"Bảo tàng văn hóa" giữa rừng

PHƯƠNG GIANG 05/12/2013 08:58

Một “tinh thần Cơ Tu” được lưu giữ khá nguyên vẹn tại bản nhỏ Aréc thuộc xã A Vương (Tây Giang), nơi chỉ cách đường Hồ Chí Minh hơn 30 phút băng rừng.

“Bảo tàng” của làng Aréc. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
“Bảo tàng” của làng Aréc. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Làng mới

Đang mùa mưa, con đường mới ủi dẫn vào Aréc nhão nhoẹt. Đi một đoạn lại bắt gặp chiếc xe máy của người dân nào đó trong thôn bỏ lại giữa đường. Làng cũ nay đã là ruộng lúa nước, người dân Aréc được bố trí tái định cư tại một khoảng đất rộng và phẳng trên đồi. Tiếng ê a tập đọc của lũ trẻ con ở dãy phòng học đầu làng là âm thanh đầu tiên chào đón chúng tôi. Trước kia, bọn trẻ phải cuốc bộ hàng cây số để đến điểm trường của xã. Sau tái định cư, có hẳn điểm trường tiểu học gồm 4 phòng học khang trang ngay trong làng, gồm 2 lớp tiểu học và 1 lớp mầm non. Điểm trường có 3 giáo viên, đều là nữ, có khi suốt mấy tháng mùa mưa không về nhà vì sợ bất ngờ xảy ra sạt lở không vào lại được trong thôn. “Bà con trong làng thương các cô giáo lắm. Mùa mưa, xe thồ không vào được bản, bà con có thức ăn, gạo sắn gì cũng mang cho các cô. Lũ trẻ cũng ngoan, đi học rất đều. Những ngày không có lớp lại nhớ bọn trẻ” - cô Trần Thị Hơn, một trong 3 cô giáo ở điểm trường Aréc, chia sẻ.

Căn nhà cũ đã xiêu dần theo năm tháng, ông Ating Chân và vợ là Alăng Thị Thưa cần mẫn gùi đất đắp lại nền để dựng nhà mới. Khoảnh sân trước nhà được be bằng những tấm phên nứa nhỏ, đổ đất, nện chặt để làm nền. “Trồng lúa nước, làm rẫy chỉ đủ ăn, dành dụm tích cóp suốt mấy năm, nhờ Nhà nước hỗ trợ nữa mới đủ làm nhà” - Ating Chân nói. Ở Aréc, chuyện đàn bà đi rẫy, đàn ông ở nhà uống rượu đã là chuyện của ngày xưa. “Làm nhiều thì nhiều cái ăn, không lo đói, có tiền mua sắm ti vi, mua xe máy”. Cái bụng của người dân Aréc bây giờ đã biết nghĩ như thế. Lũ trẻ đều được ba mẹ cho đi học. Ban ngày, Aréc bình yên như điệu đàn abel của già làng. Dân làng xuống ruộng, lên rẫy, chăm chỉ như những con ong rừng. Trưởng thôn Ating Câu cho biết, cả làng có 90 hộ, với 416 nhân khẩu, đều là người Cơ Tu. Trước đây dân làng sống ở vùng đất phẳng dưới chân đồi, sau này huyện có chủ trương di dời lên vùng cao hơn để tránh sạt lở và lấy đất sản xuất cấp cho dân. Giờ cả thôn có hơn 6ha lúa nước, chưa kể lúa rẫy, một số gia đình cũng bắt đầu nhận khoán trồng cao su, đời sống dần ổn định. “Cũng còn khổ, còn khó khăn, nhưng so với trước đây thì đã đỡ nhiều rồi” - Ating Câu nói.

“Bảo tàng” văn hóa

Cũng như những buôn làng Cơ Tu khác, mái gươl, “mảnh hồn làng” của Aréc được dựng lên còn sớm hơn cả một số nóc nhà trong bản. Hơn 5 năm kể từ khi được dựng lại, gươl Aréc vẫn là niềm tự hào của bản so với những thôn bản khác trong vùng. Không chỉ vì sự kỳ công khi xây dựng, mà còn vì sự đủ đầy của những nong, những nia, những chiếc cồng chiêng, trống và cả một “bộ sưu tập” xương đầu các con thú treo trong gươl. Với Aréc, tài sản ở gươl là tài sản chung của làng. Nhà nào không đóng góp được chiêng ché thì cũng mang đến một nong lớn, nia lớn. Có cả nồi, thau, cả những chiếc tà-léc bé xíu để dùng trong dịp lễ hội, tang chay cưới hỏi... như một “bảo tàng” riêng của làng. Trong số đó, độc đáo nhất vẫn là chiếc trống lớn, gọi là k’thu, do chính dân làng làm từ hơn 30 năm trước, được treo trang trọng trong gươl làng... “Đồ trong gươl đều do dân đóng góp đấy. K’thu thì các làng khác cũng có, nhưng mà tự làm như Aréc thì ít lắm. Chỉ những dịp lễ lớn mới được đem xuống dùng” - già làng Ating Thân nói. Quanh năm, bếp lửa gươl hiếm khi nào tắt, dân làng mang cả những vòng mây chất đầy trên mái như của để dành. Có cả thịt khô, cá khô, “thức quý” để dành tiếp đãi khách phương xa mỗi khi có dịp ghé thăm.

Chiếc trống k’thu hơn 30 năm tuổi ở Aréc.
Chiếc trống k’thu hơn 30 năm tuổi ở Aréc.

Ở Aréc mọi nghi lễ cưới hỏi, tang ma hay lễ mừng lúa mới, lễ cầu mùa đều được thực hiện theo truyền thống. Đến giờ vẫn thế, thanh niên trong thôn cưới hỏi cũng tổ chức tại gươl, cũng đánh chiêng, đánh trống, múa hát suốt đêm như ngày xưa. Nét truyền thống in đậm trong cả những món ăn. Thứ không thể thiếu trên giàn bếp của mỗi nhà là a-zương, tức ngọn mây còn để nguyên những chiếc gai như một cái ngoàm hình răng cưa để chế biến món zơ-rá. Zơ-rá là món ăn truyền thống của người Cơ Tu ngày tết, dịp mừng lúa mới hay các lễ hội. Người Cơ Tu dùng thịt, cá trộn với một số loại lá rừng rồi bỏ vào ống nứa nướng trên bếp lửa, vừa nướng vừa dùng cây a-zương thọc nhuyễn. Chỉ cần thêm muối, tiêu rừng là trở thành đặc sản chiêu đãi khách. Hay như tục kiêng kỵ ăn thịt con cúi lúi, con ốc, con mang trong những dịp tà-moòi, tức đi thăm nhà thông gia... vẫn được người dân trong làng lưu giữ.

Trận mưa rừng xối xả đổ xuống làng. Dưới mái gươl, những già làng vẫn rầm rì câu chuyện bên bếp lửa đỏ hồng về làng, về gươl, về niềm tự hào kho “bảo tàng” của bản.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG