Hội làng
Ngày tết, cùng với nhiều hoạt động văn hóa khác, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang lại cùng nhau xúng xính trong bộ trang phục truyền thống vui ngày hội làng.
Tết sớm
Ngày cận tết, Làng văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) rộn ràng cùng lễ hội cồng chiêng, đâm trâu đón chào năm mới. Một không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được tái hiện giữa tiết trời mùa xuân trong niềm vui háo hức của cả cộng đồng làng.
Theo già làng thôn Bhơ Hôồng 1 Bh’nướch Bảo, đây là lần đầu tiên đồng bào Cơ Tu thôn Bhơ Hôồng 1 tổ chức hội làng đâm trâu, mừng xuân mới kể từ khi lập làng vào những năm đầu thập niên 70. Từ rất sớm ngày diễn ra lễ hội, đồng bào ai cũng chọn cho mình những trang phục văn hóa truyền thống đẹp nhất để cùng sum vầy bên mái gươl làng, cùng múa các điệu tâng tung da dá truyền thống. “Lâu lắm rồi mới có lễ hội làng như hôm nay. Nên dù bận công việc nhà, đồng bào ai cũng háo hức đến với hội làng đón tết, mừng xuân” - già làng Bh’nướch Bảo cho hay.
Đồng bào Cơ Tu thôn Bhơ Hôồng 1 vào hội làng mừng xuân. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Buổi sáng, sương sớm vùng cao cuộn tròn trên mái gươl làng. Sau các nghi thức cúng tế thần linh, hội làng Cơ Tu thôn Bhơ Hôồng 1 chính thức khai hội trong nhịp điệu trống chiêng rộn rã, thúc giục. Quanh trụ x’nur (cây nêu), các chàng trai, cô gái Cơ Tu hò reo theo nhịp trống, múa chân đều cùng vũ điệu dâng trời, mừng hội làng đón tết. Thay mặt buôn làng, già Bảo thực hiện nghi thức chọi nhát giáo đầu tiên vào mũi con trâu, rồi mới đến lượt lũ làng. Cùng nhịp trống chiêng dồn dập ngân vang, một cụ ông Cơ Tu dùng cây tre dài đâm “thử nghiệm” nhát đầu tiên vào con trâu trước tiếng reo hò của dân làng. Theo ông Bh’ling Bloó, nghi thức này cũng được xem như quá trình làm mẫu để con cháu học hỏi, tránh làm “biến dạng” nét văn hóa truyền thống lâu đời.
Trống chiêng càng lúc dồn dập hơn, những già làng Cơ Tu vội vã đưa tấm thổ cẩm đắp lên thân con trâu, khấn vái theo tập tục - hàm ý khóc đưa tiễn một “linh hồn trâu” về bên kia thế giới. Cứ thế, lễ hội kết thúc sau màn “trình diễn” của già làng, thông qua nghi thức ném phần đuôi trâu lên chiếc giỏ phía trên trụ x’nur nhằm báo với thần linh về lễ hội làng đã xong và cũng là dịp cầu may, chúc phúc.
Lưu giữ văn hóa làng
Tất niên chung của làng Trước đây, nhiều vùng đồng bào Cơ Tu ăn tất niên vào sáng mùng 1 tết. Do yếu tố tâm linh tránh máu me vào ngày đầu năm nên đồng bào chuyển các sự kiện lễ hội vào những ngày cận Tết Nguyên đán và được xem như một dịp tất niên chung của làng. Hằng năm, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi làng mà hội đồng già làng thống nhất việc có hay không tổ chức lễ hội làng. Ở một số vùng người Cơ Tu, do không đủ điều kiện mua trâu, đồng bào thường chỉ góp tiền mua con heo, ăn tất niên gọn nhẹ, bớt rườm rà. Năm nay, ngoài Bhơ Hôồng 1, hội làng đón tết còn diễn ra ở một số thôn bản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang như: làng Arooih (xã Ga Ri); khu dân cư Achir (xã A Tiêng),... với các hoạt động cầu mùa, cúng Giàng để cầu may, chúc phúc. |
Ông Bhơriu Danh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn cho biết, lễ hội đầu năm của đồng bào Cơ Tu có từ rất lâu đời, thể hiện một nét văn hóa truyền thống độc đáo, đa sắc màu. Cùng với các hoạt cảnh cầu mùa, lễ hội còn tái hiện một không gian văn hóa của cộng đồng làng người Cơ Tu, thông qua các phần nghi lễ đâm trâu, múa hát cồng chiêng, cúng tế thần linh… Tuy nhiên, cũng theo ông Danh, do cuộc sống mưu sinh nên việc tổ chức thường niên lễ hội làng không được duy trì như trước đây. “Lưu giữ văn hóa làng của cộng đồng người Cơ Tu là mục đích chính của việc tổ chức lễ hội làng. Thông qua lễ hội, chúng tôi mong muốn mang đến cho giới trẻ những thông điệp về công tác bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông” - ông Danh chia sẻ.
Theo bà Bhơriu Thị Nếp, cán bộ Phòng TT-VH huyện Đông Giang, ở bất kỳ lễ hội đâm trâu nào của người Cơ Tu đều không diễn ra tình huống đâm vào phía hông trái con trâu - tức phần tim trâu. Đây thuộc về văn hóa tâm linh của đồng bào, rất kỵ trong lễ hội chung của làng. Ngay cả nghi thức đắp thổ cẩm lên những vết thương ở thân con trâu cũng thể hiện sự tiếc thương của đồng bào đối với sự “ra đi” của một “linh hồn trâu”. Có mặt tại Làng văn hóa - du lịch Bhờ Hôồng 1 đúng vào dịp lễ hội đâm trâu, ông Mark Wyndham (du khách đến từ nước Úc) phấn khởi cho biết: “Nghe nói nhiều về lễ hội đâm trâu, phong tục văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhưng khi được trực tiếp chứng kiến, quả thật vui không gì sánh bằng. Điệu múa truyền thống của các bạn thật đẹp, ấn tượng, rất lạ và thu hút chúng tôi”.
Trong tiết trời trong trẻo đầu xuân, không gian lễ hội văn hóa truyền thống đậm nét đặc trưng của đồng bào Cơ Tu thu hút du khách và người dân bản địa ở các vùng lân cận. Một sắc màu mùa xuân đã về với buôn làng đồng bào Cơ Tu nơi Trường Sơn đại ngàn.
LĂNG A CÚI