Gánh quê lên phố
Theo nhịp quang gánh hồn hậu mỗi ngày, người ở phố chừng đã với tới cái chạm của vô biên từ những điều gần gũi qua một “buffet gánh”.
Từ quang gánh…
Mấy năm trước, về miền quê biển Cẩm An còn thấy cái chợ An Bàng rộn ràng cá tôm, rong câu; sang chợ Bà Lê - Cẩm Châu rồi ngược Thanh Hà qua chợ Bến Cá mua mớ cá đồng, cá sông, vừa “thượng cẳng” lên ghế ngựa xì xụp tô cháo lòng nóng hổi,... .“Chừ chợ mô cũng bê tông hết rồi, nhưng tôi cũng vẫn bán đó thôi!” - Một chị hàng rau, nói.
Ảnh: QUỐC HẢI |
Kỳ thực, nhịp điệu phố phường thì không cưỡng được, những hàng gánh bán bưng không còn chợ quê để tụ hội. “Ở đâu thì còn chứ Hội An thì làm chi còn cái chợ quê đúng nghĩa nào. Nói rứa nhưng chất quê trong chợ phố dễ chi mất. Hội An nửa phố nửa quê mà!” - Nhận định của nhà nghiên cứu Trần Văn An - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.
Thế nhưng, mỗi sớm mai, nếu để ý, cùng với những chuyến xe gấp gáp đón đưa du khách, nhiều quang gánh của các mẹ, các chị miền quê phố Hội vẫn tòn teng theo gió… ùa vào phố. Đường cái quan thênh thang dẫn ra chợ bến sông nhưng dân làng rau Trà Quế - Cẩm Hà không đi, cứ “băng rừng” qua miễu Ông Cọp rồi đâm ngang kiệt giếng Bá Lễ hay kiệt Âm Hồn. Mùi hành ngò, húng quế vương vấn trên cả dặm dài mấy trăm năm xuôi ngược.
Gánh lường phảnh, đậu hũ hay gánh hến, chè lục tàu xá của các dì Hai, dì Tám, cô Bảy từ Cẩm Thanh, Cẩm Nam,… mỗi ngày vẫn vẳng tiếng rao theo nhịp thời gian đi qua với cả mất còn của đời người ở phố.
“Hồi xưa cứ vài ba làng cận kề là có một cái chợ. Như cái chợ Ngọc Thành chừ lở xuống sông mất rồi. Cả Kim Bồng Đông, Kim Bồng Tây rồi An Hội, Thanh Hà cùng họp chợ. Bà con nuôi chi, trồng chi đều đem tới bán. Có cả hàng ăn uống đông vui lắm!” - Cụ bà Nguyễn Thị A ở làng Ngọc Thành - Cẩm Phô, chuyên buôn mắm, kể.
Ấy là chuyện ký ức, giờ chợ thì nhiều nhưng đúng nghĩa chợ quê thì khó. Có lẽ vì thế mà hôm nay, mỗi lần vào phố đi chợ, khoảng cách chỉ quá 5km, từ các làng quê biển Cửa Đại, Cẩm An hay các vùng sông nước như Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, thậm chí ở các phường nội thị Tân An, Cẩm Phô,… nhưng cả người lớn và trẻ con đều gọi là “đi chợ phố”.
… đến “buffet gánh”
Trong sự phát triển ồ ạt của ngành kinh tế du lịch, tại Hội An đã ra đời một phong cách ẩm thực mới với tên gọi nửa Tây, nửa ta khá độc đáo là “buffet gánh” - nơi mà chợ quê với chợ phố cùng tạo nên sản phẩm riêng có của phố.
Những “hương vị” năm nào từ các chợ quê cùng hòa trong khung cảnh Hội An bên nếp phố xưa dễ say lòng người. Hoa đăng lững lờ dưới sông, trên bờ là những gánh hàng ẩm thực mộc mạc, văng vẳng trong không gian tiếng nhạc cổ truyền.
Những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của xứ Quảng và Hội An như bánh bao, bánh vạc, chả giò, cao lầu, mỳ Quảng, lục tàu xá, bánh ít, đậu hũ, bánh đậu xanh... hay nước chè lá được những bà mẹ, những thiếu nữ Hoài Phố trong chiếc áo bà ba cùng quang gánh dâng mời. Mà thật, chỉ với gánh hàng rong, các nhà làm du lịch đã biến nó thành một bữa tiệc buffet thịnh soạn.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An, cho biết: “Thật ra, kiểu tiệc đậm chất dân dã nhưng không kém sang trọng, hiện đại như thế đã manh nha từ những năm 90 thế kỷ trước khi Hội An tổ chức sưu tầm, điều tra nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực của địa phương”. Nhờ liên tục tổ chức các chợ ẩm thực, đội ngũ chuyên viên văn hóa “chắc tay” và hàng gánh Hội An vô cùng phong phú, “trăm vật trăm ngon” nên buffet gánh ra đời đầy sáng tạo. Trong kho tàng văn hóa phi vật thể ở Hội An, các giá trị văn hóa ẩm thực chiếm một vị trí đáng kể. Các giá trị này đã góp phần khá sâu sắc để định hình nên bản sắc văn hóa Hội An, phong vị Hội An.
Ông Trần Văn An, khẳng định: “Những món ăn đặc sản, những hàng quán ẩm thực với cách bài trí, phục vụ mang nét riêng; những gánh hàng rong với tiếng rao đầy ấn tượng hay những thói quen trong cách ăn uống đã góp phần hữu hình hóa Hội An, làm cho Hội An trở nên gần gũi, khó quên trong lòng người dân địa phương và để lại ấn tượng sâu sắc đối với du khách”.
Chỉ cần tham dự một buổi tiệc “buffet gánh” hay về ngồi bên sông Hoài để thưởng thức những món ăn dân dã phố Hội, bạn thật sự đã bắt đầu cho cuộc tìm về hương sắc của một vùng đất.
QUỐC HẢI