Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11: Di sản tư liệu xứ Quảng

TẤN VỊNH 24/11/2013 13:45

Nhân loại hiện có 3 loại hình di sản văn hóa: di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Di sản tư liệu là những văn bản, hình ảnh, bản vẽ, bản khắc chạm được lưu giữ, thể hiện trên nhiều chất liệu như giấy, lụa, vải, gỗ, đá... Xứ Quảng là vùng đất giàu có về di sản tư liệu, cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Di sản tư liệu lâu đời nhất ở vùng đất Quảng Nam là hệ thống bi ký của người Chăm. Hiện nay, trên dải đất miền Trung từ Ninh Thuận đến Quảng Trị, tổng cộng có gần 130 bi ký. Tại địa bàn Quảng Nam, bi ký của người Chăm chiếm số lượng nhiều nhất. Từ đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã cho biết có 32 bi ký ở khu đền tháp Mỹ Sơn được đánh số ký hiệu để phân loại, sắp xếp phục vụ cho mục đích bảo tồn và nghiên cứu. Đa số các bi ký đều khắc chữ Sanskrit trên chất liệu đá có nội dung ca ngợi tài năng, đức hạnh của nhà vua cũng như liệt kê các lễ vật dâng cúng lên các vị thần, cầu mong cuộc sống bình yên, sung túc. Bên cạnh đó là lời nguyền của vua dành cho những kẻ đến quấy phá, cướp phá nơi đền tháp, thờ phụng tôn nghiêm.

Ảnh 1: Bi ký Chăm ở nhóm tháp G Mỹ Sơn.                  Ảnh: T.VỊNH
 Bi ký Chăm ở nhóm tháp G Mỹ Sơn. Ảnh: T.VỊNH

Ngay cả miền núi cũng có di sản tư liệu về người Chăm. Tại thôn Nal, xã Lăng, trên vách đá bên dòng A Vương còn tồn tại bi ký bằng tiếng Chăm cổ do viên quan 3 Pháp tên là Le Pichon phát hiện vào năm 1936. Do viết bằng tiếng Chăm cổ nên hiện nay nội dung của văn bia này chưa được hiểu một cách đầy đủ, hẳn nó là di sản tư liệu lịch sử quý giá. Phải chăng những thương lái người Chăm xưa khi đến núi rừng ở miền tây Quảng Nam đã để lại bản văn tư liệu bí ẩn trên. Vì nơi đây từ lâu đời đã hình thành các điểm trao đổi và thương lái thuộc nhiều tộc người khác nhau, trong đó có người Chăm Pa.

Trên địa bàn Quảng Nam còn có một lĩnh vực, một kho tàng quý giá trong di sản văn hóa làng Việt Quảng Nam, đó là di sản Hán Nôm. Loại hình di sản này đang được lưu giữ ở các cộng đồng gia tộc, làng xã Quảng Nam. Đó là các gia phả, hương phả, các loại văn khế, thư tịch cổ... Sở VH-TT&DL đang thực hiện đề tài khoa học: “Điều tra, sưu tầm, phiên âm, dịch nghĩa di sản Hán Nôm tại các di tích tỉnh Quảng Nam”. Từ năm 2011 - 2013, những người thực hiện đề tài đã tìm thấy 300 văn bia, 6.000 bức hoành phi, câu đối và 1.200 sắc phong. Tư liệu về làng xã Quảng Nam còn chứa đựng nhiều trong các thư tịch cổ như Ô châu cận lục (Vô danh thị, Dương Văn An nhuận sắc tập thành, 1553 - 1555); Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776), Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức), Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), Đồng Khánh địa dư chí. Trong quá trình nghiên cứu văn hóa làng Việt Quảng Nam, các nhà khoa học Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại Huế đã kế thừa bộ tư liệu đồ sộ, hơn 2.000 trang (bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán và tiếng Pháp) thông qua các cuộc khảo sát quy mô lớn về làng xã Quảng Nam của Hội Folklore Đông Dương, trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp trong những năm 1940 (Thần tích thần sắc Quảng Nam, Xã chí Quảng Nam).

Nét kiến trúc nhà cổ tại Đô thị cổ Hội An.          (Ảnh tư liệu)
Hồ sơ cán bộ đi B, di sản tư liệu quý giá về thời kháng chiến. Ảnh: T.VỊNH

Thời hiện đại, những di sản tư liệu càng trở nên quý giá, trong đó chủ yếu là tư liệu về chiến tranh cách mạng. Đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử địa phương, đưa vào trưng bày ở các nhà truyền thống, bảo tàng. Thấy được tầm quan trọng của nguồn tư liệu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị 54/CT-TU ngày 20.5.2009, chỉ đạo các ngành, địa phương sưu tầm, lưu trữ, phổ biến tư liệu này để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhật ký, hồi ký, ghi chép của cán bộ, chiến sĩ trong thời chiến chứa đựng những thông tin hết sức quý giá. Những cán bộ của Ban Cán sự miền Tây như Quách Xân, Quách Yêm... đều có sổ tay ghi chép, nhật ký, hồi ký được lưu giữ tại Ban Dân tộc tỉnh...

nh 3:  Hồ sơ cán bộ đi B, di sản tư liệu quý giá về thời kháng chiến.                                                                                 Ảnh: T.VỊNH
Nét kiến trúc nhà cổ tại Đô thị cổ Hội An. (Ảnh tư liệu)

Di sản ảnh xứ Quảng cũng là loại hình di sản tư liệu khá phong phú. Nhà nhiếp ảnh lão thành Vĩnh Tân sở hữu bộ ảnh quý giá về Hội An xa xưa mà bất cứ nhà nghiên cứu, sưu tầm về Hội An nào cũng cần phải tra cứu, tham khảo để có cái nhìn so sánh về Hội An xưa và nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà báo Thanh Tú, Xuân Quang cũng đã xông xáo nhiều nơi để ghi lại hàng trăm tác phẩm nhiếp ảnh nóng hổi, phản ánh phần nào cuộc đấu tranh của người dân xứ Quảng được in trên các sách, báo, lưu trữ, trưng bày tại các nhà truyền thống, Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5...

Di sản tư liệu là “chất liệu” không thể thiếu để nghiên cứu về di sản vật thể và phi vật thể, tìm hiểu về vùng đất, con người ở từng địa phương. Xứ Quảng là nơi giàu có về di sản, trong đó bao gồm cả di sản tư liệu. Do đó, cần khẩn trương sưu tầm, nghiên cứu và có hướng bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản quý giá này.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH