Di sản vô giá
Hơn 170 năm tồn tại, di tích nhà thờ tộc Trương (69/1 Phan Châu Trinh, TP.Hội An), dù qua bao biến thiên thời cuộc, vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật và những kỷ vật độc đáo có từ thời mới dựng nên.
UNESCO vinh danh
Dẫn chúng tôi dích dắc qua một con hẻm, anh Trương Bách Tường, hậu duệ đời thứ 8 của tộc Trương tự hào kể về di sản của cha ông. “Ngày mùng 5 tháng 10 năm Canh Tý, tức ngày 28.11.1840, cụ Trương Chí Cẩn, thế hệ cụ tổ thứ 3 của tộc Trương, lúc đó đang là binh bộ chủ sự tại triều đình Huế dưới thời vua Minh Mạng, đặt viên đá móng đầu tiên xây dựng từ đường Trương Đôn Hậu. Lúc đó, ngôi từ đường nằm từ hẻm phố đường Lê Lợi kéo dài đến Phan Châu Trinh. Theo lời các cụ ghi trong gia phả, phải mất 6 năm, từ đường mới hoàn thành” - anh Trương Bách Tường cho biết. Đây là công trình được chính các nghệ nhân của phường thợ mộc Kim Bồng chạm trổ với những hoa văn đặc sắc. Việc cẩn chữ trên vì kèo, sườn… được giao cho những người thợ xuất sắc nhất. Tất cả cấu kiện khung nhà đều sử dụng gỗ kiền kiền xuôi theo dòng nước từ những cánh rừng thượng nguồn Thu Bồn. Cùng với Chùa Cầu, đây là di tích nhà cổ duy nhất ở Hội An có chạm đính thông tin về thời khắc cụ tổ thứ 3 chính thức bỏ viên móng đầu tiên ngay trên cây trùng lương ở gian chính điện. Đây chính là dấu tích chính xác nhất để xác định niên đại ngôi nhà. Theo anh Trương Bách Tường, chính nhờ điều này mà từ đường của tộc được tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa vào dự án “Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam”, với sự tu bổ nghiêm ngặt nhất.
Cổng vào nhà thờ tộc Trương.Ảnh: SONG ANH |
Năm 1906, cụ tổ đời thứ 4 - cụ Trương Đồng Hiệp quyết định di dời ngôi nhà thờ từ phía đường Phan Châu Trinh vào trong khuôn viên hiện nay, với kết cấu gồm 2 khu nhà 3 gian và 3 gian 2 chái, mặt tiền quay về hướng tây nam. Tuy di dời nhưng cung cách bố trí vẫn giữ nguyên như ngôi nhà cũ. Đến nay, trải qua 173 năm ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn kết cấu và cách bài trí thuở xưa. Theo mô tả của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Hội An, từ tam quan cho đến bờ nóc, bờ hồi đều được bảo tồn khá nguyên vẹn. Một điều độc đáo chỉ có ở nhà thờ tộc Trương, ấy là bộ cửa tre che chắn phía bên ngoài khung cửa gỗ. Chính vách phên này đã bảo vệ cấu kiện gỗ của nhà thờ tránh được hư hại do thiên nhiên gây ra. “Ngôi nhà này bao nhiêu tuổi thì vách phên này cũng được dựng nên chừng ấy thời gian” - anh Tường cho biết. Chính sự tồn tại gần như nguyên vẹn của ngôi từ đường khiến những nhà bảo tồn, nếu muốn tu bổ thì phải làm thế nào để giữ lại ngôi nhà nguyên bản, không dịch chuyển bất cứ tiểu tiết nào. “Năm 2000, khi JICA cùng trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tổ chức trùng tu cho ngôi nhà thờ tộc Trương, họ kỹ đến độ phải tìm ra loại gỗ kiền kiền để thay cho một chi tiết trong cấu kiện ngôi nhà. Lúc ấy họ đã liên hệ với Bộ VH-TT&DL làm việc với Bộ Tài nguyên và môi trường để xin giấy phép sử dụng một cây gỗ kiền trong rừng nguyên sinh. Ngay cả khi dỡ mái lợp lại, họ cũng cẩn trọng vì sợ vỡ một viên ngói với niên đại gần 200 năm” - anh Trương Bách Tường nói.
