Du xuân giữa mùa lễ hội vùng cao
Cái bài ca trong phim “Vợ chồng A Phủ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ đâu hơn nửa thế kỷ rồi, bỗng dưng trên đường du xuân qua vùng cao Tây Bắc – Đông Bắc, tự mù khơi trí nhớ, hay từ tiếng khèn mênh mang đâu đó, khơi gợi cho tôi hát lầm thầm: "…Rừng chiều có tiếng khèn ai đó/ Khèn hát lên những lời mong chờ/ Đường đi về rừng, đường đi xuống núi/… Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau...". Xuyên suốt bao cung đường non xanh kỳ vĩ, mùa xuân tràn ngập các loài hoa đua nhau khoe sắc hương. Nhưng có lẽ, con người vùng cao mới là thứ hoa làm nên cái đẹp độc đáo cho cả Tây Bắc và Đông Bắc.
Ảnh: THÀNH CÔNG |
Nếu như mùa xuân là dịp để thiên nhiên bày ra “lễ hội” của muôn loài hoa thơm lộc biếc, thì cũng chính là dịp các dân tộc vùng cao mở ra những lễ hội. Tôi không rõ lắm, có phải vì tình yêu mà sinh ra lễ hội hay không, nhưng có điều, dường như lễ hội nào nơi đây cũng được khai sinh từ những truyền thuyết, mà hầu như truyền thuyết nào trên núi non này cũng thường không thể vắng bóng những tình yêu. Hãy nhìn lên đỉnh Sà Phìn lởm chởm đá núi, nhìn những ngọn Tả Lũng, Tà Chải hoang vu trong sương ngàn. Nơi chốn ấy tưởng chừng chỉ có mây bay và gió hú, bất ngờ một bản nhỏ hiện ra, một đôi mái nhà đơn sơ hiện ra ở cái chỗ mây bay lang thang ấy. Không yêu nhau thì lý gì họ dắt nhau lên tận chốn… trời xanh kia mà xây tổ (nhà), mà sinh con đẻ cái. Vâng, đấy là nơi núi chỉ có hai người yêu nhau, rồi cuộc đời nọ nối tiếp cuộc đời kia mà thành bản thành mường, thành lễ hội như một thứ đức tin sinh ra để nuôi dưỡng tình yêu từ buổi hoang sơ cho mãi đến tận bây giờ. Hiện thực đấy mà huyền thoại cũng đấy, có khác gì nhau đâu!
Hễ trời đất bắt đầu sang xuân thì người vùng cao bắt đầu khai mở các lễ hội. Ngoài tết Nguyên đán cổ truyền, mỗi dân tộc còn có những cái tết rất riêng như: Tết “Xíp Xí” của người Thái, Tết “Nhảy” của người Dao, Tết “Khu già già” của người Hà Nhì… Nhưng lễ hội mới là kho tàng văn hóa đa sắc màu và phong phú nhất. Ví như lễ hội Xênh mường, lễ hội Hoa ban của người Thái ở Lai Châu, lễ hội Lộc hoa của dân tộc Xinh Mun ở Sơn La, lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày ở Lào Cai, lễ hội Gầu tào của người Mông, lễ hội Cầu mưa của người Lô Lô ở Hà Giang… Khắp vùng núi non trùng điệp này, có bao nhiêu dân tộc là bấy nhiêu lễ hội. Cũng có dân tộc, trong một năm tổ chức nhiều lễ hội, như dân tộc Thái ở vùng Lai Châu - Sơn La, chỉ một năm mà có đến gần cả chục lễ hội: Hoa ban, Xòe chiêng, Cầu mùa, Then king pang, Xên mường, Hạn khuống, Xan khang…, họ còn có một lễ hội, gần giống với lễ hội Tắm của người miền xuôi, dân tộc Thái trắng gọi là lễ hội Gội đầu, được tổ chức trên từng bến nước vào ngày cuối năm. Hóa ra, sông biết nhớ từ tóc dài em gội là bắt đầu từ ngọn nguồn sông suối này đây!
Sắc hoa Tây Bắc. Ảnh: XUÂN HIỀN |
Thật khó lòng cho bất cứ những ai đủ sức vóc “chân cứng đá mềm” để khám phá hết mọi lễ hội của hơn ba mươi dân tộc vùng cao Tây Bắc – Đông Bắc. Tôi cũng vậy, và vì thế một cõi non xanh này vẫn mãi là niềm bí mật, đến nỗi có nơi đã đến rồi, có khi chỉ là bước loanh quanh cái vòng tròn bên ánh lửa bập bùng trên sân mường, vậy mà bàn chân cứ như lạc lối. Làm sao tôi có thể múa hết những ba mươi sáu điệu xòe trong đêm Xòe chiêng, làm sao tôi có thể đối đáp tâm tình suốt đêm Xênh mường hay đêm Hạn khuống. Chừng như bao điệu xòe quạt, xòe hoa hư ảo quanh ngọn lửa hồng kia là thứ nghệ thuật vô tận của non cao rừng thẳm, có khả năng giải phóng toàn thể tâm thức ta thoát ly khỏi ý dục, hướng đến cái đẹp vừa thuần khiết, vừa nguyên sơ trong trẻo như sông suối đầu nguồn.
