Qua vùng đất tháp

HỨA XUYÊN HUỲNH 31/01/2014 16:46

(Xuân Giáp Ngọ) - Núi Chúa - Hòn Đền, đỉnh núi thiêng theo tín ngưỡng Champa ở Mỹ Sơn, càng gia tăng sự kỳ bí với câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Từ vùng đất tháp ấy, nhìn rộng ra xứ sở Quảng Nam, thấy nơi đâu cũng thấm đẫm hơi thở của quá khứ và huyền tích…
Linh địa

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người nhiều năm làm việc bên cạnh kiến trúc sư Ba Lan Kazik trong quãng thời gian nghiên cứu trùng tu Mỹ Sơn, đã 3 lần tìm cách lên Núi Chúa - Hòn Đền. Có lần anh đi bộ tổng cộng 42 km khi khảo sát khu căn cứ Tân Tỉnh của Nghĩa hội Quảng Nam rồi men theo lối những người đốt than lên đỉnh Hòn Đền, vòng qua đèo Phường Rạnh… Trong vùng núi non này, Núi Chúa nhô cao nhất mà kết quả đo đạc của anh Hỷ cùng với các chuyên gia Ý thực hiện năm 2006 xác định là 749 mét so với mực nước biển. Gọi tên Hòn Đền vì nơi đây lưu dấu một ngôi đền thờ xưa. Từ xa, đỉnh núi nhô ra phía đông trông giống như chim thần Garuda khổng lồ, nhưng tảng đá trên đỉnh trông giống chiếc răng mèo nên gọi tên đỉnh Răng Mèo. Bản đồ quân sự của Mỹ khi ghi chú khu vực nằm cạnh căn cứ Hòn Tàu này cũng gọi theo lối nôm na ấy, Catteeth Peak (đỉnh Răng Mèo).

Đỉnh Hòn Đền phía sau khu đền tháp Mỹ Sơn mang hình chim thần Garuda.                                      ảnh: H.X.H
Đỉnh Hòn Đền phía sau khu đền tháp Mỹ Sơn mang hình chim thần Garuda. ảnh: H.X.H

Thung lũng Mỹ Sơn được chọn xây khu đền tháp Chăm và trở thành di sản văn hóa thế giới thứ 2 tại Quảng Nam, trước hết vì lý do kín đáo. Đây là một trong 9 lý do để người Chăm xác định địa điểm dựng đền tháp, theo khảo sát của các chuyên gia (cùng với yếu tố: bình địa bên cạnh dòng sông lớn, giữa đồng bằng, trên ngọn đồi gần cửa biển, trên ngọn đồi ven sông, trên đồi biệt lập, trên sườn núi, trên bờ biển, trên đỉnh núi cao). Nhưng chưa thấy nơi đâu được thêu dệt các yếu tố kỳ bí nhiều như Mỹ Sơn mà dấu ấn lớn nhất chính là Núi Chúa - Hòn Đền, hình ảnh của ngọn núi thiêng Mahaparvata tượng trưng cho thần Siva. Nơi ấy cũng có dòng sông thiêng tượng trưng cho nữ thần Ganga, qua bóng dáng sông mẹ Thu Bồn…

Giả thuyết Hòn Đền là ngọn “hải đăng” tự nhiên dựng trên núi dành cho những đoàn thuyền buôn qua miền biển Đông muốn ghé vào miền đất cũ Amaravati để lấy nước ngọt hay cập bến Cửa Đại… được đề cập rất sớm. Từ Cù Lao Chàm, Núi Chúa như một búp măng khổng lồ. Ở hướng ngược lại, Cù Lao Chàm được xem là bức bình phong của Mỹ Sơn. Đứng ở đồng bằng nhìn lên, núi ra dáng chim thần Garuda khổng lồ theo huyền tích người Chăm đang sải cánh. Đặc biệt hơn, từ đỉnh Hòn Đền vạch một đường thẳng đến Cù Lao Chàm sẽ ngang qua 2 di tích Chăm nổi tiếng: thánh địa Mỹ Sơn và kinh đô Trà Kiệu. Tại Cù Lao Chàm, vị trí nằm trên “đường thẳng” ấy thuộc về hòn Khô.

