Mảnh vườn quê ngoại

HOÀNG VŨ 19/01/2014 13:28

Năm mẹ tôi ba tuổi, bà ngoại tôi mất. Mẹ tôi được mười ba tuổi, ông ngoại tôi cũng rời bỏ cõi trần. Thương đứa cháu côi cút, người bác ruột đem mẹ tôi về nuôi, tiếp tục cho ăn học. Rồi gả chồng. Ông nội tôi, phần lớn cuộc đời đi làm cách mạng, thời gian ở tù nhiều hơn thời gian ở với vợ con cộng lại. Mẹ tôi kể, khi sinh chị tôi, ông bác ruột đan cho một cái rế để hơ lửa, gặp lúc rất đông dân làng tôi dọn đường đón tết, ông phải cụp dù xuống để giấu. Chị em tôi ra đời đều do người bác ruột của mẹ tôi đặt tên. Trong tâm trí chúng tôi, ông thực sự là ông ngoại ruột.

Tuổi thơ tôi gắn với quê ngoại. Mỗi khi súng đạn có vẻ căng thẳng, bà nội tôi lại đưa “cái hũ mắm treo đầu giàn” của bà - tức là cái thằng tôi, về gửi bên ngoại. Ở bên ấy chiến tranh có phần ít ác liệt hơn. Những lúc như thế, tôi ở lỳ hàng tháng trời, chạy theo anh Năm tôi chăn bò khắp bờ bãi, đầu tóc cháy nắng khét lẹt. Những đêm trăng, theo bọn con nít trong xóm bày đủ trò. Các chị con cô, con cậu cũng hay vào chở chúng tôi về chơi. Quê ngoại vì thế càng in đậm trong ký ức tôi, nó hấp dẫn hơn rất nhiều cái nơi mà ngôi nhà mẹ con tôi ở - cái ấp chiến lược bốn bề quây thép gai, ban đêm luôn có lính canh gác, gài mìn, lựu đạn, chẳng có chim chóc, cây trái gì.    

Quê ngoại, những hàng thị trái nhọn. Cái giống cây đến lạ, trái nhỏ bằng ngón tay cái, chia năm bảy múi nhưng đầu lại nhọn hoắt. Trái già ăn sít cuống họng, nhưng chín lại rất ngọt.

Quê ngoại là những chiều ông tôi ngồi viết chữ Nho. Khoan thai đĩnh  đạc, ông đem thỏi mực tàu ra mài vào cái dĩa rồi phóng bút viết. Chiều quê nắng hanh, bọn chột dột đan võng trên ngọn cây lật mất kêu inh ỏi. Tôi chẳng biết ông viết gì nhưng rất thích ngồi nhìn những con chữ vuông vắn tuôn ra trên đầu ngọn bút lông. Ông bảo tôi sáng dạ, sau này học hành chắc tấn tới. Quê nội tôi, giặc bắt dân phát hoang khắp núi đồi để cộng sản không có chỗ trú ngụ, nên vườn tược chẳng có cây trái gì. Một lần nhà ngoại ăn mít, tôi vừa đau dậy nên không ai dám cho ăn. Thấy cái bộ mặt thèm thuồng đến thảm hại của thằng cháu ngoại, ông bảo,  thôi cứ ăn đi rồi ông cho thuốc uống. Thế là tôi ăn thả cửa, và uống thứ bột đắng ngắt do ông cạo từ mẩu gỗ tên là cây ngải mà không hiểu vì sao ông có được. Về già sức khỏe yếu nằm một chỗ, mắt mờ nhưng mỗi lần nghe tiếng chị em tôi về vừa tới bậu cửa ông đã gọi: “Về đó hả con?”. Tiếng gọi âu yếm đó theo tôi cho đến tận bây giờ.