Năm 2004, tổ chức UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tặng “Giải thưởng công trạng” cho ngôi nhà này, một tưởng thưởng xứng đáng cho chính những tâm huyết của người trong gia tộc cũng như đội ngũ bảo tồn. Là một di sản muôn đời, từ đường tộc Trương còn lưu giữ những vật phẩm vô giá của rất nhiều thế hệ họ Trương…
Ngôi nhà cánh tả do mẹ họa sĩ Trương Bách Tường trông coi. |
Kỷ vật gia tộc
Trong gian thờ ở chính điện còn treo hai câu đối do chính cụ Trương Chí Cẩn - người xây dựng ngôi nhà, chấp bút: “Mậu thừa chí đồng hoài đình duy bách thế/ Hiếu hữu truyền gia chữ phái diễn vạn niên”. Đây là bảo vật cụ tổ đời thứ 3 đặt ra để con cháu các đời sau dùng làm chữ lót, mỗi đời một chữ. Nay gia tộc họ Trương đang ở đời thứ 6-10, với tên và chữ lót là Đình, Duy, Bách, Thế, Hiếu. Đây như một sợi dây liên kết giữa các thế hệ với gia tộc của mình, cùng với những nếp sinh hoạt từ lâu đã trở thành truyền thống của những dòng họ bề thế ở Hội An. Hằng năm, vào các ngày tế xuân, tế thu, con cháu trong tộc tề tựu đông đủ ở từ đường. Bây giờ, ngay bên cánh tả của khuôn viên nhà thờ, một ngôi nhà lớn dành cho gia đình trong tộc quản lý từ đường được xây dựng cùng niên đại với nhà thờ chính, vẫn giữ lề lối sinh hoạt như những ngày xưa cũ. Một phụ nữ gốc Huế, năm nay đã bước sang tuổi 70, vẫn hằng ngày quét dọn cho gian nhà sạch sẽ, chiều chiều vang tiếng niệm kinh, góp thêm hơi hướm cổ xưa cho ngôi nhà hơn trăm tuổi.
Họa sĩ Trương Bách Tường, thế tôn đời thứ 8 của dòng tộc, vẫn không thôi tự hào khi nhắc đến bảo vật của tộc Trương, đến nay vẫn còn được lưu giữ. Từ sắc phong của vua Bảo Đại phong tặng cho bà cố đời thứ 5 của họa sĩ Tường với bức hoành phi “Tiết hạnh danh văn”, bên trên có dấu sắc tứ của vua. Hay 15 bức hoành phi, 10 bộ câu đối được gìn giữ từ thời dựng nhà đến nay, trải qua bao dâu bể, vẫn được gia đình bảo quản vẹn nguyên. Với người Hội An, những điều gia tộc họ Trương làm được cho vùng đất này đều rất đáng kính trọng và khâm phục. Nếu các cụ tổ của gia tộc có công không nhỏ trong việc làm nên một thương cảng Faifo thịnh vượng, một cộng đồng người Minh Hương với những giá trị văn hóa lâu đời còn đến bây giờ thì những thế hệ sau, cũng đều là những người tài giỏi, hoạt động xã hội sôi nổi. Rạp chiếu phim Phi Anh, một trong những chốn giải trí đầu tiên của xứ Quảng cũng do ông nội họa sĩ Trương Bách Tường thành lập.
Từ ngôi nhà là chứng nhân của một dòng họ, đến những kỷ vật gia đình vẫn còn trường tồn, sự nối kết thiêng liêng giữa họ tên các thế hệ trong gia tộc, chừng đó đủ để nhà thờ tộc Trương cùng những báu vật gia đình trở thành di sản muôn đời.
XUÂN HIỀN