Rượu cần sắn tà vạc
Được UBND huyện Đông Giang chọn để phục dựng làng nấu rượu cần sắn truyền thống, ở thôn Tà Vạc (thị trấn Prao) nhà nào cũng có vài chiếc adai (một dạng chum ché) ủ rượu cần sắn. Họ xem đó như thứ của quý của gia đình...
Đậm đà rượu cần sắn
Muốn vào thôn Tà Vạc phải đi qua cây cầu treo bắc qua con suối Tà Lu hiền hòa. Những nóc nhà ẩn hiện dưới chân núi tạo nên vẻ thâm trầm vốn có của người dân Cơ Tu. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Arất Lợi - Bí thư Chi bộ thôn Tà Vạc, cười sảng khoái: “Lâu rồi mới có khách quý, mình uống với nhau chén rượu cần rồi nói chuyện. Người Cơ Tu mình hiếu khách, dùng chén rượu quý để thay cho tình cảm muốn nói”. Dứt lời, ông bảo vợ là Jơrâm Thị Choong lấy chum rượu cần nhỏ để rót rượu ra. Thấy chúng tôi thoáng chút ngạc nhiên, mấy anh cán bộ xã đi cùng nói: “Chỉ chiếc chum nhỏ đó thôi, chiết ra rượu, anh em mình uống đến tối chưa hết đâu. Từ rượu cần nguyên chất phải pha với nước suối mới uống được, nếu để rượu nguyên chất thì uống một chén cũng đủ say túy lúy rồi”. Chỉ tay về các chiếc adai để ở góc nhà, già Arất Lợi bảo đó là số rượu ông dự trữ cho mùa đông này. Đây là tập tục có từ ngàn xưa của người dân nơi đây, mùa nắng ráo tranh thủ ủ rượu để mùa mưa không làm được cũng có mà dùng.
Ở thôn Tà Vạc nhà nào cũng ủ vài adai rượu cần sắn. |
Nhấp chén rượu đầu tiên, thứ men nồng lan tỏa và vị ngọt như mật mía đọng ở cổ họng. Nó hoàn toàn khác xa với cái cay nồng của các loại rượu khác nơi đồng bằng. Già Arất Lợi bảo chúng tôi, rượu cần của người Cơ Tu làm người ta say mê chính vì đặc điểm này. Khi đã ngà men, già Arất Lợi tâm sự: “Bây giờ thanh niên Cơ Tu cũng ít uống thứ rượu này rồi vì ngày nay không phải thôn nào cũng làm được thứ rượu này đâu. May sao ở thôn mình nhà nào cũng giữ được truyền thống làm rượu để dùng trong dịp quan trọng và uống hằng ngày. Rượu cần sắn rất quan trọng với người Cơ Tu. Mình nhớ hồi xưa cưới vợ, rượu cần sắn là thứ sính lễ quan trọng bậc nhất không thể thiếu; lễ tết cũng phải có rượu cần sắn để tế lễ để dân làng uống với nhau”. Trong ký ức của già Arất Lợi, người Cơ Tu uống rượu cần sắn như một thứ nước làm cho con người khỏe ra, xóa tan những mệt nhọc sau một ngày làm lụng mệt nhọc. “Ngày xưa, mỗi người có thể tự mình uống hết số rượu mà bốn người chúng ta đang uống đây. Uống say vào rồi ngủ một giấc đến sáng mai tỉnh dậy, cơ thể như được hồi sinh lại. Chẳng mệt mỏi hay nhức đầu như các thứ rượu khác” - già Arất Lợi nói với chúng tôi.
