Sưu tầm, trưng bày hiện vật: Nhiều trở ngại
Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hiện vật có giá trị được người dân cất giữ. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau nên việc sưu tầm và trưng bày hiện vật còn gặp không ít trở ngại.
|
Vì nhiều lý do khác nhau, công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật đang gặp nhiều trở ngại. Ảnh: V.LỘC |
Thiếu kinh phí
Ngoài bộ đèn cổ 500 chiếc được hiến tặng nhân dịp khánh thành nâng cấp bảo tàng (tháng 6.2013), phần lớn hiện vật còn lại của Bảo tàng Điện Bàn đều do cán bộ nơi đây sưu tầm qua những chuyến điền dã, khảo cổ, rất ít hiện vật do người dân hiến tặng. Theo bà Đinh Thị Hiệp - cán bộ Bảo tàng Điện Bàn, chuyện người dân ra giá cao cho hiện vật hay cán bộ bảo tàng lên xuống thuyết phục, năn nỉ vận động người dân bán lại hiện vật với mức giá hợp lý là điều không hiếm. “Như con bò thần bằng sa thạch trên Lạc Thành, người dân ra giá hàng chục triệu đồng thì làm sao mua được. Sau nhiều lần thương lượng, lãnh đạo xã thuyết phục, người dân mới đồng ý để lại cho bảo tàng với giá vài triệu đồng xem như hỗ trợ tiền công” - bà Hiệp kể. Ngoài ra, do không có chức năng khảo cổ nên dù biết một số điểm phế tích trên địa bàn Điện Bàn vẫn còn hiện vật nhưng cán bộ bảo tàng không thể khai quật. Còn mời các cơ quan chuyên môn của tỉnh hoặc trung ương về lập dự án thì không có kinh phí, nếu để các cơ quan này khai quật sẽ mang hết hiện vật về...
Không chỉ ở Điện Bàn, tại các địa phương khác trong tỉnh việc sưu tầm hiện vật cũng gặp không ít trở ngại, nhất là những hiện vật lịch sử cách mạng. Do thời gian qua quá lâu, nhiều nhân chứng lịch sử đã qua đời hay không còn nhớ chính xác lý lịch của hiện vật, rồi những tác động của thiên tai, lũ lụt, mối mọt... làm hiện vật hư hỏng, mất mát. Để khắc phục vấn đề này không hề đơn giản, vì ngoài yếu tố chuyên môn và con người, kinh phí dành cho sưu tầm hiện vật của các bảo tàng địa phương hạn hẹp, chủ yếu lấy từ nguồn hoạt động thường xuyên của đơn vị. Những hiện vật có giá trị, số tiền lớn hơn phải xin ý kiến từ huyện rồi chờ phê duyệt của các cơ quan liên quan. Chờ đến khi được đồng ý thì hiện vật cũng không còn. Theo ông Đặng Công Dung - Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước, đến nay trong số hơn 300 hiện vật đơn vị sưu tầm và vận động người dân hiến tặng, chủ yếu là hiện vật lịch sử cách mạng nên mức hỗ trợ không nhiều. Những hiện vật có giá trị vật chất lớn, phòng phải xin chủ trương, huyện đồng ý mới có thể mua. “Hiện vật cao giá nhất hiện nay là bộ lưới vây cọp giá 15 triệu đồng được phòng mua từ một người dân ở xã Tiên Cảnh năm 2011. Những hiện vật khác, phòng chỉ hỗ trợ 50 - 300 nghìn đồng” - ông Dung cho biết.
Vận động là chính
Sưu tầm hiện vật không chỉ là vận động chủ nhân hiến tặng cho bảo tàng mà còn là vấn đề nhận thức của chủ sở hữu về ý nghĩa của hiện vật. Vì vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về những giá trị truyền thống, lòng tự hào đối với di sản văn hóa dân tộc là rất quan trọng. “Một số trường hợp khi người dân thấy nhà nước mua thường ra giá cao, có trường hợp sau khi đã thỏa thuận thống nhất về giá cả nhưng sau đó chủ nhân lại đổi ý vì nghĩ hiện vật mình bán bị hớ giá” - ông Mai Hồng Lâm, cán bộ Bảo tàng Quảng Nam, nói. Cũng theo ông Lâm, quan điểm của Bảo tàng Quảng Nam là không mua hiện vật bằng mọi giá mà chỉ tập trung vào sưu tầm, khai quật hiện vật để trưng bày; những hiện vật hiếm, có giá trị thì... vận động thuyết phục người dân hiến tặng theo kiểu hỗ trợ. Tại Bảo tàng tỉnh, hàng tháng đều tổ chức các đợt sưu tầm theo từng chuyên đề khác nhau như sưu tầm hiện vật kháng chiến, dân tộc học, dân tộc thiểu số… Đến nay trong số hơn 20 nghìn hiện vật của Bảo tàng tỉnh, số hiện vật sưu tầm, hiến tặng khá khiêm tốn, hiện vật có được chủ yếu từ những đợt khảo cổ khai quật như các hiện vật gốm sứ...
Theo bà Đinh Thị Hiệp, để cải thiện những vấn đề trên, ngoài việc tăng nguồn kinh phí cho các bảo tàng địa phương nhằm chủ động trong việc sưu tầm, cũng cần có những cơ chế đặc thù đối với chủ nhân của những hiện vật giá trị, quý hiếm để khuyến khích người dân tự nguyện hiến tặng. “Nhiều hiện vật không chỉ có giá trị vật chất mà còn ẩn chứa giá trị tinh thần, tâm linh gắn với cộng đồng, dòng họ, hoặc một cá nhân… nên rất khó để người dân tự nguyện hiến tặng nếu không biết chắc hiện vật của mình sẽ được sử dụng ra sao” - bà Hiệp nói. Vì vậy, cán bộ bảo tàng ngoài sự kiên trì vận động còn phải có sự đồng cảm, chia sẻ với những chủ sở hữu hiện vật để họ nhận thức được ý nghĩa của việc cung cấp hiện vật cho bảo tàng. “Trong đợt sưu tầm hiện vật mẹ Việt Nam anh hùng vừa rồi, nhiều mẹ sau khi hiến tặng hiện vật xong còn nhắn nhủ khi nào trưng bày thì nói để mẹ biết xuống xem nên chúng tôi càng thấy mình cần phải có trách nhiệm với những hiện vật này” - bà Hiệp chia sẻ. Và chính điều này đã tạo niềm vui, động lực cho những cán bộ bảo tàng vượt qua những trở ngại để thực hiện tốt công việc của mình trong suốt những năm qua.
VĨNH LỘC