Tiên Phước, miền quê nhiều kỷ niệm...

NGỌC KẾT 22/12/2013 09:43

Cách đây gần hai mươi năm, các văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng đã có chuyến thực tế về huyện Tiên Phước để sáng tác. Mới đây, nhà thơ Ngân Vịnh, nhạc sĩ Đình Thậm lại có dịp trở lại miền quê “hoa trẩu trắng” để viết về những đổi thay trên quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng...

Nhà thơ Ngân Vịnh - người không chỉ có mặt trong chuyến đi thực tế Tiên Phước gần hai mươi năm trước, mà  trong những năm chiến tranh, anh đã sống và chiến đấu cùng với bà con nhân dân trên mảnh đất này. Cuối năm 1964, đơn vị anh đã có mặt ở Sơn Cẩm Hà. Vì thế, với nhà thơ Ngân Vịnh, mỗi lần được đặt chân trở về miền quê Tiên Phước, lòng anh lại dậy lên bao niềm cảm xúc khó tả. Chính nơi này, trong một đêm không trăng sao của một ngày chiến tranh khói lửa, anh đã gặp và giữ mãi trong tim mình hình ảnh một cô gái giao liên đã đưa anh qua sông vượt đồn giặc kề bên để rồi trong chuyến trở lại cách đây gần hai muơi năm, anh không kìm được lòng mình: “…Giờ em ở đâu/ Em ở đâu hỡi người con gái/ Làm sao tôi quên sống chết một thời/ Đêm không trăng sao, đêm hỏa châu rơi/ Và bóng hình em chỉ mình tôi biết/ Ôi con sông Tiên nước trôi biền biệt/ Giờ em ở đâu…”. Đó là những vần thơ chứa nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc của người lính, người nghệ sĩ Ngân Vịnh trong bài thơ “Đêm bên sông Tiên” - một trong năm bài thơ của anh được nhạc sĩ Phan Ngọc chọn phổ nhạc lần ấy và trở thành bài hát được nhiều người dân Tiên Phước yêu thích.

Các nghệ sĩ đi thực tế ở Sơn Cẩm Hà.
Các nghệ sĩ đi thực tế ở Sơn Cẩm Hà.

Cùng tham gia với nhà thơ Ngân Vịnh trong chuyến thực tế về Tiên Phước lần này có hơn 10 nhạc sĩ, nhà thơ đến từ Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Vẫn những cảm xúc như thuở nào họ đã từng đến và từng được trải lòng. Về lại đây, các văn nghệ sĩ đến thăm Nhà lưu niệm cụ Huỳnh để lòng mình lắng đọng, miên man trôi theo ca khúc “Tên Người sống mãi với quê hương” do nhạc sĩ Đình Thậm phổ thơ Ngân Vịnh từ chuyến thực tế gần hai mươi năm trước. Lần này, nhạc sĩ Đình Thậm ôm ghi ta thể hiện ca khúc của mình như một nén tâm nhang dâng lên cụ Huỳnh. Nhạc sĩ Đình Thậm không giấu được xúc động khi thổ lộ: “Mỗi lần về thăm lại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh, lòng tôi lại ngập tràn bao xúc cảm. Đó là sự kính trọng, lòng biết ơn và ngưỡng vọng vô cùng về một con người đã đi vào lịch sử… Tất cả đã giúp tôi thăng hoa cho từng nốt nhạc lời ca về Người…”. Tiên Phước - một miền quê nổi tiếng, với những ngôi nhà cổ trầm mặc, những ngõ đá rêu phong, những vườn cây trái mang đậm hương vị của đất đồi trung du. Không những thế, Tiên Phước còn là nơi khơi nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ Đình Thậm và nhà thơ Ngân Vịnh.
Nhạc sĩ Đình Thậm và nhà thơ Ngân Vịnh.

Trở về lại “miền quê hoa trẩu trắng” lần này, anh em văn nghệ sĩ đi thực tế, tìm hiểu về khu chứng tích Đồng Trại - Tiên Cẩm, nơi xảy ra vụ thảm sát ngày nào; khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam ở xã Tiên Sơn, di tích trường tân học Phú Lâm - nơi dạy chữ quốc ngữ đầu tiên do Lê Cơ sáng lập năm 1904 hay mộ danh sĩ Lê Vĩnh Khanh - một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, một bậc đại khoa không màng danh lợi, hết lòng yêu nước thương dân... Chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm, nhưng các văn nghệ sĩ từng một thời gắn bó máu thịt với đất và người Tiên Phước đã không khỏi bồi hồi xúc động. Nhạc sĩ Minh Đức tâm sự: “Trở lại Tiên Phước này, tôi cảm nhận được sự đổi thay khá nhiều về cuộc sống, về diện mạo của một miền quê. Và tình cảm của nhân dân, những người ngày xưa đã nuôi nấng, đùm bọc chúng tôi trong chiến tranh bom đạn, sống chết từng ngày, bây giờ vẫn nguyên vẹn như xưa…”. Những gợi mở ban đầu, những phác thảo dường đã kịp tượng hình từ cảm xúc qua chuyến đi thực tế đã tạo được niềm lạc quan ở ngay chính những người làm nghệ thuật, giúp họ củng cố bao dự định về những sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh quả quyết, anh sẽ có một ca khúc về người con gái xứ Tiên đẹp dịu dàng, đằm thắm. Nhạc sĩ Huy Hùng lại để lòng bâng khuâng, luyến nhớ về một miền quê với những chùm hoa trẩu trắng. Anh tiết lộ sẽ có một ca khúc về loài hoa bình dị mà đẹp nao lòng này. Nhạc sĩ Trần Cao Vân lại có tham vọng viết về con sông quê Tiên Phước. Các nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải, Lê Xuân Bá... dường đã để lòng vương vấn với những dấu xưa ngõ đá rêu phong. Còn nhà thơ Ngân Vịnh thì cứ ray rứt một nỗi niềm khôn nguôi về sự hy sinh mất mát thầm lặng, về nỗi đợi chờ của những người mẹ, người vợ có chồng con ra đi mãi mãi không về... Các văn nghệ sĩ càng đi thực tế, càng có cảm giác mình vẫn chưa trọn nghĩa, trọn tình với một vùng đất có nhiều kỷ niệm; càng nhận ra những đổi thay to lớn của một vùng quê sau bao nhiêu năm chung tay góp sức dựng xây... Và không ai bảo ai, nhưng các văn nghệ sĩ đều thầm hứa với lòng mình sẽ sáng tác nên những tác phẩm xứng tầm với vùng đất xứ Tiên để làm quà tặng cho cán bộ và nhân dân nơi đây, khi vùng quê này kỷ niệm 40 năm ngày hoàn toàn giải phóng quê hương...

NGỌC KẾT

NGỌC KẾT