Nhà văn hóa, trung tâm văn hóa cấp huyện, thành phố: Nhận diện thực trạng

NGUYỄN HẢI TRIỀU 24/11/2013 16:32

Trong những năm qua, phòng văn hóa - thông tin (VHTT) và nhà văn hóa, trung tâm văn hóa (TTVH) cấp huyện có sự chồng chéo trong hoạt động nên chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân. Để lĩnh vực này hoạt động cần nhận diện thực trạng và chấn chỉnh lại...
Hoạt động không đều

TTVH huyện và các nhà văn hóa (NVH) xã, phường là một tổ hợp hoạt động sự nghiệp của ngành VHTT. TTVH có thể tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau, nhiều đối tượng khác nhau. Các hoạt động như tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thông tin cổ động, các lớp năng khiếu, hướng nghiệp, các cuộc nói chuyện chuyên đề, thông tin triển lãm, trưng bày... đòi hỏi người tổ chức, thực hiện ở đây phải có chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, góp phần làm cho TTVH xứng với tên gọi là một trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa phong phú và bổ ích. Một số TTVH cấp huyện, thành phố hoạt động khá khởi sắc, nổi trội nhất là Hội An. Vốn là một thành phố du lịch, là di sản văn hóa thế giới, TTVH Hội An thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú để phục vụ nhân dân và khách du lịch. Đội ngũ cán bộ ở đây có trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm, làm việc đều tay, kết quả mọi hoạt động luôn đạt yêu cầu cao. Ngoài Hội An, ta còn biết thêm một số TTVH khác như Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Đại Lộc, Núi Thành… là những đơn vị thành lập lâu năm, có bề dày về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động sự nghiệp văn hóa, nên việc tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân được thường xuyên và hiệu quả.

Trung tâm VHTT tỉnh nhộn nhịp trong hoạt động kỷ niệm 15 năm triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh Quảng Nam (tháng 2-2013).                                                                                                                                                                                                       Ảnh: NG.DŨNG
Trung tâm VHTT tỉnh nhộn nhịp trong hoạt động kỷ niệm 15 năm triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh Quảng Nam (tháng 2-2013). Ảnh: NG.DŨNG

Tuy nhiên, muốn tổ chức tốt các hoạt động của hệ thống TTVH trong thời gian tới, vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn. Thực trạng cho thấy, nhiều TTVH huyện, về mặt cơ sở vật chất dù đã được xây dựng tương đối đầy đủ nhưng thời gian xây dựng đã lâu, từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, một số công trình đã xuống cấp hoặc lạc hậu, không còn phù hợp, nên khi tổ chức những hoạt động chuyên ngành không đạt yêu cầu như mong muốn, từ đó không tạo được sự kích thích, phấn khởi cho những người đến tham dự, tham gia. Một số nơi tổ chức hoạt động chưa nhiều, chưa phong phú. Chỉ xoay quanh các cuộc hội thi, hội diễn “đến hẹn lại lên”. Chưa nghĩ ra được những hình thức mới mẻ như sinh hoạt câu lạc bộ, các lớp năng khiếu thẩm mỹ, nghệ thuật... Thậm chí có những nơi, cơ sở vật chất của các phòng chức năng từ khi làm mới đến khi xuống cấp, hư hao, mà vẫn chưa có được một lớp học năng khiếu nào. Mặc dù trong cộng đồng dân cư có nhu cầu, họ gửi con cái đến học các lớp năng khiếu ở cơ sở tư nhân, còn TTVH thì không tổ chức được. Điều này đòi hỏi ở người quản lý, tổ chức không nên “được chăng hay chớ” mà phải có tâm có tài, kết quả hoạt động của TTVH mới đạt được lợi ích xã hội như mong muốn.

Quản lý, tổ chức chồng chéo…

Ở huyện nọ, khi nghe TTVH phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện tổ chức Liên hoan hát đồng dao, ông Trưởng phòng VHTT gặp Phó Giám đốc TTVH giữa hành lang cơ quan và hỏi: “Ông tổ chức liên hoan đồng dao sao không báo cáo với phòng?”. Phó Giám đốc NVH thản nhiên trả lời: “Rứa thì anh báo công an hay điều đội kiểm tra đến bắt đi!”. Câu chuyện có vẻ khôi hài nhưng cho thấy rằng, nơi nào mà cơ quan quản lý (phòng) và sự nghiệp (TTVH), có hiện tượng “cơm không lành canh không ngọt”, ai cũng cho mình có quyền, có một trời riêng, không cần đến ai thì nơi đó thường trì trệ, hoạt động kém hiệu quả. Ngành văn hóa mấy năm nay cũng có trường hợp “khắc nhập - khắc xuất” nhất là từ khi có Thông tư 01 của Bộ VH-TT&DL về việc ban hành quy chế hoạt động của các cơ quan sự nghiệp… thay cho QĐ số 49/2005 của Bộ VH-TT trước đây. Nhiều nơi trong tỉnh có những TTVH đến nay còn trực thuộc phòng văn hóa nhưng vẫn tổ chức các hoạt động đạt hiệu quả cao; và cũng có những đơn vị dù đã ra quyết định thành lập mới, trực thuộc UBND huyện nhưng hoạt động cũng không có gì mới hơn so với trước. Đã thế lại đẻ ra tình trạng, việc của phòng thì TTVH làm và ngược lại. Việc thường xuyên “nhầm lẫn” dẫn đến tình trạng tranh cãi không đáng có.

Đối với công tác cán bộ trong ngành văn hóa, người làm tổ chức không nên suy nghĩ theo kiểu “đi thi hoa hậu mà phải ưu tiên cộng thêm điểm chính sách”. Đã từ lâu ở nơi này, hoặc nơi khác, không ít trường hợp phân công cán bộ của ngành vẫn còn nhiều bất cập, theo cảm tính. Thấy anh này nói năng như một nhà hùng biện thì cho là có thể làm trưởng phòng VHTT được, anh kia có vẻ khôn ngoan, biết điều trong ứng xử thì làm giám đốc TTVH sẽ hợp hơn; chưa nói những lý do nhạy cảm khác như quen biết, gửi gắm, hay cơ quan khác không làm được việc thì chuyển sang ngành văn hóa…

Công tác tổ chức cán bộ đối với ngành văn hóa nói chung, TTVH nói riêng là vô cùng quan trọng, là cơ quan chuyên môn làm công tác tổ chức các hoạt động nghệ thuật, mà nghệ thuật thì đòi hỏi ở năng khiếu và trình độ quản lý. Bố trí những người phụ trách phòng văn hóa, TTVH phải thật sự am hiểu về văn hóa nghệ thuật, có tâm với nghề, có tầm nhìn về sự nghiệp văn hóa của quần chúng, từ đó thể hiện vai trò chủ đạo, đầu tàu của mình đối với các hoạt động trong TTVH. Có như thế, TTVH mới thực hiện đúng như chức năng của nó là một tổ hợp các hoạt động, đáp ứng các nhu cầu tinh thần của con người trong xu thế xã hội ngày càng phát triển.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

NGUYỄN HẢI TRIỀU