Bí quyết của núi rừng
Hỏi già Arất Lợi về cách thức làm thứ rượu cần sắn độc đáo này, ông hóm hỉnh bảo: “Đàn ông chỉ biết uống thôi, còn làm rượu thì hỏi phụ nữ ấy”. Quả vậy, người vợ của già Arất Lợi là người phụ nữ Cơ Tu làm rượu cần sắn cừ khôi của thôn Tà Vạc. Bà Jơrâm Thị Choong bảo: “Năm tôi 15 tuổi mẹ đã bắt đầu truyền dạy cách làm rượu. Ban đầu con gái chỉ được tập luộc sắn, rải men chứ chưa thể pha chế men được. Đến khi thành thục các công đoạn trên mẹ tôi mới bày cho cách tạo ra men rượu”. Để chúng tôi hiểu hơn về các công đoạn làm rượu, bà Choong nói tỉ mỉ: “Ban đầu phải lựa những củ sắn ngon đem lột vỏ rồi luộc, nhưng không được luộc chín sắn mà chỉ luộc sơ thôi, khi củ sắn mềm ra là được rồi. Lấy một cái nia có rải lớp trấu mỏng và đổ sắn ra để nguội. Sau đó rải men, lấy lá chuối đắp lên rồi để hai ngày hai đêm mới đem đi ủ. Sau khoảng một tháng thì rượu bắt đầu nhỉ ra”. Bà Choong bảo, các công đoạn làm rượu cần sắn đơn giản nhưng nếu làm không tốt thì rượu sẽ bị chua, không ngọt được. Muốn rượu có chất lượng, các adai phải phơi khô dưới nắng thật kỹ, lấy nước ở các khe suối sạch trong rừng về ủ và lượng men rượu vừa phải.
Vỏ cây chehăng - thứ nguyên liệu quý để tạo nên men rượu cần của người Cơ Tu. Ảnh: Đ.ĐẠO |
Câu chuyện về rượu cần sắn càng thêm sôi nổi khi có thêm vài chị em trong thôn đến chơi. Bà Alăng Típ nói: “Thứ men nấu loại rượu này chẳng phải mua ngoài chợ đâu. Phải tự tay mình làm ra, men mua ngoài chợ có đem ủ cũng chẳng cho ra rượu được đâu”. Theo bà Típ, bà Choong, men rượu được làm từ bốn thứ cây chính mà người dân bản địa gọi là chehăng, trahai, pari và quế. Trong đó, pari chính là củ riềng còn chehăng và trahai là thứ cây đặc trưng ở núi rừng vùng này. “Muốn hái cây trahai thì vào các khe đá gần thác nước hái về. Còn cây chehăng khó như tìm vàng vì cây này mọc ở núi cao và chưa chắc núi nào cũng có. Vả lại ít người biết về loại cây này lắm. Tôi phải nhờ anh trai của mình là Jơrâm Gráo đi rừng tìm giúp” - bà Choong chia sẻ. Từ vỏ cây chehăng, cây trahai, củ riềng và quế, người phụ nữ Cơ Tu đem phơi thật khô, giã mịn rồi trộn với nhau thành thứ men rượu độc đáo. Bê hũ bột men vào bảo chúng tôi ngửi mùi, bà Choong nói: “Quan trọng nhất là tỷ lệ pha trộn giữa các thành phần trong men, mình làm theo mẹ riết rồi quen tay chứ chẳng cân đong gì hết. Men rượu cũng chính là bí quyết bí truyền tạo nên thứ rượu cần sắn đặc trưng của người Cơ Tu mà không nơi nào có thể tạo ra được”.
Tà Vạc hiện là một trong số ít thôn còn lưu giữ truyền thống làm rượu cần sắn ở Đông Giang với 40 hộ đều biết làm rượu. Khi có dịp lễ quan trọng, nhiều thôn bản khác phải đến thôn Tà Vạc đặt mua rượu; người dưới xuôi cũng ghé vào đây đặt mua về làm quà. Già Arất Lợi bảo với chúng tôi lúc chia tay: “Những loài cây lạ đã tạo nên thứ men huyền bí kết hợp với sắn trồng trên đất rừng đã cho ra thứ rượu mang vị ngọt lịm như lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Rượu cần sắn là di sản của cha ông để lại, là món quà tinh túy của núi rừng ban tặng cho người Cơ Tu”.
ĐOÀN ĐẠO