Bốn sắc màu cơ tu
(Xuân Giáp Ngọ) - Đến vùng Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang của Quảng Nam, chúng ta sẽ có dịp cảm nhận cái tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân Cơ Tu trong việc tạo ra và sử dụng màu sắc trong nghệ thuật tạo hình đặc trưng của họ.
Với người Cơ Tu, màu xanh đen được sử dụng nhiều nhất trên nền vải dệt và trang trí các môtíp hoa văn, tượng gỗ ở gươl, nhà mồ. Để có màu xanh đen ấy, người Cơ Tu đã dày công đi hái lá cây tà-râm (một loại cây rừng có nhiều ở rừng núi). Lá cây hái về được ngâm và nấu đi nấu lại 5 - 6 lần, đến khi cô đặc để được loại nước có màu xanh đen như kinh nghiệm cha ông bao đời truyền lại. Màu xanh đen với người Cơ Tu là màu của đại ngàn xanh thẳm linh thiêng, màu của những tán rừng nguyên thủy cho cái ăn, cái uống và che chở cho con người qua các cơn hoạn nạn.
Văn hóa thổ cẩm gắn liền với nét đẹp trang phục truyền thống của người vùng cao. |
Màu đỏ được đem nhuộm sợi chỉ để dệt vải, thường là màu nhạt. Đây cũng là màu sắc thể hiện đậm nét trên các tác phẩm điêu khắc gỗ ở gươl, nhà mồ và cột buộc trâu lễ hiến tế. Màu đỏ, theo người Cơ Tu, là màu của Giàng - Mặt trời. Đó cũng có thể là màu máu, bởi trong mối liên hệ về mặt tâm linh của con người với thần linh, người Cơ Tu lấy trâu, heo, gà làm vật hiến tế mà cốt lõi là máu. Máu tươi của con vật để dâng hiến, là thông điệp của con người gửi đến các thần linh, minh chứng cho sự tôn kính của mình. Để có màu đỏ, người Cơ Tu lấy vỏ, củ ahứ, ahó (củ nâu, củ mài - theo cách gọi của người Việt), gọt vỏ giã nát, chắt nước và nấu lên. Nước cô đặc có màu đỏ mà mức độ đậm, nhạt tùy theo cách nấu, thời gian nấu. Màu đậm thì gọi là achích, loại nhạt là a loát. Một già làng ở A Tiêng - Tây Giang có kể lại một truyền thuyết về màu đỏ, rằng xưa có con suối (tăm arớt - theo tiếng Cơ Tu) chảy ra một thứ nước màu đỏ, nước sền sệt, có chất nhờn, dân làng ở đây lấy về nhuộm chiếu lác, bôi lên cột buộc trâu, các bức phù điêu ở gươl, nhà mồ. Già làng ấy nói nước màu đỏ ở con suối đó là của Giàng ban cho (!).
Màu vàng được người Cơ Tu sử dụng hài hòa, gắn kết liền kề với màu đỏ trên các họa tiết hoa văn khi dệt vải và trong các tác phẩm điêu khắc. Màu vàng được chiết từ cây ma-rơớt (cây vàng đắng, là nguyên liệu để chiết xuất làm thuốc chữa đau bụng). Cũng có nơi rừng không có cây ma-rơớt, vì loại cây này chỉ mọc ở rừng già, người ta thay bằng củ nghệ. Trong một lần điền dã ở vùng cao huyện Hiên cũ (nay là huyện Tây Giang), một già làng cho biết trong kháng chiến chống Mỹ, người dân đã dùng vải dệt bằng các chất liệu với màu sắc đỏ, vàng truyền thống dân tộc mình để làm nên lá cờ Tổ quốc.
Việc sử dụng màu trắng của người Cơ Tu là điều hiển nhiên như nhiều tộc người khác do để tạo nền tương phản cho màu sắc. Lý ra, sợi chỉ không cần phải nhuộm vì vốn bông vải màu trắng thì dễ được sử dụng nhiều mới phải, nhưng quan sát và tìm hiểu ở người già, màu trắng được sử dụng không nhiều để trang trí trên nền vải. Điểm trội là người Cơ Tu chỉ sử dụng chỉ màu trắng để làm hạt cườm, nổi bật trên trang phục. Đáng chú ý, ở các loại trang phục lễ hội váy, khố, tấm choàng như chiếc áo của người phụ nữ thì thường có vệt vải màu trắng chạy dọc trên phần cánh tay. Trang phục có màu trắng ấy gắn kết với những lễ hội của con người liên quan đến thần linh làm chúng tôi liên tưởng đến màu trắng trong trang phục lễ hội của người Chăm, một tộc người láng giềng của người Cơ Tu trong lịch sử trước đây. Phải chăng đó là kết quả của sự giao thoa, đan xen văn hóa? Trên các tác phẩm điêu khắc gỗ, màu trắng thường cân bằng với màu đỏ, xanh đen, vàng và cũng thể hiện ở những tác phẩm liên quan đến lễ hội tâm linh.
Bốn sắc màu đặc trưng nêu trên của người Cơ Tu đều được tạo ra với kinh nghiệm cổ truyền, kỹ thuật thủ công truyền thống. Cốt màu mang cái tinh túy của màu sắc thiên nhiên, từ vật liệu của núi rừng hoang dã được nấu nung, chưng cất. Và, đặc biệt khi sử dụng để dệt nên các bộ trang phục hay trang trí các tác phẩm điêu khắc, “cái lý” dùng màu sắc đều chứa đựng những quan niệm văn hóa, tín ngưỡng, tập quán rất độc đáo.
NGUYỄN TRI HÙNG