Sôi nổi hội đua thuyền

HOÀNG LIÊN 06/02/2014 12:03

Liên tiếp 2 ngày mùng 5 và mùng 6 tết, lễ hội đua thuyền trên sông Hoài (Hội An) và sông Vu Gia (Đại Lộc) khiến không khí xuân thêm phần khởi sắc.

Khách Tây đua tài

Hai bên bờ sông Hoài, gần 5.000 du khách địa phương và quốc tế háo hức theo dõi cuộc đua ghe ngang giữa 8 đội đua đến từ các xã/phường trên địa bàn thành phố và 1 đội khách mời. Cuộc đua ghe ngang tại sông Hoài trở nên lý thú, sinh động hơn khi có sự tham gia của tay đua là các du khách quốc tế. Xuất phát từ chân cầu An Hội, sau tiếng trống lệnh, các ghe đua hăng hái ngay từ những phút đầu tiên, điều khiển ghe xuôi về hướng Quảng trường Sông Hoài. Không khí “trên bến dưới thuyền” càng lúc càng trở nên “nóng”, các ghe đua tranh tài trên từng mét nước. Lần đầu tiên tham gia, các tay đua quốc tế tỏ ra rất hăng hái, trở về đích ở vị trí thứ 5 sau chặng đua giải khai mạc (giải rượu). Tiếng reo hò, cổ vũ dậy vang cả một khúc sông vốn trầm mặc, yên ả của phố Hội. Nhiều cổ động viên người nước ngoài còn thuê hẳn ghe đậu hai bên bờ sông để cổ vũ cho các đội đua, chụp ảnh, quay phim kỷ niệm; trong khi đó nhiều du khách còn té nước vào những ghe đua với ý nghĩa cầu chúc cho sự may mắn.

Sông Vu Gia nhộn nhịp trong lễ hội đua thuyền.
Sông Vu Gia nhộn nhịp trong lễ hội đua thuyền.

Mệt lả người sau chặng đua 2 vòng đôi với cự ly 1.000m, nhưng anh David Eakins (du khách Anh) vẫn tỏ ra hào hứng, vui vẻ nhận giải danh dự từ ban tổ chức: “Tôi nghĩ là tôi sẽ dành thời gian đi tham quan phố cổ nhiều hơn. Song tôi thú vị vô cùng khi tham gia cuộc đua và tôi đã nhận được giải danh dự. Nếu có cơ hội trở lại Hội An vào đúng mùa lễ hội, tôi nhất định sẽ tham gia đua ghe lần nữa. Thật tuyệt!”. Lễ hội đua ghe ngang truyền thống là hoạt động văn hóa thể thao của người dân vùng sông nước Hội An, ước vọng cho một năm mưa thuận gió hòa. Lễ hội khơi dậy truyền thống rèn luyện thể chất, sức khỏe của người dân ở vùng sông nước. Sau 2 giải đua (giải rượu và giải chính) trong niềm phấn khởi đầu xuân, các tay đua phường Cẩm Kim đã giành chiến thắng ngoạn mục, trở thành đội vô địch tại mùa giải năm 2014 này.

Nô nức sông quê

Du khách nước ngoài nhận giải danh dự. Ảnh: H.L
Du khách nước ngoài nhận giải danh dự. Ảnh: H.L

Có lẽ, trong các hoạt động vui tết đón xuân ở Đại Lộc, không có hoạt động nào thu hút sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo nhân dân như hội đua thuyền. Tham gia tranh tài đầu năm có 24 thuyền đua với 351 vận động viên đến từ 14 xã/thị trấn trên địa bàn huyện. Ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay: “Giải đua thuyền truyền thống huyện Đại Lộc nhiều năm liền được duy trì đúng vào mùng 6 tết. Bên cạnh ý nghĩa mang nét văn hóa tâm linh, đây là hoạt động thể dục thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu xuân trong nhân dân. Một ý nghĩa tích cực là hoạt động này tạo nhận thức cho người dân vùng “rốn lũ” sẵn sàng ứng phó và chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại về con người và tài sản trong mùa mưa lũ”.

Về cơ cấu, giải đua năm nay gồm có giải hòa bình (giải rượu) và giải chính gồm giải nam và giải nữ. Ở giải hòa bình, 14 thuyền đua nam của 14 xã/thị trấn ngay khi khai mạc đã quyết liệt đọ nhau từng mét nước trên đường đua. Thuyền đua của xã Đại Nghĩa nhanh chóng bỏ xa các đội còn lại qua 3 vòng đôi ở cự ly 3.000m, giành vị trí thứ nhất. Hai đội đua xã Đại Hưng và Đại Sơn cũng không kém phần xuất sắc với màn đua hết sức ấn tượng. Ở giải nữ chính, 10 thuyền nữ của 10 xã/thị trấn sau hồi trống lệnh đã hăng hái vào cuộc. Không kém các tay đua nam, các tay đua nữ cũng thể hiện sức lực và sự dẻo dai qua các chặng đua. Sau 4 vòng đôi ở cự ly 4.000m, các tay đua nữ của xã Đại Phong giữ vị trí vô địch khi bỏ xa đối thủ là đội đua xã Đại Lãnh (giải nhì) và thị trấn Ái Nghĩa (giải ba). Ở giải chính, ban tổ chức đã trao giải nhất, nhì, ba cho 3 đội đua xuất sắc nhất là Đại Phong, Đại Hưng và Đại Lãnh; đội đua xã Đại Hòa được trao tặng giải phong cách sau chặng đường đua dài 6km ngoạn mục.

Dưới nắng xuân, bất kể già trẻ, gái trai, ai nấy reo hò, cổ vũ nhiệt tình. Ông Tăng Đá (60 tuổi, thôn Hà Nha, xã Đại Đồng), người có thâm niên cầm chèo thuyền đua trên sông nước cho biết: “Lễ hội đua ghe truyền thống tại Đại Lộc đã có từ lâu đời. Nghe cha ông kể lại, hội đua ghe có khi diễn ra 6 - 7 ngày với nhiều giải. Các thuyền đua thời này tranh tài hết ngày này tới ngày khác cho tới khi đội nào không còn sức đua nữa thì bỏ cuộc, và đội đua dẻo dai, bền bỉ nhất đương nhiên sẽ trở thành đội vô địch. Tính chất, phạm vi tổ chức mỗi thời mỗi khác, nhưng trong lòng người dân Đại Lộc, đua thuyền đã trở thành ngày hội, nét văn hóa của vùng miền. Gần 10 năm nay, giải đua đã trở thành “thương hiệu” của người dân vùng Đại Lộc, khiến chúng tôi rất phấn khích”.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN