Đặc sắc lễ hội Bà Chợ Được
(QNO) - Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, Thăng Bình) diễn ra sôi động, cuốn hút trong 2 ngày qua (9 và 10.2). Thành công của lễ hội năm nay ngoài nghệ thuật trình diễn, còn là kết quả của tinh thần gắn kết cộng đồng, tâm thức tín ngưỡng của người dân nơi đây.
|
Các bàn cộ được rước trong lễ hội. |
Phần chính lễ được tổ chức trang nghiêm tại lăng Bà mồng 10 tháng Giêng nay dưới sự điều hành của Ban Tế lễ gồm dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, đánh trống hiệu và cúng chay. Tính chất bài bản của lễ nghi đã giúp hàng nghìn người dân và khách tham quan phần nào khái quát được truyền thuyết từ khi Bà được sinh ra cho đến khi quy tiên và hiển linh cứu người. Ngay sau khi kết thúc phần chính lễ, giải đua thuyền, bóng đá thu hút nhiều đội tranh tài gay cấn khiến bức tranh lễ hội thêm sinh động, cuốn hút. Đặc biệt, lễ rước cộ năm nay được tổ chức rất quy củ càng khẳng định thêm giá trị nhân văn sâu sắc, nét đẹp chân chất, óc sáng tạo độc đáo của người dân vùng quê Bình Triều.
Tài hoa, tinh xảo
Lễ rước cộ năm nay gồm 4 bàn cộ phác họa các sự tích, chiến tích Sơn Tinh - Thủy Tinh; Phù Đổng Thiên Vương; vua Quang Trung đại phá quân Thanh và trận đánh lẫy lừng năm châu Điện Biên Phủ. Mỗi sự tích hay sự kiện lịch sử đều kết tinh trong một bố cục hài hòa từ nhiều tình tiết, tình huống sinh động bởi vậy rất khó cô đọng để cụ thể hóa sống động trên một bàn cộ. Tuy vậy, bằng óc sáng tạo tài hoa, tinh thần hăng say lao động, đặc biệt là tính cố kết cộng đồng, các bàn cộ đã biểu đạt một cáhc trọn vẹn các truyền thuyết cũng như sự kiện lịch sử. Trong không gian rộn rã của trống giục và ánh sáng bừng bừng trong đêm, hàng nghìn người xem và du khách đã nín lặng, lắng lòng mình ôn lại các sự tích cũng như chiến công được biểu hiện dưới hình thức cộ.
Người dân chu đáo thiết kế từng chi tiết trên bàn cộ. |
Chiêm ngưỡng bàn cộ Sơn Tinh - Thủy Tinh, trước mắt người xem như hiện ra cảnh đánh nhau trời long đất lở của hai vị thần. Ở đó có cảnh Thủy Tinh làm phép dâng nước định dìm chết Sơn Tinh hay cảnh Sơn Tinh cho núi dâng cao cản nước. Để rồi bàn cộ này khắc họa sinh động cảnh sống ý vị của Sơn Tinh và Mỵ Nương như quan niệm cái thiện chiến thắng cái ác của dân gian.
Ở bàn cộ Phù Đổng Thiên Vương, bằng các vật liệu đơn giản như tre, gỗ, sắt, máy phun khói… các nghệ nhân dân gian đã tái hiện rõ rệt sự tích Thánh Gióng. Các vật dụng vô tri qua óc thẩm mỹ phong phú và đôi bàn tay khéo léo đã mô phỏng cảnh Thánh Gióng nhổ tre quất tới tấp vào kẻ thù rồi lên núi Sóc Sơn trút bỏ áo quần, bay về trời. Hay bàn cộ trận đánh Điện Biên Phủ, chiến dịch Thu đông 1953 - 1954 rồi cảnh quân ta như thác đổ chiếm lĩnh đồi A1 cũng như được tái hiện rành rành trước mắt người thưởng lãm…
Gắn kết cộng đồng
Tài sản quý báu Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được là tài sản tinh thần vô cùng quý giá, nét văn hóa truyền thống đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân Chợ Được, xã Bình Triều nói riêng, huyện Thăng Bình nói chung, được nhân dân cả nước biết đến. Đây là một trong những lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực sâu đậm của cư dân nông - ngư nghiệp gắn với tục thờ Mẫu được tổ chức rộng rãi trong cả nước vào dịp đầu Xuân. Tổ chức lễ hội còn là dịp tri ân các anh hùng dân tộc, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc qua tổng hòa các nghệ thuật hội họa, tạo hình, sân khấu, diễn xướng, điêu khắc, lễ nghi… |
Anh Doãn Công ở tổ 13, thôn Phước Ấm, người trực tiếp tham gia thực hiện bàn cộ Sơn Tinh - Thủy Tinh kể, hỗ trợ lễ hội năm nay, chính quyền địa phương đã ứng cho mỗi tổ 15 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền hỗ trợ này không đủ để hoàn thành bàn cộ, chính người dân tại các tổ trong thôn đã tự nguyện quyên góp tiền của thì mới có thể hoàn thành. “Người dân chúng tôi ai cũng nhớ về công lao, sự phù trợ của Bà. Không cần đến vận động thì người dân cũng đã tự nguyện đóng góp ngày công và tiền bạc để hoàn thành bàn cộ. Tính cố kết cộng đồng của người dân chúng tôi là rất lớn, ai cũng muốn chung tay góp sức vào lễ hội” – anh Doãn Công nói. Theo anh Công, ngay từ trước tết, người dân đã đoàn kết, thống nhất với nhau thiết kế hình tượng bàn cộ. Bởi vậy, khi bắt tay thực hiện từ mùng 4 cho đến mùng 10, bàn cộ hoàn thành rất nhanh.
