Đi lên từ làng
Tây Giang mùa xuân luôn hòa mình với thiên nhiên, muông thú và hoa lá. Xưa kia vùng đất này còn hoang sơ, dân làng sống phóng khoáng, tự do hòa mình với núi, với rừng. Không gian sống như vậy tạo cho người Cơ Tu quây quần bên nhau, trong nhà sàn. Nhiều nhà tạo nên làng. Làng là một tổ chức tự quản, gần gũi, đùm bọc, đoàn kết, thống nhất thành một khối chặt chẽ. Đây chính là những yếu tố tiên quyết để làng trường tồn, phát triển trong điều kiện cuộc sống khắc nghiệt, nghèo khó giữa chốn rừng sâu, núi thẳm đầy bất trắc, bắt con người muốn tồn tại thì phải thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Làng chính là nơi che chở, đùm bọc nhau, sản sinh ra văn hóa để tích lũy, bảo tồn cho muôn đời sau.
Lễ kết nghĩa của người Cơ Tu ở Tây Giang. Ảnh: TẤN VỊNH |
Phá vỡ cấu trúc
Văn hóa Việt nói chung, Cơ Tu nói riêng hiện nay nhiều nơi đang bị xáo trộn, phá vỡ cấu trúc tồn tại hàng nghìn năm. Ngoài nguyên nhân khách quan tác động đến, như: chiến tranh, thiên tai, biến đổi của tự nhiên và xã hội…, còn có nguyên nhân chủ quan trực tiếp của con người trong định hướng, đầu tư, phát triển cho vùng miền núi, như: nóng vội, chủ trương phát triển nhanh để “tiến kịp miền xuôi”, “tách hộ lập vườn”, “bám mặt tiền” để tiện bề làm ăn và phát triển. Việc đó, xét về lý thuyết trong quy luật phát triển thì không sai, nhưng điều kiện lịch sử, trình độ dân trí, nguồn lực đầu tư và môi trường cho phát triển miền núi “nhanh và nhảy vọt” ấy chưa hội tụ đủ các yếu tố làm bệ phóng cho miền núi “đi tắt, đón đầu” nên bị phá đi cấu trúc văn hóa làng, phá đi tính cộng đồng trong văn hóa, tạo sức ỳ trong phát triển, làm dang dở giữa cái mới chưa thành công và cái cũ đã có cần gìn giữ và bảo tồn thì mai một, mất dần.
Xưa kia ở đồng bằng cũng như miền núi mỗi làng có một cái đình, mọi việc lớn nhỏ của làng đều đưa ra đình làng bàn bạc, giải quyết. Trong văn hóa làng thì đình là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống, nơi tổ chức lễ hội, là công đường xử những ai vi phạm luật làng, tạo nên câu “phép vua thua lệ làng”. Điều đó không có nghĩa là “cả làng đó hơn được pháp luật vua ban, làng to hơn vua mà nói đến việc chính quyền của triều đình đó chỉ nắm tới góc độ hương xã mà thôi, các cá nhân trong làng thì làng tự quản và giải quyết”. Làng là hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt. Ngày nay trong xây dựng chính quyền nhân dân, pháp luật Nhà nước ta cũng ghi nhận cấp chính quyền chỉ đến xã, còn thôn là cánh tay nối dài của xã, nơi trực tiếp với người dân, cũng chính là hạt nhân cơ bản của chính quyền cơ sở nhân dân.
Tây Giang vào mùa lễ hội. |
Văn hóa làng xã trong văn hóa Việt Nam không phải cái gì đó xa lạ mà ngược lại rất gần gũi, bình dị xung quanh chúng ta. Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất phát từ làng. Mấy năm gần đây, phong trào xây dựng nông thôn mới ở nước ta đang triển khai rộng khắp. Nhưng xét về mặt kỹ thuật ngôn ngữ, khái niệm của tên gọi “nông thôn mới” có cái gì đó chưa ổn, rất rộng, đôi lúc nghĩ thấy hơi “tham”, vì “nông thôn mới” thuộc một phạm trù rộng lớn, bao hàm nhiều lĩnh vực trong một quần thể đa ngành, đa lĩnh vực, không địa chỉ nên khó hiện thực. Trong khi đó truyền thống văn hóa của cha ông để lại rất cụ thể, thiết thực, gần gũi, có địa chỉ rõ ràng: văn hóa làng xã, “làng còn nước còn”.
Đầu tư đúng mục tiêu
Theo nhìn nhận chủ quan của cá nhân người viết, chủ trương xây dựng nông thôn mới rất đúng, rất trúng, nhưng tên gọi chung chung không sát thực văn hóa truyền thống của dân tộc, khó thuyết phục, khó đi vào lòng dân để “chung tay xây dựng nông thôn mới” nhanh hơn, hiệu quả hơn. Do đó, nên dùng từ xây dựng “làng mới” hay “thôn mới” rất dân tộc, rất văn hóa, sát cơ sở. Vì đầu tư cho làng là đầu tư đúng mục tiêu cần đến để người dân hưởng thụ thành quả của xây dựng nông thôn mới, giữ được truyền thống văn hóa làng, giải quyết được nội tâm của vấn đề, làm theo kiểu “tích tiểu thành đại” tức từ nhỏ thành to, từ cái “gốc” của nội dung “xây dựng nông thôn mới”. Như vậy, rất ý nghĩa, dễ thuyết phục và thấy được sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo, đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn ngay từ chính tại làng xã phù hợp mục tiêu làm cho dân, vì “dân là gốc”.
