Làn điệu hát Nam trong Bả trạo xứ Quảng

XA VĂN HÙNG 04/01/2014 10:20

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân vạn chài xứ Quảng vẫn luôn bám làng để “sống trên cát, chết vùi trong cát” và truyền lại “tài sản tinh thần” quý giá nhất cho thế hệ mai sau, đó là: hát Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng văn hóa tục thờ “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần”.

Song hành với các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, hát Bả trạo cùng có khởi nguyên từ sân khấu dân gian luôn chứa đựng tiềm ẩn nội hàm chất liệu âm nhạc dân gian, được môi trường tự nhiên nuôi dưỡng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương thức cộng hưởng bằng các yếu tố: truyền miệng, vần điệu, động tác, nhạc vũ… và chính sự gắn kết trong văn hoá tâm linh đặc hữu văn hoá “biển” (văn hóa Nghinh Ông) mà tự nó đã khẳng định là một hình thức âm nhạc đích thực, độc đáo - vừa được Bộ VH-TT&DL xếp hạng văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào đầu tháng 9.2013. Nội dung hát Bả trạo được thể hiện qua những lời hát, câu hò, điệu lý trữ tình… mang tính đặc hữu vùng miền của xứ Quảng giống như một dòng sông có những đoạn chảy xíết, những đoạn chảy vừa và chảy chậm… đã tạo nên sự đa dạng về hình thức, đặc sắc về giá trị tư tưởng nghệ thuật, đậm chất nghi thức nghi lễ ngư nghiệp, thu hút cộng đồng ngư dân tham gia và gắn bó chặt chẽ với lễ hội này.

Đội chèo Bả trạo xã Bình Minh diễn xướng tại lễ hội miền biển 2012.
Đội chèo Bả trạo xã Bình Minh diễn xướng tại lễ hội miền biển 2012.

Các lối “nói - hát” được vận dụng và sử dụng trong Bả trạo bao gồm 3 loại: lối hát có nguồn gốc trong hát tuồng truyền thống; các làn điệu dân ca Quảng Nam và lối hát có nguồn gốc từ âm nhạc Phật giáo. Nếu xét về mặt cơ bản, các kiểu “hát - nói - kể” trong hát Bả trạo có lối hát giống như trong hát tuồng truyền thống, được các nghệ nhân vận dụng sáng tạo với chủ đích là sự thể hiện tâm thức tâm linh trong việc cầu xin, cúng bái thần linh, chúc tụng... Cho nên, về sắc thái âm nhạc sử dụng trong các kiểu Xướng, Thán, Tẩu mã, Ngâm, Phú (Phú Lăn, Phú Lục), Bắt Bài lệnh, hát Nam… đều có xu hướng hơi nghiêng và mang đậm chất “Thiền” của âm nhạc Phật giáo: có sắc thái buồn man mác, được thể hiện rõ trong cách rung hơi, nhấn từng âm, cách láy đuôi âm vực lên cao sau mỗi câu hát.

Tham khảo một số ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như kinh nghiệm của một số nghệ nhân hát tuồng ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng và ý kiến của một số nghệ nhân các đội chèo Bả trạo ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP.Hội An… được biết “xuống Nam” có nghĩa là nối tiếp một đoạn “nói lối” thường xuống một làn điệu Nam thật dễ chịu, hấp dẫn, độc đáo và ổn định. Qua ký âm, phân tích về các “kiểu” hát Nam trong hát Bả trạo cho thấy: lối hát Nam trong hát Bả trạo không hoàn toàn giống hát Nam trong lối hát tuồng, nó mang một dáng dấp biến thể mới; không theo một khuôn khổ nhất định, luôn có sự đa dạng, sâu sắc hơn. Cụ thể như trong hát tuồng truyền thống “câu Nam” được nối và “xuống Nam” tiếp theo sau là một câu nói lối; trong hát Bả trạo được hát tách bạch từng câu thơ, theo khuôn mẫu thể thơ lục bát, song thất lục bát…

Lục bát:

Một mình vừa chống vừa chèo
Không ai tát nước đỡ nghèo một phen
Gì (vì) lòng con thảo, tôi hiền
Vàng son giữ dẹn (vẹn) như thuyền hai neo…

hoặc là:

Chính chiên (chuyên) phải khiếp oai hùng
Muôn dân ơn đợi, cửu trùng gia phong
Ngày nay chúng đẳng một lòng
Xin ngài chiếu giám hộ trăm vạn lần
Kỉnh đưa về chốn thiên đàng
Siêu thăng thoát hóa, thanh nhàn cảnh tiên…
Thể song thất lục bát:
Chốn Hà Sa, bao la thế giới
Đốt hơi trầm, phất phới mùi hương,
Giọng quyên, tiếng dế canh trường,
Nghĩ tình nhân loại, thảm thương khôn cùng.
hoặc là:
Toại âu ca mưa hòa gió thuận
Đưa thần về đất thuận trời yên
Thẳng lèo gió thổi hiu hiu
Thần linh tự tại thủy triều lượng đưa…

Làn điệu hát Nam trong Bả trạo của Lễ hội Cầu ngư là một loại hình âm nhạc mang nặng tính nghệ thuật diễn xướng dân gian kết hợp phương thức diễn (động tác “chèo”) luôn được xen kẽ với các lối hát khác:

Hát Tán
Biển trầm lĩnh lãng, sóng dợn lao xao
Người mê mang trong giấc chiêm bao
Mới tỉnh giấc, phân hào chiếu diệu.
Sống chẳng niệm Di Đà Phật hiệu
Người ở đời, như bóng phù du.
Hát Nam
Bóng phù du sớm còn, tối mất
Chưa chứng vào cõi Phật tiêu diêu.
Hồn ma, bóng quế dập dìu
Không nơi nương dựa, mai chiều thảm thương.
Và làn điệu Bắt bài:     
Ái hà thiên xích lãng
Khổ hải vạn trùng ba
Duy nguyện Từ Bi lực
Giải thoát chốn Hà Sa
Giải thoát chốn ớ Hà Sa.

