Về nơi Phường Đông - Cựu Thị
(Xuân Giáp Ngọ) - Chợ Phường Đông - Cựu Thị, từng là một trong ba ngôi chợ lớn đầu tiên của vùng B Đại Lộc, một thời sầm uất, tấp nập. Trải bao phen đổi dời, dâu bể, chợ xưa còn neo trong tâm tưởng, hoài niệm dáng quê...
Dấu vết trăm năm
Theo Đại Nam Nhất thống chí (1865-1910, Quyển 5, phần tỉnh Quảng Nam), mảnh đất Gia Cốc, vùng B Đại Lộc từng có 3 cái chợ: Chợ Bàu Toa (ở ấp Phú Hanh Tây, nay thuộc xã Đại Thạnh), chợ Phường Đông (Đông Phước, An Thôn Thất Châu, nay thuộc xã Đại Phong) và chợ Phú Thuận (ở xã Phú Thuận, nay thuộc xã Đại Thắng). Như vậy, chợ Phường Đông đã có tuổi trên trăm năm. Nếu Phú Thuận là chợ đông vào buổi sớm mai thì Phường Đông là phiên chợ chiều của vùng. Người xưa có câu “buôn có bạn, bán có phường”, “phường” ở đây có thể hiểu là điểm tập trung dân cư sinh sống, buôn bán sầm uất, cũng là nơi tồn tại sinh hoạt làng nghề truyền thống. Phường Đông xưa nức tiếng bởi nghề trồng bông vải, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nơi đây từng hình thành một dãy phố với cảnh sinh hoạt, buôn bán nhộn nhịp, thu hút nhiều thương nhân người Hoa, người Nhật từ Hội An theo trục sông Thu Bồn - Vu Gia ngược xuôi đến đây trao đổi, buôn bán và lập nghiệp.
Nét chợ quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, người con vùng này kể, theo gia phả một số tộc họ, ngôi chợ xưa nhất của vùng đất Tam Châu Đông Phúc là Cựu Thị, xưa hơn Phường Đông, không hiểu vì lý do gì mà Cựu Thị không được sử sách nhắc đến? Nếu bờ bắc Thu Bồn có chợ Phú Thuận thì bờ nam Vu Gia là chợ Cựu Thị, tạo trục đối xứng, thuận lợi cho việc thông thương, trao đổi hàng hóa. Ngay chợ Cựu Thị là làng Phường Đông và đình Tam Châu Đông Phúc, vậy nên có tên gọi kép. Trải qua bể dâu, chợ, đình và cả phố phường rộn rịp bị sông lở uy hiếp. Chợ được di dời đến vùng đất Cửa Khâu, đình phải dời lên cồn Chùa. Cửa Khâu như một cảng nổi với cảnh buôn bán, trao đổi trên bến dưới thuyền tấp nập. Tồn tại ở đây tới những năm 80 của thế kỷ trước, bị sông lở đe dọa, mặt khác do quy hoạch lại trung tâm văn hóa xã nên chợ lại một phen phải di dời đến đầu thôn Mỹ Hảo. Tại đây, chợ Phường Đông vẫn nằm kề một bến sông. Còn theo ký ức cụ Lê Tại (người làng Tân Mỹ, Đại Phong), cách đây 260 năm, tổ tiên tộc Lê của ông cùng với tộc Nguyễn, tộc Bùi đến đây khai khẩn đất đai, lập làng. Rồi chợ Cựu Thị - Phường Đông manh nha hình thành, qua nhiều phen dời đổi và mang tên gọi khác nhau. Có thời, người vùng này gọi là chợ chiều Lộc Tân. Kể từ 2005 trở đi, chợ Lộc Tân được dời về thôn Mỹ Tây, tên gọi Phường Đông được khôi phục cho đến nay.
Chợ Phường Đông (thôn Mỹ Tây, xã Đại Phong).Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Nét duyên quê
Là một trong ba chợ ra đời sớm, chợ Phường Đông đóng vai trò là trung tâm thương mại, trao đổi hàng hóa quan trọng của vùng B Đại Lộc. Chợ là điểm tập kết các loại hàng hóa nông sản như tơ tằm, bông vải, vải lụa, thuốc lá, dầu phụng, mía đường... để thương lái từ Hội An, cửa Hàn (Đà Nẵng) chở hàng hóa, nhu yếu phẩm (cá, mắm, chiếu, muối...) từ phố lên buôn bán, trao đổi. Các lâm sản vật từ thượng nguồn xuôi xuống… theo đường sông đã tạo nơi đây thành một bến cảng rộn rịp. Theo cụ Lê Tại, trong số thương nhân người Hoa đến buôn bán, lập nghiệp trên vùng đất này có các vị tiền bối thuộc họ các ông Trịnh Thân, Trương Nha (Mỹ Tây, Đại Phong) mở cửa hiệu thuốc Bắc chữa bệnh bốc thuốc cho dân trong vùng.
Tương truyền, sau đợt hỏa hoạn vào năm 1920, chợ Phường Đông được xây dựng lại khang trang trên diện tích khoảng 0,5ha, phía bắc giáp sông Vu Gia, phía đông nam giáp cồn Mã, các dãy lều được cất dựng thành hình chữ U, xây dựng bằng cột gỗ, lợp bằng tranh tre. Mặt tiền ngôi chợ hướng về phía đông, ở giữa có đình rỗi và miếu Bà Thị. Dãy lều hướng đông của chợ dành cho các hàng củi, thịt, cá, gà, vịt; dãy hướng tây dành cho các hàng tạp hóa khô; một dãy dành cho các hàng quán ăn uống. Không chỉ có bến đò dọc, những chuyến đò ngang của bến đò bà Liễu đã đưa khách buôn từ các xã lân cận sang trao đổi, mua bán. Từ đây, các thương khách men theo những con đường bộ, dùng ngựa thồ chở hàng hóa, sản vật cung cấp cho cư dân các vùng phía tây thượng nguồn Vu Gia như Lộc Thượng, An Điềm, Bãi Trầu, Hội Khách; hay đi qua Truông Chẹt rẽ về An Chánh, Bến Dầu, Phú Đa, Phường Rạnh…
Những ngày giáp Tết, không khí chợ sôi nổi, nhộn nhịp hẳn lên, hàng hóa - nông sản quê được bày bán la liệt, người mua kẻ bán tấp nập. Ngày xưa, các bà các mẹ thường mặc áo dài lúc đi chợ tạo nên nét duyên quê. Ngoài cảnh bán mua, có thể bắt gặp hình ảnh những cụ già ngồi bên gánh hàng nước ăn quà, hỏi han sức khỏe, bàn chuyện đời, chuyện người. Thương làm sao hình ảnh các bà cụ ngồi bên mớ chè nguồn, mẹt trầu cau,… Đặc biệt, ở chợ này có món cá đồng, cá sông tươi roi rói. Cá vừa được đánh bắt dưới sông, ngoài đồng được các bà, các cô bỏ vào rổ mang đi bán, có khi chưa tới chợ đã hết sạch…
Qua chợ Phường Đông, lòng tôi giăng mắc nỗi hoài về ngày thơ trẻ, theo mẹ ra chợ đòi kẹo ú, kẹo mè. Ai đi gần, ai đi xa, hẳn sẽ nhớ thương không dứt một mảnh tình quê…
HOÀNG LIÊN - TRẦN LIỄU