Nải chuối và ước vọng đầu năm
(Xuân Giáp Ngọ) - Cây chuối tràn đầy nhựa sống và khi trổ buồng có dăm bảy nải, thậm chí có hàng chục nải; mỗi nải có hàng chục quả; đã vậy, xong một vòng đời, cây chuối đẻ ra năm bảy cây chuối con để… duy trì nòi giống. Do đó, trên bàn thờ ngày tết, người dân Quảng Nam cúng chuối với lời cầu mong có sức sống mạnh mẽ, tươi tốt quanh năm, sinh sôi nảy nở như chuối.
Từ xa xưa, giàu hay nghèo, mỗi khi xuân về tết đến, nhà nhà đều lo lau chùi, trang hoàng bàn thờ gia tiên để rước ông bà về vui với con cháu trong “ba ngày xuân nhựt”. Không ít người Việt, những ngày tết qua sống với con ở nước ngoài cũng dọn riêng cái bàn, đặt cái nồi hương, đĩa trái cây bái vọng tổ tiên với quan niệm con cháu ở đâu, ông bà theo đấy.
Chợ chuối những ngày giáp tết. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN |
Tại sao… ngũ quả?
Bây giờ, chúng ta thường nghe nói “mâm ngũ quả ngày tết”. Nhưng tại sao “ngũ quả”, mà không phải “nhất quả”, “nhị quả”… hoặc nhiều hơn “ngũ quả”? Tôi đã từng làm chủ biên, biên soạn mấy cuốn địa chí, và có hỏi nhiều người về chuyện này, hầu hết đều nhận được nụ cười tươi với câu trả lời đơn giản là “xưa bày nay bắt chước”. Gần đây, tiến sĩ - Thượng tọa Thích Đồng Bổn, quyền Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi (TP.HCM), cho biết trong kinh Vu lan bồn, Đức Phật chỉ cách cho Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi vòng trầm luân, có đoạn nói về mâm ngũ quả: Pháp cứu tế ta toan giải nói/ Cho mọi người thoát khỏi ách nàn/ Bèn kêu Mục thị đến gần/ Truyền cho diệu pháp ân cần thiết thi/ Rằm tháng bảy là ngày Tự tứ/ Mười phương Tăng đều dự lễ này/ Phải toan sắm sửa chớ chầy/ Thức ăn trăm món, trái cây năm màu… Do đó, ngày tết, người ta biện mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên với ý nghĩa đền ơn, báo hiếu. Nghe cũng có lý, nhưng chuyên gia Hán học Lâm Hữu Tài (nguyên cán bộ giảng dạy chữ Hán cổ của Học viện Phật giáo, nay Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Văn Lang - TP.HCM), cho rằng chữ “ngũ” trong ngũ quả mang ý nghĩa trung ương, nơi hội tụ của nhiều phương tụ lại (cờ ngũ sắc vua ban), biểu tượng của sự viên mãn và nhiều ý niệm khác trong đời sống, như: ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), ngũ cốc (năm thứ hạt để ăn), ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, cật)… Có lẽ vậy nên con số 5 (ngũ) được xem là biểu tượng của sự sống, sinh sôi nảy nở, tràn đầy…
Mâm quả ngày tết và những điều kiêng kỵ
Nói thì nói vậy, chứ mâm quả trên bàn thờ gia tiên ngày tết, tôi thấy không nhất thiết phải “ngũ quả”. Ở miền Nam, người ta “kỵ” đặt trên bàn thờ những loại trái cây mà khi phát âm nghe… không hên, như: táo (người miền Nam gọi trái táo là trái bom - pome - tiếng Pháp), lựu (lựu đạn), lê (lê lết), chuối (chúi mũi chúi lái), cam (cam chịu)… Nhưng khi cúng Ông Địa lại nhất thiết phải cúng nải chuối! Mâm/ đĩa trái cây trên bàn thờ ngày tết của các gia đình ở miền Nam thường có bốn loại trái cây nói lên ước vọng của mình: cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài). Sau này, nghe nói “ngũ quả”, nhiều gia đình đặt thêm vào trái thơm (cầu mong được thơm tho), hoặc chùm sung (cầu mong được sung túc), nên không ít gia đình có những… “lục quả”. Ở xứ Quảng quê tôi, bây giờ đĩa trái cây trên bàn thờ gia tiên trong mấy ngày tết đã phong phú hơn, vì cuộc sống đã khá hơn, song nửa thế kỷ về trước thì đơn giản lắm. Đơn giản nhưng không luộm thuộm. Trên tinh thần “lễ tuy bất túc, tâm rày hữu dư” (lễ vật tuy không đủ, nhưng tấm lòng ngưỡng vọng tổ tiên thì dư thừa), nhân dân Quảng Nam có gì cúng nấy, và ít ra cũng có nải chuối. Chuối đặt trên bàn thờ thường là chuối tiêu, chuối cau, chuối mốc,… không mấy ai cúng chuối hờn (chuối già hương), chắc ngại sự… hờn giận (?). Trên nải chuối (hoặc nhiều nải chồng lên) có thêm trái bòng, hoặc trái đu đủ, hoặc mấy trái quýt… Đã có quả, thì phải có bình (đông bình, tây quả - hướng đông đặt bình bông, hướng tây đặt đĩa trái cây). Hoa thì thường là hoa vạn thọ, hoặc bông trang có sẵn trong vườn hoặc xin hàng xóm. Nói chung, toàn là những thứ “cây nhà lá vườn” không tốn kém chi.
Mâm cúng đầu năm. |
Nải chuối và hương vị thổ ngơi
Trên bàn thờ gia tiên của dân Quảng Nam thường cúng chuối, không ngại chúi mũi chúi lái. Nhưng cũng có khi phải dùng chuối vì các loại trái cây khác quá đắt so với chuối, nên… con cháu có gì, ông bà hưởng nấy. Hơn nửa thế kỷ về trước, bà con Quảng Nam nghĩ rất đơn giản là cây chuối dễ trồng, không cực công chăm sóc như các loại cây hoa màu khác. Thân chuối dùng để nuôi heo, cây chuối con dùng làm rau sống, lá chuối (chuối sứ tức chuối hột. Ở miền Nam gọi chuối mốc là chuối sứ) dùng để gói bánh, bắp chuối, buồng chuối để dùng trong nhà hoặc bán kiếm thêm thu nhập. Do vậy, hầu như vườn nhà nào ở Quảng Nam cũng trồng chuối. Cây chuối tràn đầy nhựa sống và khi trổ buồng có dăm bảy nải, thậm chí có hàng chục nải; mỗi nải có hàng chục quả; đã vậy, xong một vòng đời, cây chuối đẻ ra năm bảy cây chuối con để… duy trì nòi giống. Do đó, trên bàn thờ ngày tết, dân Quảng Nam cúng chuối cũng là lời cầu mong có sức sống mạnh mẽ, tươi tốt quanh năm, sinh sôi nảy nở như chuối.
Với tôi, loại quả nào cũng là thứ kết tinh của sức lao động, là thứ cuối cùng được mong đợi khi trồng cây, là sản vật đặc trưng, đại diện cho nền văn minh nông nghiệp, chứ không có loại quả nào là hên, chẳng có loại quả nào là xui. Nhưng người nào kiêng thì cử chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Thiện căn ở tại lòng ta, chứ không phải tại loại trái cây cúng trên bàn thờ gia tiên trong mấy ngày tết. Làm ăn phi pháp thì không có cúng chuối trên bàn thờ gia tiên trong dịp xuân về tết đến ắt cũng có ngày “chúi mũi chúi lái” như thường. Xa quê hơn bốn chục năm nhưng nải chuối trên bàn thờ gia tiên ngày tết vẫn theo tôi đến tận bây giờ, và lúc nào, tôi cũng thấy ngọt ngào hương vị thổ ngơi.
KHÁNH VÂN