Mẹ tôi kể, dì tôi và các cậu  tôi thương mẹ lắm. Ông bà ngoại tôi mất, dì tôi hóa thành chị ruột của mẹ. Chuyện lớn chuyện nhỏ mẹ chỉ biết thủ thỉ với dì. Hai chị em cặp nhau đi làm từ ngoài đồng cho chí trong vườn. Đứa em họ côi cút đi lấy chồng, thỉnh thoảng dì và hai cậu vẫn muối mấy hũ mắm ngon để giành. Vợ chồng ra ở riêng thiếu ăn, cậu Năm đong cho bữa ang gạo, hôm sét khoai lang khô. Phụ nữ quê ngoại tôi có nghề đi rổi, tức mua cá ở bến về bán lại ở chợ quê. Khi tôi biết, dì tôi và mợ Năm vẫn đi rổi. Hồi đó biển giã cá tôm còn nhiều, đánh bắt gần bờ nên tươi rói rói. Chiều chiều xong buổi chợ, dì tôi mang về những thức ngon nhất. Cái thằng tôi ốm yếu nhưng cá tôm thừa mứa nên cũng đâm ra khảnh ăn. Mực cơm chỉ ăn hai cái vây, cá chuồn chỉ thích nhai cái muôi lụm sụm. Dì tôi và con dì đều chiều tôi tuốt. Sau này dì tôi kể: “Hồi đó buôn sao mà dễ kiếm ra tiền. Vài bữa dì lại nghỉ chợ, mang bội ra gò giả đi cắt lá để tiếp tế cho mấy đứa du kích. Cứ đứa nào ở trong bụi chui ra là tau móc đưa cho cả nắm tiền, chẳng cần đếm”. Ngày tôi đậu đại học, dì bươn bã vào, già rồi chẳng làm gì ra tiền, nhưng cũng để dành cho tôi năm trăm đồng, hồi đó còn khá to. Ngày tôi báo với dì rằng chấm dứt cảnh tha phương cầu thực về lại quê hương công tác, dì tôi mừng phát khóc thành tiếng. Trong tâm trí dì, cái xứ Tây Nguyên xa lơ xa lắc mà nghe nói hồi chiến tranh Mỹ rải đầy chất độc da cam thì ở chi lâu.

Quê ngoại, mảnh vườn ký ức ươm vàng tuổi thơ tôi bỗng giờ trở nên xa ngái. Tất cả chỉ vì một miếng đất. Đấy là miếng đất mà anh chị con cô, con cậu tôi tranh chấp. Nguyên nó là đất ông bà, liên cư liên địa, ông ngoại ruột tôi cũng được chia một phần. Rồi ông ngoại ruột tôi bị bệnh, bán hết đất ruộng, đất gò chạy thuốc mà bệnh không thuyên giảm. Còn mảnh vườn được chia, ông bán cho cậu Năm tôi, người kêu ông bằng chú ruột. Rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, hai cậu tôi đều thoát ly tham gia cách mạng và không một ai trở về. Những năm tháng khó khăn con cô con cậu vẫn chia ngọt sẻ bùi, những tưởng vườn tược ai có phần nấy. Thế rồi thời buổi đồng tiền lên ngôi, tình người đen bạc. Mảnh vườn đã khiến những người con của dì tôi và cậu tôi vào cuộc tranh chấp. Người quyết chiếm, người quyết giành lại mảnh vườn. Xã tổ chức hòa giải, mẹ tôi được mời về làm chứng nguồn gốc khoảnh đất. Hai bên đương sự đều là con cháu nhưng sự thật chỉ có một. Cuộc hòa giải không thành, mẹ tôi về lòng buồn xo. Cuối cùng hai bên ra tòa, phần thắng đã thuộc về con của dì tôi.

Mỗi lần về quê ngoại, ngang qua mảnh đất một thời tranh chấp, cây bụi mọc lơ thơ, tôi thấy lòng thật hoang vắng. Bây giờ dì tôi cũng bỏ tôi mà đi, để lại mình tôi bơ vơ đứng giữa ngã ba đường dẫn về những tháng năm đằm thắm tình người.

HOÀNG VŨ

HOÀNG VŨ