Huyền tích sẽ giúp câu chuyện kể với du khách thêm hấp dẫn.  ảnh: H.X.H
Huyền tích sẽ giúp câu chuyện kể với du khách thêm hấp dẫn. ảnh: H.X.H

Ông đi thăm Bà

Hòn Đền nằm trong dải núi kéo dài lô nhô nhiều ngọn, cách khoảng 10km có núi Cà Tang. Cà Tang thuộc địa phận huyện Nông Sơn, cũng dự một phần vào câu chuyện linh thiêng quanh vùng đất tháp. Người dân khu vực thung lũng Mỹ Sơn, Trung Lộc… vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện nhuốm màu ma quái. Rằng ban đêm, thi thoảng người ta nhìn thấy vệt sáng đỏ bay từ đỉnh núi Chúa đến đỉnh núi Cà Tang. Bọn trẻ con bị cấm nhìn và chỉ trỏ. Bởi lúc ấy, dân gian tin rằng Ông (núi Chúa) đang đi thăm Bà (núi Cà Tang)...

Thêu dệt bùa chú Cao Biền
Người dân địa phương  vẫn truyền nhau câu chuyện thái thú Cao Biền (Trung Hoa) từng cỡi diều bay đến đỉnh Hòn Đền trấn yểm vì lo ngại địa thế Quảng Nam sẽ sinh ra hào kiệt. Nhiều người còn mô tả, trên vách đá dựng đứng cao 30 mét ở gần đỉnh Hòn Đền có dấu ấn son đỏ chót hình tròn, ở giữa hình vuông… Nhưng theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, tất cả đều là chuyện thêu dệt. Các lần du thám tận đỉnh Hòn Đền, anh Hỷ nhận thấy “dấu ấn son” thực ra chỉ dấu vết mờ có lẽ do nước chảy nhiều năm tạo nên. Hiện Công ty CP Du lịch Trà Kiệu đã mở tour xuyên rừng thám hiểm Mỹ Sơn, lên tận đỉnh Hòn Đền, có điều không phải chuyến đi nào cũng thành công do địa hình hiểm trở.

Từ thung lũng thần linh đến đỉnh núi thiêng, nơi đâu cũng gắn với một câu chuyện kỳ bí. Nằm giữa lưng chừng núi, bất ngờ có khu Vườn Bà với nhiều gốc cam, quít cổ thụ hàng trăm năm, người dân chỉ hái ăn chứ không dám mang về. Vườn Bà được cho là nơi người Chăm trồng cây ăn quả để dâng cúng thần linh. Gần đấy có cả giếng nước nhỏ mà lời đồn đoán có vị tu sĩ từng giấu mình tu tập. Các bậc cao niên kể, vào đêm trước của lễ hội Bà Thu Bồn hằng năm (12.2 âm lịch), từ đỉnh núi Hòn Đền thường có dải mây màu đỏ bay ra phía lăng Bà. Những đêm tối trời, nhiều người còn thấy gà vàng đi ăn, thân hình sáng rực, vài phút sau biến mất. Người dân địa phương có khi bắt gặp những nải chuối, buồng cau, lá trầu dát vàng, nhưng chưa ai giàu lên khi mang thứ vàng Hời ấy về nhà. Có năm dân làng đói khổ, một con bò thần từ thung lũng thần linh mang rất nhiều vàng chạy ra giúp dân, chuyện cứ hư hư thực thực…

Thật thú vị nếu du khách đến thăm khu đền tháp Mỹ Sơn lại được nghe kể về vệt sáng từ đỉnh Hòn Đền bay sang núi Cà Tang. Có vẻ câu chuyện càng kỳ bí càng thu hút sự tò mò, như cách mà nhiều bạn trẻ lập hẳn một chủ đề trên mạng để rủ rê nhau cùng về khám phá sự kỳ bí của Núi Chúa. Và để khi mùa xuân đến, nương theo dặm dài lễ hội Bà Thu Bồn, du khách sẽ còn nhận ra suốt một vùng văn hóa quanh sông mẹ Thu Bồn từ Núi Chúa – Hòn Đền trôi ra đến Đại Chiêm hải khẩu (Cửa Đại) mỗi tên đất tên làng đều mênh mang huyền tích…

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH