Nhớ xưa, trên bến dưới thuyền…
(Xuân Giáp Ngọ) - Xưa, hầu như có bến sông là có chợ. Giờ, không còn cảnh khách thương hồ chen chúc, cũng đã vắng những cánh buồm ngược xuôi, nhưng “bến chợ” vẫn là ký ức đau đáu lòng người.
“Mít non gởi xuống”
Dọc triền Thu Bồn, qua những vùng đất với nhiều trầm tích văn hóa, có những bến bờ mênh mang chuyện đời, chuyện người. Từ người đàn bà hái dâu bên sông Thu, nghe tiếng rao vải vóc lụa là, ngẩng chiếc nón lá lên đà thấy lòng mình giăng tơ. Hay cô gái vùng thượng nguồn Thu Bồn thanh khiết, phải lòng chàng miền xuôi, đã theo thuyền buôn về tận bến sông Hoài. Những câu chuyện nhuốm màu thơ thẩn, thực ra đều là ký ức khởi nguồn từ bến chợ. Thử ngược dòng Thu Bồn đến chợ Trung Phước, tìm những người già ở xứ này để biết về các ngôi chợ có tuổi hàng trăm năm. Theo nhiều nguồn tư liệu điền dã, từ thế kỷ XVIII, dưới triều Thái Đức nhà Tây Sơn, người Việt đến sinh sống ở vùng Trung Phước (thuộc tổng Trung Lộc, nay thuộc huyện Nông Sơn) thì bắt đầu lập chợ. Chợ Trung Phước ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân địa phương. Nhưng với vị trí đặc biệt, là ngôi chợ trung tâm của vùng thượng nguồn, lại nằm kề bến sông, chợ Trung Phước trở thành chợ trung chuyển giữa miền xuôi và miền ngược.
Bến chợ Hội An cuối thế kỷ XIX do hiệu ảnh Vĩnh Tân chụp. |
Ngày xưa, khi huyết mạch giao thông nối các miền quê là những dòng sông thì các bến chợ là nơi ghi dấu bao câu chuyện đầu bờ cuối bãi. Với bến chợ Trung Phước, từ thuở người miền xuôi còn dùng ghe bầu để vận chuyển hàng hóa, mang theo nào vải vóc, cá mắm, các sản phẩm gốm…, khi thuyền chưa đến nơi đã thấy trên bến người người chờ đợi. Ông Nguyễn Quốc Tín, năm nay 92 tuổi, người làng Đại Bình, kể rằng, những ngày còn nhỏ, ông thường hay theo mẹ qua bến chợ Trung Phước, đợi thuyền dưới xuôi lên để mua “mắm cái”, sản vật của biển. Sau này, khi có ghe máy, những “lái buôn” còn chở cả cá tươi, đựng trong chiếc thau ướp đầy đá, rau xanh Trà Quế, nồi đất Cẩm Hà. Những chuyến đò ngược xuôi, lúc nào hàng hóa cũng chất cao quá đầu người. Người miền ngược đem thổ sản vùng cao ra trao đổi để lấy hàng ở xuôi. Hàng hóa miền ngược, chủ yếu vẫn là những thứ của rừng, hay cây trái nhà trồng được như mít, chuối buồng, bắp chuối... Câu ca “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” hẳn ra đời từ con đường giao thương ấy. Sau này, trong “danh mục” hàng hóa của những ghe buôn còn có thêm quả trụ Đại Bình, lòn bon…
Không hiểu có phải vì cảm thương người dân vùng thượng nguồn chất phác, thật thà, rất nhiều phụ nữ vùng xuôi đã chọn chồng ở chốn này. Để rồi hôm nay, ở Trung Phước, khá nhiều gia đình có mối quan hệ dòng dõi bên ngoại ở Điện Bàn, Hội An. Bây giờ bến chợ Trung Phước không còn cảnh ghe thuyền dưới xuôi tấp nập cập bến. Tuy nhiên, nếp quen muôn đời vẫn không thay đổi, nên giờ đây về bến chợ này, những buổi sớm tinh mơ, đò ngang từ làng Đại Bình cập bến Trung Phước mang lên từng gánh rau, giá đỗ vẫn kĩu kịt trên vai những mẹ, những chị. Đó chừng như là chút hoài niệm về bến sông xưa với những ai từng lớn lên nơi này…
Chợ Trung Phước.Ảnh: Vũ Công Điền |
“Cá chuồn gởi lên”
Trong mối giao thương với ngôi chợ vùng thượng nguồn Trung Phước, những “khách thương hồ” thường bắt đầu chặng hành trình của mình từ chợ Hội An, ghé qua Vĩnh Điện, La Qua, Phú Chiêm mua ít sản vật như chiêng, trống cho bạn nguồn, rồi lại tạt Bến Dầu, Phú Đa, Phú Thuận để trao đổi và san sẻ vật phẩm với người địa phương. Nếu đi bằng ghe bầu, thương lái xuôi ngược cả chuyến hết mươi ngày. Bến chợ Hội An bây giờ không còn tấp nập kẻ bán người mua như ngày trước vì khi đường bộ trở thành mạch giao thông chính yếu thì chỉ có những vùng xa xôi cách trở mới giao thương bằng đường thủy. Bến Hội An ngày trước trở thành điểm giữ xe khi vào chợ phố, tuy nhiên vẫn còn những chuyến đò đi từ Cẩm Kim qua, và một ít ghe thuyền các vùng ven cập bến, mang theo những mẹt, những gánh của mấy cô hàng hoa, hàng chiếu… bán buổi chợ chiều ở phố.
Ông Thái Tế Thông, ở hiệu ảnh Vĩnh Tân, trong câu chuyện đã khá lâu với người viết, có kể về những buổi chợ phiên của Hội An, từ trước những năm 30. Khi ấy, chợ kéo dài từ phía Chùa Cầu đến hết đường Bạch Đằng bây giờ. Những phiên chợ nhấp nhô nón lá, thấp thoáng tà áo dài dọc bờ sông Hoài, quang gánh nằm lẫn trong đám đông, bội cá cơm chất thành đống cao, người xưa đi chợ phiên như đi hội. Khi ấy bờ kè dọc sông Hoài chưa hình thành. Có một chi tiết khá thú vị, có thể liên tưởng đến chợ nổi như ở miền Tây, đó là nhiều hàng hóa được trao đổi ngay trên sông. Những chiếc đò ngược xuôi bến sông Hoài, khi thì mẻ nồi đất mới nung, chở từ Cẩm Hà xuống phố, khi thì mớ rau từ làng Trà Quế, cứ thế, tiện thì trao đổi ngay trên khúc sông.
Nhiều bến sông gắn đời với chợ, giờ đã “vắng người sang những chuyến đò” bởi các con lộ giao thương phát triển muôn ngả với các phương tiện tân tiến. Nhưng ký ức văn hóa vẫn mang hình hài nỗi hoài niệm khôn nguôi về những bến chợ xưa, bởi “ghe lui còn để dấu dằm”…
SONG ANH