Hát Nam:

Chốn Hà Sa, bao la thế giới
Đốt hơi trầm, phất phới mùi hương
Giọng quyên, tiếng dế canh trường
Nghĩ tình nhân loại, thảm thương khôn cùng.
Hoặc làn điệu nói lối Vãn:
Ác vàng tên rổi,
Thỏ bạc thoi đưa
Ôm lòng đau, cốt nhục sớm trưa
Nhắm mắt lại, anh hùng đâu đó.
Lò Bửu Đảnh, mùi hương nhen tỏ rõ
Thuyền Kinh Châu, tế độ mấy tinh linh.

Nếu như “xuống Nam” trong hát tuồng truyền thống chủ âm được luyến xuống bằng quãng bốn đúng cộng với một quãng hai trưởng, và chữ thơ cuối cùng của chủ âm là vần “bằng”, tức ngữ âm là “dấu huyền” thì trong hát Bả trạo không phải lúc nào cũng tuân theo quy luật đó, nó hoàn toàn phụ thuộc vào ngữ điệu, dấu giọng của câu chữ sử dụng. Câu hát đôi khi không về chủ âm (theo nguyên tắc “xuống Nam” trong hát tuồng truyền thống) mà nó lại về bậc 5 (so với chủ âm). Điều này phụ thuộc vào “vần” của chữ thơ cuối cùng.

Làn điệu Kệ:

(Kệ)     Bá thiên vạn kiếp năng tao ngộ
Trạo Xô Nam mô A di đà Phật
(Kệ)     Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Trạo Xô Nam mô A di đà Phật
(Kệ)     Nguyện gỉai Như Lai chơn thiệt nghĩa.
Trạo Xô Nam mô A di đà Phật
Hát Nam
Chơn thiệt nghĩa, nghĩa đà minh chánh
Nguyện cô hồn, mau lánh cõi mê.

Từ sự sáng tạo vận dụng của các nghệ nhân, hát Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư có nhiều dạng, nhiều bài (bổn), và điều đặc biệt nữa là kiểu “Hát Nam” được sử dụng trong hát Bả trạo phần lớn được hát giống như một thể loại hò (dân gian thường gọi là hò đưa linh). Đặc biệt, trong hát tuồng truyền thống khi “xuống Nam” được kết thúc bằng một hồi trống chầu xổ dài thì trong hát Bả trạo khi “xuống Nam” được kết thúc bằng phần Xô của con trạo là “hò hầu Ông”, hoặc “hò hầu linh”. Tỷ như làn điệu hát Nam được sử dụng trong bài (bổn) chèo Nghinh Ông “Long thần Bả trạo ca”, phần Xô của tập thể con Trạo là “hò hầu Ông”; bài (bổn) “Âm linh Bả trạo ca” (chèo Cô hồn) và bổn chèo “Liệt sĩ”, phần Xô được đổi là “hò hầu linh”. Phải chăng, từ những yếu tố văn hóa tâm linh đã hòa trộn, tạo kết trong màn diễn để làm nên giá trị nghệ thuật âm nhạc một cách đặc hữu như vậy? Nếu cho rằng, màu sắc âm nhạc chủ đạo xuyên suốt trong màn diễn xướng hát Bả trạo là thán, vãn, buồn man mác, nhẹ nhàng, bi ai như một lời ru buồn thì bên cạnh đó, vẫn còn những yếu tố khách quan cũng như chủ quan để hát Bả trạo trở thành một nhu cầu cần thiết và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân vạn chài.

Làn điệu hát Nam góp phần cho kịch bản Bả trạo hoàn chỉnh, đó là loại hình nghệ thật diễn xướng nghi thức, nghi lễ tín ngưỡng cổ sơ, từ mô típ dân gian quen thuộc (diễn xướng dân gian) được kế thừa, vận dụng và phát triển một cách thông minh đầy sáng tạo, có khúc thức, tiết nhịp... của các nghệ nhân. Từ môi trường diễn xướng tâm linh này, tính dân gian được thể hiện như là chất men, chất kết dính nhằm tạo cho các làn điệu hát Nam đã vận dụng. Mặc dù có sự cách tân, song nó vẫn giữ được cái chất nguyên thể của các thể loại này. Nếu xét về văn hóa phi vật thể, đây là một loại hình nghệ thuật có vai trò to lớn thuộc lĩnh vực đời sống tâm linh mang ý nghĩa thiết thực, xứng đáng là loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu của xứ Quảng.

XA VĂN HÙNG

XA VĂN HÙNG