Con đường thổ cẩm

ALĂNG NGƯỚC 30/01/2014 20:03

(Xuân Giáp Ngọ) - Dọc đường Trường Sơn, trải dài từ các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang sang tận địa bàn A Lưới, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên  Huế), sắc màu thổ cẩm luôn hiện lên ở các điểm giao thương của đồng bào vùng cao...

Vượt rừng “gùi” thổ cẩm

Từ khu Vườn Ươm (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), bà Zơrâm Thị Nhướm cùng vài người bạn dân tộc Ve vượt hàng trăm cây số đường rừng đến các làng ở huyện miền núi Đông Giang buôn thổ cẩm. Những ba lô chứa đầy xà lùng, tấm tút, tấm dồ (các loại váy thổ cẩm)… với khối hoa văn đa sắc màu khiến người xem thích thú. Vừa chào hàng, bà Nhướm giới thiệu luôn về giá trị riêng của từng thổ cẩm thông qua các gam màu, đường đan tinh tế. Mỗi màu sắc, khối cườm được thể hiện trên từng thổ cẩm cũng đều có sắc thái riêng biệt nhưng lại có chung nội dung văn hóa truyền thống độc đáo. “Gùi thổ cẩm của dân tộc mình đem đi bán thấy tự hào lắm. Mỗi dân tộc cũng đều có một kiểu cách thêu thùa trang phục truyền thống, thể hiện nét riêng trong đời sống văn hóa của mình” - bà Nhướm cho hay.

Văn hóa giao thương thổ cẩm được đồng bào vùng cao duy trì từ hàng chục năm nay.  Trong ảnh: Một “tiểu thương” đang giới thiệu sản phẩm với “khách hàng”.
Văn hóa giao thương thổ cẩm được đồng bào vùng cao duy trì từ hàng chục năm nay. Trong ảnh: Một “tiểu thương” đang giới thiệu sản phẩm với “khách hàng”.

Trong ký ức của ông Alăng Linh - người từng được mệnh danh là “vua cổ vật” ở huyện vùng cao Đông Giang kể về cuộc hành trình buôn thổ cẩm của mình đầy gian nan. Ấy là vào những năm sau giải phóng, một mình ông lặn lội vượt hàng trăm cây số đường rừng đến tận các làng bản của người Tà Ôi, Pa Kô, Pa Hy,… ở huyện A lưới, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng ba lô đựng thổ cẩm. Những chiếc xà lùng, tấm tút đầy màu sắc rực rỡ được ông đem bán khiến nhiều người thích thú. Thời đó, chưa có tiền nhiều nên thổ cẩm, hàng hóa thường được quy đổi bằng những hiện vật khác có giá trị tương xứng. Cứ thế, sau mỗi chuyến đi ông mang về cho mình những cái chén sành, tẩu thuốc bằng đồng, hoặc đổi ngang với tấm zèng của đồng bào Tà Ôi,… Ông Linh nhớ như in đợt đầu tiên đi buôn thổ cẩm sang huyện vùng cao A lưới. Đợt đó, ông bị trận sốt hành hạ suốt một tuần liền, nằm vật vạ ở nhà một người dân. Toàn bộ hàng thổ cẩm, mã não mang đi bán, cũng lần lượt cạn dần vì lo chuyện thuốc men. Đợt đó, dù lỗ nặng nhưng ông vẫn tiếp tục với hành trình xuyên rừng đi bán thổ cẩm như một duyên phận. “Hồi xưa đi bán thổ cẩm, ớn nhất là suốt đường đi phải tìm cách đối phó với lũ vắt, rắn rết, thú rừng. Khổ lắm, chứ có như bây giờ đâu. Rứa mà nhiều lần vẫn nhất quyết đi cho bằng được” - ông Linh cười vẻ tự hào.

Kiểm tra các đường thêu trước khi mua thổ cẩm.
Kiểm tra các đường thêu trước khi mua thổ cẩm.

“Giao thoa” văn hóa

Địa bàn các thôn Atép 1, Atép 2 (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang) lâu nay được xem là nơi “giao thoa” văn hóa thổ cẩm mạnh nhất giữa các vùng của huyện A lưới và Tây Giang. Nằm giáp ranh với xã A Roàng (huyện A lưới), người dân ở các thôn Atép 1 và Atép 2 tự hào được “chạm tay” trước bản sắc văn hóa thổ cẩm từ phía bên kia núi. Già làng thôn Atép 2 - Tarương Ba bộc bạch: “Người Cơ Tu mình cũng có nhiều vùng đan thổ cẩm đẹp, có giá trị về văn hóa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Người Cơ Tu sẵn sàng học hỏi thêm từ văn hóa của các dân tộc bạn, thông qua việc mua bán, trao đổi. Đó cũng là một nét văn hóa ở các tộc người vùng biên giới”.

Không chỉ “bó hẹp” trong phạm vi vùng miền,  đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang còn sang tận các cụm bản của nước bạn Lào để mua bán, trao đổi thổ cẩm. Già làng Tơ Ngôl Yên, ở bản Atu (xã biên giới Ch’Ơm, Tây Giang) “khoe” với chúng tôi chiếc tấm tút được ông mua về từ cụm bản Tà Vàng (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông - Lào), hơn mười năm trước. Đây là tấm tút được dệt thủ công với hoa văn cầu kỳ, độc đáo và luôn được ông Yên cất giữ cẩn thận trong chiếc rương gỗ. Già Yên bảo, giá trị của tấm tút là nằm ở chỗ bản sắc văn hóa của nước bạn. “Bây giờ, việc trao đổi không được thường xuyên như trước. Bởi vậy, tấm tút của già càng thêm có giá trị”  - già Yên cười đắc ý.

Dọc đường Trường Sơn, thỉnh thoảng bắt gặp vài người Tà Ôi, Pa Kô dùng xe máy chở những chiếc ba lô thổ cẩm rong ruổi đến các bản làng người Cơ Tu ở các miền núi huyện Đông Giang, Tây Giang để mua bán, trao đổi. Tôi gặp Hồ Lai (ở xã Nhâm, huyện A lưới, Thừa Thiên Huế) khi anh vừa chào hàng, giới thiệu về các bộ zèng của người Tà Ôi với nhiều mẫu mã đẹp mắt. Lai cho biết, bây giờ việc mua bán được thuận lợi hơn trước nên ngày càng có nhiều “thương gia miền núi” từ các huyện A lưới, Nam Đông sang Đông Giang, Tây Giang trao đổi, mua bán thổ cẩm. “Các loại sản phẩm zèng của người Tà Ôi, Pa Kô tuy không cầu kỳ như thổ cẩm của người Cơ Tu nhưng lại có sự tương đồng, gần như giống nhau cả về màu sắc và khối cườm được thể hiện trên mỗi sản phẩm. Chính sự tương đồng đó, đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Kô anh em luôn có mối quan hệ đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần” - anh Hồ Lai nói.

Già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng, không phải bây giờ mà từ hàng chục năm trước, đồng bào các dân tộc miền núi phía tây của tỉnh đã có sự giao thương để trao đổi, mua bán hàng hóa thổ cẩm, mã não, các sản phẩm đan lát,… Văn hóa đó được duy trì đến ngày nay, ghi dấu cuộc hành trình dài về “con đường tơ lụa” được chính đồng bào bản địa thực hiện trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC