Còn ai bàn chuyện văn chương?
(Xuân Giáp Ngọ) - 1.Trước sự trượt dài của văn hóa đọc, ngẫm lại nhiều khi giật mình. Đã gần như biến mất những hiệu sách (có bán sách văn học) ở các thị trấn, thị tứ. Ngay ở một “thành phố văn hóa” như Hội An cũng không dễ mua được cuốn sách vừa ý. Bây giờ tìm một người còn đọc sách thật khó huống chi chuyện bàn tán về một tác phẩm nào đó đang được dư luận chú ý. Đã thành nỗi ám ảnh rằng có khi người ta chẳng đọc gì cũng hùa nhau vào tán vung vít quanh các tác phẩm được/bị dư luận đưa lên tầm ngắm ấy. Rộng ra một chút, có khi người ta chẳng đọc vẫn có thể xét trao giải thưởng được như thường, tại sao không nhỉ? Thì cứ dựa vào nhận xét của người khác mà trao giải! Thử gõ vào google tên một tác phẩm được chú ý kiểu như “Sợi xích” của Lê Kiều Như, “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chíp… hoặc sách của các tác giả khác đã/đang nổi tiếng xem. Sẽ thấy những nội dung nhận xét na ná, thậm chí bê nguyên xi từ chỗ này trích sang chỗ khác. Có vẻ như người ta đang lười biếng đi? Hay vì không có cái để đọc? Hay văn chương chẳng còn là “cái đinh” gì? Đã từng có tác giả nêu rằng, thơ có cần nữa không? Bởi chẳng còn ai đọc thơ nữa! Tzvetan Todorov còn có cả một công trình nghiên cứu mang tên “Nền văn chương đang lâm nguy” cảnh báo về cách tiếp cận tác phẩm văn học dẫn đến nhiều hệ lụy... Trước, các tờ báo văn chương được đón nhận thật niềm nở. Nay hầu như rất ít người quan tâm đến các tờ báo ấy, trừ những người làm văn nghệ. Mà cũng không phải tất cả những người làm văn nghệ! Trước đây nhiều lúc tôi còn hào hứng bàn về tác phẩm này tác phẩm nọ, vấn đề này vấn đề nọ với nhiều người, sau mới giật mình, hóa ra có mấy ai quan tâm đến chuyện mình đề cập...
Ảnh tư liệu |
2.Trong điều kiện eo hẹp về kinh phí và cả thời gian, Hội VHNT tỉnh với nòng cốt là Chi hội Văn học đã cố gắng tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn như tọa đàm, hội thảo, giới thiệu tác phẩm mới; tổ chức nhiều đợt thâm nhập thực tế đến các huyện miền núi: Tây Giang, Đông Giang, Nam - Bắc Trà My, hay các đợt đi thực tế tại Cù Lao Chàm, xã đảo Tam Hải; đến các khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Chu Lai, huyện đảo Lý Sơn… Tổ chức nhiều đợt đi thực tế trao đổi kinh nghiệm ở Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Tây Nam bộ. Nhiều hội viên cũng đã tham gia các trại sáng tác do các hội chuyên ngành trung ương, Bộ VH-TT&DL tổ chức. Hầu như các hoạt động cần thiết để tạo điều kiện cho việc sáng tạo tác phẩm mới đều đã được tổ chức, thậm chí tổ chức nhiều lần. Tuy nhiên, có cảm giác vẫn thiếu những tác phẩm lớn xứng đáng với sự kỳ vọng của độc giả. Lại phải tiếp tục ngồi chờ vậy. Hay là “tác phẩm hay vẫn là tác phẩm chưa viết”?
3.Ngay từ ngày tái lập tỉnh, tôi đã quan tâm chuyện sáng tác văn học của nhiều tác giả trong tỉnh. Và, trong mức độ nào đó, tôi có trách nhiệm với việc xây dựng đội ngũ kế viết văn trẻ. Nhưng té ra chỉ là một cuộc chơi vô tăm tích. Chẳng hiểu các trại viên tham gia các trại sáng tác văn học của gần mười năm ấy bây giờ đang ở đâu? Như cố vớt vát chút hy vọng cuối cùng, hè 2013, Hội VHNT tỉnh mở trại sáng tác văn học thiếu nhi. Mỗi huyện một em. Vậy mà chỉ có Hội An, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Nông Sơn, Quế Sơn, Điện Bàn, Đông Giang, Tây Giang cử người tham dự. Ban chỉ đạo hè các huyện đã phối hợp với ngành văn hóa, giáo dục để chọn trại viên. Lại phải qua một khâu không kém phần quan trọng là… xin phép phụ huynh. Lại phải cử người đưa đến nơi về đến chốn và cử người quản lý các em suốt thời gian ở trại! May là trại ấy thu hoạch rất khá (một số sáng tác được giới thiệu trên tạp chí Đất Quảng). Cũng có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào một đội sáng tác văn học mới với Văn Trần Nhã Trúc, Lê Mai Nhật Uyên, Nguyễn Thúy An, Trần Thị Tâm... Nhưng liệu các em có nuôi dưỡng được niềm đam mê ấy, khi phải vùi đầu vào học. Học chính khóa, học thêm ngày đêm. Rồi áp lực của kỳ thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi, sự lựa chọn ngành nghề khi thi đại có thể sẽ thiêu hủy hết niềm đam mê ở các em...
4.Chỉ vài năm nữa, lứa tác giả từng gắn bó với Quảng Nam những ngày tách tỉnh sẽ lần lượt lui khỏi văn đàn. Những tác giả trẻ đầy triển vọng như Đỗ Thượng Thế, Ngô Thị Thục Trang... đã chuyển công tác, không biết có còn gắn bó với văn chương? Lứa tác giả mới như Nguyễn Thị Hồng Phong, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Thị Cẩm Giang, Võ Thị Như Trang… sau một số tác phẩm trình làng có vẻ như đang chững lại? Dù sao, tôi vẫn nghĩ, muôn đời văn học vẫn mãi mãi giữ chức năng làm cho con người sống nhân văn hơn nên chắc chắn con người không thể nào rời bỏ văn chương!
LÊ TRÂM