Nói đến cái đẹp lễ hội của các dân tộc vùng cao là nói đến các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo được gìn giữ từ bao đời nay, một trong những nét nổi bật ấy là sắc màu thổ cẩm, nên có thể nói lễ hội còn là ngày hội của các sắc màu thổ cẩm. Lên đây rồi tôi mới chút gì hiểu về Thái trắng, Thái đen, Dao tiền, Dao đỏ… Mỗi dân tộc Mông không thôi cũng đã lắm sắc màu rồi: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (vàng), Mông Hoa (váy áo hoa rực rỡ). Mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa và nét đẹp riêng được thể hiện trang trí trên từng hoa văn họa tiết của từng tấm dệt thổ cẩm, tấm thêu áo gối, hoặc trang phục váy áo, yếm, khăn đội đầu… Cánh trai tráng đàn ông thì thường là chiếc áo ba lá, hay là năm thân, dài phủ tận gối, có màu đen hoặc màu chàm, quần thì màu gì cũng được, lụp xụp chiếc bê-rê đội lên đầu, thế là xong. Phái nữ mới thực sự là hoa của núi, là chủ nhân của cái đẹp ngàn đời cả Tây Bắc và Đông Bắc. Vắng bóng họ là vắng bóng cái đẹp, vắng bếp lửa ấm. Hoặc giả có lửa thì cũng chỉ là thứ lửa âm u lạnh lẽo, thiếu sức sống. Hãy vào một bản nào đó mà xem các mế, các chị dệt thổ cẩm. Những bàn tay da dẻ gân guốc chai ra với nương rẫy, vậy mà khi xe sợi kéo chỉ dệt, hoặc ngồi thêu thùa, lập tức những ngón tay ấy trở nên mềm mại, uyển chuyển như những người nghệ sĩ múa tài hoa, tạo nên hình hoa lá cỏ cây, hình chim muông thú rừng, ô vuông ô trám... Có thực chứng sự miệt mài mê say đó, mới hiểu mỗi hình ảnh xuất hiện trên mặt thổ cẩm kia cũng chính là tiếng nói của tâm hồn, một tình yêu thiên nhiên đã lắng sâu hòa tan vào vô thức cộng đồng các dân tộc. Đừng nên áp đặt lên đấy ý niệm thẩm mỹ nào cả, nó không trường lớp và cũng chẳng lý luận, nghệ thuật của nó cũng giống như từng vũ điệu xòe hoa, xòe vòng, từ đâu thăm thẳm trong bào thai mẹ đã biết ca múa rồi. Suốt bao đời nay, các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng Thái…, tiếp biến, hỗn dung và kế thừa trên nền truyền thống của mỗi dân tộc, mà thành ra bản sắc riêng, cái đẹp riêng, phóng túng, hồn nhiên, e ấp và hoang dại.
Có một đỉnh núi đã chạm trổ vào tâm hồn tôi tất cả cái đẹp của những đóa hoa như thế. Ở Bắc Hà - Lào Cai, dân tộc Mông hoa có gần một nửa trong tổng số các dân tộc. Thế nên lễ hội, hoặc giả một ngày đông chợ phiên, cũng có thể gọi là ngày hội của hoa. Đi giữa một cao nguyên Bắc Hà đang mùa hoa mận hoa táo nở trắng cả núi đồi, một sớm mai sương mù còn đặc quánh, trên những con đường thôn bản Nậm Mòn, Nậm Đét, Lũng Phìn…, trên đỉnh núi cao hay lưng chừng núi thấp, mọi nơi đều được đánh thức bởi tiếng nói, tiếng cười của các chàng trai cô gái Mông, Dao, Tày, Nùng…, của người mẹ địu con trên lưng, của cả móng ngựa thồ khua lóc cóc. Tất cả xua cái lạnh giá, vượt qua bao đèo đốc, bao đỉnh núi bồng bềnh mây trắng. Những cô gái Mông hoa là rực rỡ hơn hết. Váy áo hoa hư ảo cùng mây bay biến mọi con đường thôn bản thành những đường hoa di động hội tụ về sân trung tâm Bắc Hà cho kịp giờ khai hội.
Với tôi, sự hoang sơ của núi rừng Tây Bắc - Đông Bắc, cùng với một trời sắc màu thổ cẩm trong các lễ hội dặt dìu trong mây bay trên non cao kia là cả một giấc mơ hoa kỳ lạ. Chia tay lễ hội rồi, đã xuống khỏi cổng trời rồi mà mây trời thổ cẩm ấy còn ẩn sâu trong con mắt, hễ nhắm mắt lại thơ mơ là tôi lại thấy cả một rừng hoa!
Bút ký NGUYỄN NHÃ TIÊN