Đam mê và mong đợi...
Nhiều cây bút trẻ xuất hiện trên văn đàn tỉnh trong thời gian gần đây, hầu hết đã hoặc đang là sinh viên của trường Đại học Quảng Nam. Họ đam mê văn chương và mong đợi nhà trường tạo một “sân chơi” để họ có điều kiện sáng tạo nên những tác phẩm thơ văn...
Niềm đam mê lặng lẽ
Thời gian gần đây, trên báo Quảng Nam và tạp chí Đất Quảng, Văn nghệ Tam Kỳ... xuất hiện nhiều cây bút trẻ với sáng tác thơ văn được những người yêu thích văn chương quan tâm. Hầu hết “gương mặt mới” là các bạn sinh viên khoa văn của trường Đại học Đà Nẵng, Đại học Quảng Nam... đang “tập tành” sáng tác. Trong thời buổi “chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương con cá lẹp” mà các bạn trẻ vẫn đam mê thơ phú quả là một tín hiệu đáng mừng cho “một vùng văn học” Quảng Nam. Trò chuyện với các bạn sinh viên trường Đại học Quảng Nam, chúng tôi được các bạn giãi bày về niềm đam mê văn học cũng như những ấp ủ sáng tác... Một số gương mặt đã có những sáng tác “trình làng” được bạn bè quen tên biết tiếng như Nguyễn Thành Giang, Alăng Văn Gáo, Nguyễn Thị Cẩm Giang, Võ Thị Như Trang, Nguyễn Thị Đương, Nguyễn Tường Quân…. Trong đó, có một tác giả đã “bung ra” khỏi phạm vi tỉnh, đăng những sáng tác của mình trên các báo, tạp chí Trung ương. Các bạn gửi bài cộng tác và được đăng tải nên mạnh dạn viết để thể hiện năng khiếu của mình. Dù là những tác phẩm đầu tay nhưng nó cũng đã phản ánh được cái nhìn của lớp trẻ đối với đời sống xã hội hiện nay. Bên cạnh những “hạt gạo trên sàng” đó, vẫn còn có một số bạn e dè, chưa dám chia sẻ niềm đam mê của mình.
Theo Đỗ Duy Hoàng sinh viên Khoa Văn K10 trường Đại học Quảng Nam, rất nhiều bạn học khoa văn của trường tập tành viết lách, có người còn tự photo đóng thành tập rồi chuyền cho những bạn có cùng niềm đam mê để đọc và góp ý nhằm giúp tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn không dám cho ai xem những sáng tác của mình vì ngại “những cái mình viết ra” chưa phải là một bài thơ, một truyện ngắn, một đoản văn... nên dễ trở thành “đối tượng” để các bạn chê cười là “nhà thơ hâm hấp”, “nhà văn chập mạch”, “người ở trên mây”, “kẻ mơ mộng hão huyền”... “Tại sao các bạn không mạnh dạn gửi những sáng tác của mình đến các tòa soạn báo hay tạp chí? Ở đó có biên tập viên văn nghệ thẩm định tác phẩm của các bạn một cách khách quan, trung thực?” - chúng tôi hỏi. Sau một lúc im lặng như đắn đo cân nhắc, rồi các bạn trả lời: “Cũng có một số bạn gửi tác phẩm của mình đến tòa soạn các báo, tạp chí... nhưng tất cả đều rơi vào “sự im lặng đáng sợ” nên ngại, không dám gửi nữa! Tâm lý tự ti, mặc cảm đã làm cho nhiều bạn đâm ra “chán chữ nghĩa”, không tiếp tục sáng tác, niềm đam mê vơi cạn dần và rồi thui chột năng khiếu văn chương...”. Đó là nguyên do khiến cho không ít bản thảo thơ, truyện ngắn của các bạn sinh viên Khoa Văn trường Đại học Quảng Nam rơi rớt ngay sau khi sáng tác xong...
“Hội chợ sách” của sinh viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: P.C.A |
Cần một môi trường
Trường Đại học Quảng Nam được biết đến với nhiều thành tích trong giảng dạy và hoạt động văn học. Riêng Khoa Văn của trường có 8 lớp với gần 500 sinh viên. Và điều đặc biệt là nhà trường có nhiều thầy cô tham gia hoạt động sáng tác, có cả chục cán bộ, giảng viên, nhân viên... là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Nam, Hội VHNT TP.Tam Kỳ. Đơn cử như Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Huỳnh Thị Thu Hậu... Thời gian qua, nhà trường cũng đã phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức giao lưu, tặng sách và giới thiệu tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh. Bên cạnh đó, nhà trường còn liên kết với các địa phương, đơn vị... cho sinh viên tham gia các đợt đi thực tế sáng tác; phát động sinh viên tham gia sáng tác nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam... Những hoạt động như vậy, không những tạo môi trường thuận lợi, mà còn khuyến khích các bạn sinh viên, nhất là sinh viên khoa văn nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương và thể hiện niềm đam mê đó bằng những sáng tác thơ, truyện ngắn, tản văn... Một số cây bút trẻ là sinh viên của trường Đại học Quảng Nam xuất hiện trên các báo, tạp chí địa phương trong thời gian gần là “kết quả” của những hoạt động thiết thực và bổ ích đó.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận là những hoạt động do trường Đại học Quảng Nam phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức chưa được thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu của hoạt động văn học trong nhà trường. Và nữa, nhà trường vẫn chưa hình thành một câu lạc bộ văn học để cán bộ, giảng viên của trường là hội viên Hội VHNT tỉnh làm nơi tập hợp sinh viên khoa văn và sinh viên các khoa khác yêu thích văn chương cùng sinh hoạt, trao đổi những kinh nghiệm sáng tác. Việc phối hợp với Hội VHNT tỉnh cũng còn “lỏng lẽo” sinh viên khoa văn chưa có môi trường giao lưu chia sẻ với các nhà văn, nhà thơ hiện đang sống và làm việc ở các địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, các bạn sinh viên Khoa Văn trường Đại học Quảng Nam mong muốn nhà trường quan tâm hơn nữa đến việc sáng tác của sinh viên. Cụ thể, sớm thành lập câu lạc bộ văn học để các bạn có điều kiện sinh hoạt, chia sẻ những sáng tác của mình với các bạn có chung niềm đam mê; phối hợp với Hội VHNT Quảng Nam và Hội VHNT TP.Tam Kỳ tổ chức các buổi giao lưu định kỳ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác thơ văn với các nhà văn, nhà thơ...
THIÊN ÂN