Về với bản Aur

VÕ THỊ NHƯ TRANG 15/12/2013 08:39

Băng qua đường Hồ Chí Minh vào những ngày đầu đông, ta có dịp ngắm nhìn những nương chiều vàng, những bản làng của đồng bào Cơ Tu đang thấp thoáng dưới làn mây trắng xóa.

Nhìn từ trên xuống, bản Aur trông nhỏ bé, hoang sơ và bình dị.
Nhìn từ trên xuống, bản Aur trông nhỏ bé, hoang sơ và bình dị.

Khám phá bản làng

Nhóm sinh viên chúng tôi thường có những chuyến “phượt” bằng xe máy đến các nơi với mong muốn tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Qua đó, tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn rồi tổ chức chương trình từ thiện để giúp đỡ họ. Và lần này, chúng tôi đưa bước chân của mình đến với bản Aur của huyện Tây Giang. Xuất phát từ TP.Đà Nẵng, chúng tôi bắt đầu hành trình ngược miền biên giới khi trời vừa hửng nắng. Trải qua hơn 120km đường núi hiểm trở, qua những con dốc cao, quanh co với những cái tên ấn tượng như dốc Khom Lưng, Mẹ Ơi… Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được với mái gươl ở bản Aur sau hai giờ đồng hồ. Lần đầu đến với nơi đây, chúng tôi ai cũng ngạc nhiên trước khung cảnh bình yên, thơ mộng. Những nương lúa xanh rờn, khu rừng đầy hoa dại, tiếng trẻ vui đùa nghịch cát, tiếng cười nói râm ran của những người dệt vải, đan lát dưới mái nhà sàn… Mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên khiến chúng tôi thích thú và lấy làm tò mò.

Đến bản Aur, ở đâu chúng tôi cũng được bà con nhiệt tình đón tiếp. Gặp các em nhỏ đang vui chơi, hỏi thăm vài ba câu về chuyện trường lớp, chuyện học hành, các em thích thú, bắt tay làm bạn, rồi dắt ra ngắm suối nơi phía bìa rừng. Những đôi mắt to tròn, ẩn chứa nét riêng biệt của trẻ em Cơ Tu, đó là điều mà chúng tôi rất ấn tượng. Đến với bản làng, chúng tôi được già làng thăm hỏi và kể nhiều chuyện của buôn làng, giới thiệu về các lễ hội lớn như Lễ hội đâm trâu, Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối aví), Lễ ăn mừng gươl (Lang tơrí), Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê)… Qua những căn nhà sàn gỗ, chúng tôi bắt gặp các sơn nữ bên hiên dệt vải, từng nét hoa văn, màu sắc rực rỡ trên nền thổ cẩm giống hệt đóa hoa rừng khoe sắc giữa đại ngàn.

Nhóm phượt trên tuyến đường Hồ Chí Minh.  Ảnh: V.T.N.TRANG
Nhóm phượt trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T.N.TRANG

Ở chốn núi rừng này, chúng tôi còn tìm hiểu nghề đan lát truyền thống. Đến bất cứ nhà nào cũng bắt gặp những vật dụng, nguyên liệu đan lát (mây, tre, nứa, lồ ô) xếp gọn bên một góc nhà sàn. Người dân nơi đây đã làm ra các sản phẩm đan lát gồm nhiều loại: gùi (zôống), rê, chuy, cà vông, nia sảy lúa, nong phơi lúa, gùi ba ngăn của đàn ông (talét), mâm ăn cơm các loại, mâm dùng để đựng đồ cúng trong các lễ hội truyền thống đến rổ đựng cơm hoặc đựng rau... Tìm về với núi, chúng tôi có thêm nhiều hiểu biết về nét đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu.

Nặng lòng với núi

Đến với núi rừng, với đồng bào Cơ Tu, chúng tôi có dịp trải nghiệm trước nhiều điều mới lạ. Nơi bản Aur, bà con dân tộc còn nghèo khó, tuy nhiên ai cũng chăm chỉ kiếm cái ăn, cái mặc. Ngày nào cũng trôi qua một cách đều đặn, người đi lên nương phát rẫy, kẻ ở nhà dệt vải, kiếm củi nấu cơm. Trẻ em ở bản thì ham tìm cái chữ, sách vở, bút thước không nhiều, các em bẻ cây làm bút, rồi tụ tập lại viết lên nền đất cứng đơ. Thiếu thốn trăm bề, nhưng hễ có người miền xuôi đến thăm, mọi người lại tụ tập đến gươl tiếp đón. Chúng tôi được ăn cơm nếp với măng rừng, thưởng thức bánh sừng trâu, giải khát bằng thứ rượu tà đin ngon y như lời già làng giới thiệu “ngọt và mát lắm!”. Đêm, chúng tôi giao lưu hát múa với thanh niên trong bản, tiếng cồng, tiếng chiêng hòa vào nhau, làm cháy lên ngọn lửa tình anh em hai miền xuôi- ngược.

Chuyến “phượt” đến bản Aur lần này là cơ hội để những người trẻ như chúng tôi thử thách mình. Trước hết là ở những chặng đường cam go với bao nguy hiểm, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm sâu hoắm. Tiếp đến là cuộc sống bình dị nơi vùng quê nghèo với bao thiếu thốn. Và sau cùng là những chiêm nghiệm rút ra từ văn hóa người Cơ Tu. Chuyến đi kéo dài 3 ngày 2 đêm, tuy thời gian không nhiều nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người ở nơi núi rừng. Chia tay bản làng, mọi thứ như vẫn đọng lại dưới sợi chỉ xanh nơi đáy mắt. Xa xa, trên tuyến đường trở về miền xuôi, chúng tôi tự nhủ chắc rằng sẽ trở lại nơi này thêm một lần nữa. Khi ấy, đường làng sẽ bớt gập ghềnh, bà con có thêm nhiều áo mới mang mặc, trẻ em vui cười với những trang giấy trắng tinh khôi…

 VÕ THỊ NHƯ TRANG

VÕ THỊ NHƯ TRANG