Người chép sử làng

BÙI MINH 28/12/2013 08:53

Tên họ đầy đủ của ông là Hoàng Ngân, vào hàng “xưa nay hiếm”: tuổi Bính Tý - 1936. Nhiều năm ở thôn Tịch Tây, nay ông sống ở thôn An Thiện, đều thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Con cái đã đề huề. Lâu nay, thường ngày, ông chăm cây kiểng, bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc Nam, thuốc Bắc cho người bệnh quanh vùng. Gia đình ông cũng có làm ruộng nhưng không đáng kể. Việc ông chú mục và say mê là sưu tầm, ghi chép về những sự kiện - vấn đề - con người có liên quan quê mình. Thân sinh ông là cụ Huỳnh Ái (đã qua đời), một trong những cán bộ lão thành cách mạng, đi tập kết ra Bắc.

Ông Hoàng Ngân bên những trang ghi chép về lịch sử. Ảnh: B.M
Ông Hoàng Ngân bên những trang ghi chép về lịch sử. Ảnh: B.M

Tôi thích lối nói trào lộng của ông về sự đời và những bài thuốc dân gian. Ông đã từng “cự nự” với người kể chưa đúng về thời chưa xa lắm, ví như tên người, tên đất hoặc thuật chuyện về thời chiến thiếu chuẩn xác. Chuyện về quê, ông nhớ rất kỹ, ví như trận Núi Thành năm xưa, ai còn, ai mất; chi bộ đầu tiên thành lập tại đâu, năm nào… Ông kể vanh vách cả về truyền thống của quê hương và những kỷ niệm mà ông có thời gắn bó. Trong đó, có những thời gian khổ, tình cảm của con người trong gian lao và nghèo khó mà vẫn lạc quan; về vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng.

78 tuổi, sống qua nhiều thời kỳ, ông cứ đau đáu viết về truyền thống lịch sử quê hương; bởi theo ông, nếu không viết ra thì mọi chuyện sẽ trôi tuột; không có quá khứ thì không có cả hiện tại và tương lai. Vậy, người đương thời phải ghi để nhớ quá khứ, nhớ lịch sử. Ông cho tôi xem tập giấy ghi chép cẩn thận về trang sử quê mình; về những gì liên quan đến thôn nhỏ. 26 trang chép tay, bằng nhiều màu mực, sin sít chữ, được nắn nót cẩn thận, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của một người đối với quê. Chịu khó liên hệ, đối chứng, ông tìm trên sách báo, nguồn sử liệu chuẩn xác để nêu bật được những gì đặc sắc, nổi trội của quê mình.

Mượn câu ca xưa, ông khề khà: “Gió nam thổi kiệt bảy ngày/ Khoai lang khô đã hết, lúa vay cũng không còn”. Hay như thể tự trào về quê nghèo: “Sáng xách om nấu củ; trưa ăn củ đi làm; tối ăn củ đi ngủ” - củ ở đây là khoai lang vùng cát. Vậy mà, quê nghèo đã sinh ra những người con kiên trung bất khuất, biết gác quyền lợi riêng, lo việc chung, lên đường diệt giặc, góp phần giải phóng quê hương… Hàng trăm con em đóng góp sức trẻ trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương, trở thành cán bộ ở các lĩnh vực hoạt động khắp nơi; cung cấp nguồn cán bộ cho xã, huyện, tỉnh và các ngành trung ương.

Lịch sử Tịch Tây mà ông Bốn Ngân hình thành gồm phần sơ lược; thời kỳ trước khi có Đảng đến giai đoạn đấu tranh cách mạng; thời kỳ khởi nghĩa và chống Pháp 1945 - 1954; thời kỳ chống Mỹ 1954 - 1975. Ông nêu về bối cảnh lịch sử trong nước, ngoài nước rồi liên hệ những sự kiện có liên quan đến quê mình. Phần lời tựa cũng như lời kết, có nhận định đánh giá, ông tỏ rõ lòng tự hào về truyền thống đánh giặc và những người con tiêu biểu của quê hương.

Có lần, tôi hỏi: “Vì lý do gì mà ông cất công và nhọc lòng như vậy?”. Ông bộc trực: “Truyền thống - lịch sử không nhắc đến, không ghi chép lại sẽ bị mai một, con cháu không biết, chúng ta có lỗi với quê hương”. Ông tỉ mẫn và nâng niu từng trang viết; có những trang sách, mẩu báo đã cũ nhàu, giấy ố vàng (tư liệu thành văn) được ông sắp xếp ngăn nắp trong một cuốn vở học sinh. Ông bảo, việc mình nay làm chưa xong, con cháu tiếp tục viết, bổ sung. Tình cảm sâu nặng của ông với làng quê nhỏ của mình thật đáng trân trọng!

BÙI MINH

BÙI MINH