơ của núi rừng trùng điệp, cái mù mịt của sương giăng trắng trời, tôi chợt thấy ấm lòng qua tiếng ngâm trong trẻo tuy còn có chút rụt rè của em. Quả thật tôi hơi bất ngờ vì ở nơi quá xa xôi này vẫn có những mầm non văn nghệ như vậy. Đám học trò nhỏ chỉ có chiếc áo mỏng manh khoác trên mình đang nhìn tôi và thì thầm với nhau. Tôi làm quen với các em nhưng không hiểu gì vì các em nói tiếng Kinh chưa sõi. Cô bạn cho hay, các em còn thiếu thốn mọi thứ, nhiều em đi học còn không có dép mang, các thầy cô phải mua cho các em. Thầy cô chăm sóc các em như cha mẹ ở nhà, như đêm trước khi tôi đến, một cô giáo trẻ đã vượt quãng đường rừng thăm thẳm để đưa học sinh ra trạm xá vì lên cơn sốt. Nhà các em ở các nóc heo hút, phần lớn nghèo khó vì đủ nguyên do. Cô bạn tôi cho biết, mỗi nóc có trên dưới 20 hộ thì ít nhất có vài ba gia đình là hôn nhân cận huyết.

Lần đầu đến với Trà Vinh, tôi tranh thủ tìm hiểu về việc học hành của trẻ em vùng cao. Cô bạn biết thế, đưa tôi lên thăm các lớp học. Có lớp chưa đến sáu học sinh. Có lớp vì quá ít học sinh mà cô giáo kê bàn ghế, chia lớp thành hai, một lớp hai và một lớp ba học chung phòng. Bàn ghế cũng chưa thật đảm bảo quy cách, học sinh lớp ba có em phải đứng lên mới đủ chiều cao của bàn để viết bài. Bắt gặp ánh nhìn của tôi em bẽn lẽn cười che mặt. Những em nhà xa được ở nội trú tại trường theo quy định. Tuy nhiên, những ngày giá rét của tiết giêng hai, các em phải đắp chung một tấm mền mỏng khi ngủ. Nhiệt độ ở vùng núi nhiều lúc xuống dưới 150C là chuyện bình thường nên tôi càng thêm thương các em. Cuối tuần, các em được trở về nhà. Nhìn các thiên thần nhỏ tỏa ra trên các con đường dốc dưới làn mưa phùn không có áo mưa hay ô dù, tôi càng khâm phục sự cứng cỏi của những em bé Ca Dong - những đứa con núi rừng. Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt, cứ nằm thao thức mãi với Trà Vinh...

THIÊN ÂN

THIÊN ÂN