Xây dựng làng mới (hay thôn mới) ở miền núi mục đích cuối cùng phải đạt được là đem lại sự ổn định, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn một cách bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng. Tùy theo điều kiện tự nhiên và xã hội mỗi nơi có cách làm riêng phù hợp địa phương mình. Nhưng cái chung đồng nhất phải làm trong cuộc cách mạng này là “chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đề ra. |
Kinh nghiệm Tây Giang sau 10 năm tái lập (2003 - 2013), từ một huyện vô vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề, tỷ lệ đói nghèo trước đó rất cao (84,64%), nay đã có sự thay đổi đáng kể cũng bằng cách tập trung xây dựng đi lên từ làng. Bên cạnh sự quan tâm của trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp, nhà từ thiện…, địa phương nhận thức đúng tiềm năng lợi thế của mình, xác định đầu tư “lấy thôn làm mục tiêu, dân làm gốc” đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn để từng bước vượt qua những thử thách khôn lường, tưởng chừng phải trải qua một thời gian dài mới đạt được. Đó là xây dựng cơ sở hạ tầng tại xã, thôn tương đối đồng bộ, từng bước khắc phục khó khăn ban đầu, tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Có các địa phương điển hình dẫn đầu như A Nông, Lăng, A Tiêng, A Xan, Bha Lêê; san ủi tạo mặt bằng mới cho 58/70 thôn ở ổn định lâu dài, hợp văn hóa làng Cơ Tu, tránh nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; mở rộng sản xuất, chăn nuôi khoa học. Đáng kể nhất là lần đầu tiên trên địa bàn miền núi Tây Giang vốn người nông dân xưa kia chỉ biết phá rừng làm rẫy, nay lại cần mẫn trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và họ trở thành người công nhân lâm nghiệp cần mẫn trồng cây cao su trên đất dốc của chính mình. Ngoài ra, người dân còn trồng các loại cây dược liệu quý hiếm, như: sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, ba kích, tr’đin, thảo quả, táo mèo…; chăn nuôi tập trung bò, heo cỏ, nuôi cá nước ngọt, cá tầm xứ lạnh... bước đầu đem lại kết quả khả quan, triển vọng không xa sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa.
Mở cánh cửa cho miền núi
Kết quả Tây Giang đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng chính là cánh cửa mở đường cho việc giải quyết tồn tại và vướng mắc lâu nay về “an cư để lạc nghiệp”, là cái gốc của sự phát triển ổn định lâu dài cho đồng bào miền núi “định cư” hợp văn hóa làng truyền thống của dân tộc. Từ đó tạo nên tính bền vững trong “định canh”, người dân không những không phá rừng làm rẫy mà đã có ý thức biết quý trọng văn hóa giữ rừng của cha ông nghìn năm để lại, trồng lại rừng có thu nhập cao hơn, ổn định hơn và chắc chắn sẽ bền vững hơn.
Một góc trung tâm hành chính huyện Tây Giang. |
Thuận lợi là vậy, bởi vì dân đồng tình ủng hộ một cách hồ hởi đầy trách nhiệm và “bị” thuyết phục. Nhưng khó khăn phía trước không phải ít, vì chủ trương chưa đồng nhất, nguồn lực đầu tư cho làng còn quá nhỏ bé. Trong khi đó, nhu cầu của người dân rất lớn và bức bách. Thiết nghĩ, Nhà nước nên nghiên cứu sâu vấn đề văn hóa làng trong đầu tư tập trung cho nông thôn mới, vì điều này rất cần thiết, cụ thể và sát thực. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước hiện nay, phải phù hợp truyền thống và hiện đại, môi trường phát triển cho miền núi mới ổn định bền vững lâu dài.
Xây dựng làng mới (hay thôn mới) ở miền núi mục đích cuối cùng phải đạt được là đem lại sự ổn định, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn một cách bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng. Tùy theo điều kiện tự nhiên và xã hội mỗi nơi có cách làm riêng phù hợp địa phương mình. Nhưng cái chung đồng nhất phải làm trong cuộc cách mạng này là “chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đề ra. Muốn làm được điều đó, chủ trương phải đồng thuận, cách làm phải đồng bộ, tinh thần người dân được khích lệ và sẵn sàng, với tinh thần “làng mới đầy sinh khí, nông dân đầy khát vọng” cho sự phát triển nhanh và bền vững của chính mình, làng xã mình.
BH’RIU LIẾC
(Bí thư Huyện ủy Tây Giang)