Nghệ nhân Hồ Viết Lợi là người đã dành nhiều tâm huyết với nghệ thuật chưng cộ của thôn Phước Ấm. Theo người nghệ nhân, chưng cộ là nghệ thuật dân gian, thành công hay không phụ thuộc vào tinh thần tự nguyện, đoàn kết của người dân. Bởi mỗi bàn cộ là một hình tượng “tĩnh” còn mỗi sự kiện hay truyền thuyết biểu đạt qua bàn cộ lại có tính “động”. Nên, bàn cộ có bao quát được sự kiện hay không phụ thuộc vào sự tương hỗ, bổ trợ, hài hòa của các vật liệu lắp đặt cấu thành thể thống nhất chung là bàn cộ. Khi lắp đặt, mỗi người trong tổ phải phối hợp chặt chẽ, phải nhường nhịn thì sản phẩm tập thể là bàn cộ mới thành công được. Trong 4 bàn cộ được thiết kế ở lễ hội này, có bàn cộ rất khó thiết kế và thực hiện. Câu chuyện rất thu hút là lẽ ra bắt thăm để đội nào may mắn thì không phải thực hiện bàn cộ khó đó nhưng đại diện các tổ trong thôn đã tranh nhau thiết kế bàn cộ khó. Câu chuyện này đã giúp chúng tôi cảm nhận rõ rệt hơn về tính cố kết cộng đồng qua lễ hội rước cộ Bà Chợ Được.
Truyền thuyết kể rằng, Thần nữ họ Nguyễn, huý là Của, vốn là con gái nhà khuê các ở xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, còn có tên gọi khác là Phường Chào), khi sinh - ngày 25.2 năm Canh Thân, 1799 - có điềm lạ, khói lam mây trắng che phủ mịt mù một vùng, lớn lên trở thành người đẹp, tính nết hiền từ nên người dân tôn kính gọi là Bà. Bà bốc thuốc chữa bệnh, cứu được nhiều người. Năm Gia Long thứ 16 (tức năm 1818), nhằm ngày 19-11, Bà quy tiên khi mới ở cõi trần được 19 năm, được nhân dân sở tại lập đền thờ. Tuy thác đi nhưng với lòng thương mến dân lành, Bà thường trở về hiển linh cho thuốc cứu người, trừng trị quan tham hà hiếp chúng dân… Cũng tương truyền vào năm Tự Đức thứ 5, Bà vân du qua vùng này thấy phong cảnh hữu tình nên trụ lại, mách bảo dân chúng lập chợ, đặt tên thôn là Phước Ấm. Không lâu sau, vùng này mau chóng trở nên sầm uất, dân chúng tụ về làm ăn phát đạt, khu chợ ngày trước được dân gọi là Chợ Được (hàm nghĩa cầu chi cũng được, thuận tiện, may mắn!), sông Trường Giang cũng trở thành nơi giao thương đường thủy tấp nập bởi đoàn ghe bầu hàng chục chiếc có thể mang hàng hoá đi tận Gia Định, Đồng Nai... Để tri ân công đức Bà, nhân dân lập miếu thờ, ngày đêm hương khói và đệ đơn lên Bộ Lễ xin phong sắc. Do vậy, vào năm Thành Thái thứ 6, Bà được triều đình phong “Trung đẳng thần” và năm Khải Định tứ tuần tiếp tục phong “Thượng đẳng thần”. Lễ hội rước cộ sở dĩ diễn ra đúng vào ngày 11 tháng giêng âm lịch hằng năm bởi dân làng Chợ Được đón nhận sắc phong của Bà vào đúng ngày này, các ngày sinh, qui của Bà cũng đều được nhớ và cúng vái… Từ đó thành lệ, hằng năm nhân dân tổ chức rước sắc Bà đi khắp khu chợ, mở hội vui chơi múa hát. Để thêm phần long trọng, nhân dân nghĩ ra cách chưng cộ cúng Bà rồi diễu hành cùng kiệu rước sắc Bà, đua ghe… Vì vậy, lễ hội này còn có tên là “lệ Cộ Bà”. Nguồn gốc hình thành rước cộ là sự tưởng nhớ công đức của người sáng lập chợ Được mà tên bà gắn liền với tên chợ “Bà Chợ Được”. Hằng năm, quan chức, dân chúng địa phương tổ chức lễ tế và “khoe sắc” vào ngày 11 tháng giêng (ngày nhận sắc phong đầu tiên năm Giáp Ngọ - 1894). Nghệ thuật rước Cộ chính là sự vận dụng tổng hợp và gắn kết độc đáo giữa các loại hình nghệ thuật trình diễn, sự phối hợp các loại hình nghệ thuật sắp đặt, trang trí cũng như sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của các nghệ nhân. (Hoàng Ly – Xa Văn Hùng) |
NGUYỄN QUANG VIỆT