"Thầy dùi" vả luật bất thành văn
1. Văn nghệ sĩ khai thác hiện thực đời sống xã hội để sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật. Những tác phẩm tô hồng cuộc sống, phù hợp với suy nghĩ của những kẻ duy ý chí, được xếp vào loại “văn chương phải đạo”. Tất nhiên, tác giả của những tác phẩm đó, được những người có chức có quyền ngợi khen. Và tất nhiên, các vị “thầy dùi” ở trong ngành trong nghề không bỏ lỡ cơ hội lấy lòng lãnh đạo bằng cách tâng bốc tác giả và tác phẩm lên tận mây xanh. Ngược lại, những tác phẩm phản ánh đúng thực trạng xã hội, dám nói thẳng nói thật, làm mếch lòng ông nọ bà kia… lập tức bị quy chụp “có vấn đề”! Tác phẩm bị phê phán. Tác giả bị lên án. Và điều trớ trêu, tất cả chỉ là lệnh miệng - luật bất thành văn, nhưng lại có hiệu lực tức thời!
Hà Nội trong mắt ai - tên bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy, là một ví dụ điển hình. Phim vừa ra mắt khán giả đã có lời ra tiếng vào. Không ít kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” cảm thấy “nhột”. Các vị “thầy dùi” nhìn trời đoán mưa đã “thừa gió bẻ măng”, nhân đấy hùa vào “dùi”. Hà Nội trong mắt ai bị cấm chiếu. Chuyện đến tai Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông yêu cầu Hãng phim Tài liệu Trung ương chiếu bộ phim bị quy chụp “có vấn đề” cho ông xem. Lãnh đạo hãng phim trì hoãn mãi. Cuối cùng, sau ba tháng cũng phải mang phim đến chiếu cho ông xem. Coi xong, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thấy có vấn đề gì cả! Ông bức xúc hỏi lãnh đạo Hãng phim Tài liệu Trung ương: “Ai cho phép các anh tự cho mình cái quyền là người phán xử cuối cùng?”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trầm ngâm một hồi lâu rồi nói: “Nếu đã là anh em văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ nhau. Các anh mà không bênh vực nhau thì còn ai bênh vực các anh?”. Sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo: “Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt”. Hà Nội trong mắt ai được chiếu rộng rãi khắp trong Nam ngoài Bắc. Sau khi tung hoành chừng vài ba tháng rồi Hà Nội trong mắt ai lại đột ngột biến khỏi màn ảnh. Khi ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư, bộ phim tài liệu này mới không bị cấm đoán nữa(1).
2. Đã qua rồi cái thời bao cấp. Đất nước mở cửa, đổi mới. Văn nghệ sĩ được “cởi trói”, người cầm bút được tự do “viết cái điều mình nghĩ” mà không phải nơm nớp lo sợ bị quy chụp nọ kia… Văn chương lại được mùa khởi sắc. Hàng loạt tác phẩm văn học được xuất bản và gây tiếng vang trên văn đàn cũng như trong dư luận xã hội: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giá thú (Ma Văn Kháng), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), v.v. Nhiều truyện ngắn viết về thân phận con người trong thời chiến và trong thời bình của Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Bản, Nguyễn Dậu, Vũ Bão, Bão Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Tạ Duy Anh… đã góp phần làm nên diện mạo của thể loại văn xuôi này trong thời kỳ đầu đổi mới. Thế kỷ XX khép lại. Thế kỷ XXI mở ra. Và chẳng thể ngờ các vị “thầy dùi” và luật bất thành văn vẫn còn tồn tại ở nơi này nơi khác. Bằng chứng là tiểu thuyết Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường) vừa xuất bản đã bị các vị “thầy dùi” xúm lại “dùi” khiến tác giả phải lao đao lận đận một thời gian(2).
Ở Quảng Nam, cho đến bây giờ, các cơ quan chức năng và các vị lãnh đạo cao nhất tại địa phương rất quý trọng văn nghệ sĩ, vẫn rất thoáng khi nhìn nhận đánh giá tác phẩm văn học nghệ thuật do anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà sáng tạo. Dẫu vậy, các vị “thầy dùi” và luật bất thành văn thi thoảng vẫn xuất hiện. Truyện ngắn Ma và người (Nguyễn Tam Mỹ) đăng trên tạp chí Non Nước, lập tức bị các vị “thầy dùi” săm soi. Lúc bấy giờ ông Lê Hoàng Linh làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đứng ra “bảo vệ lính của mình”, suýt chút nữa bị điều chuyển đi nơi khác! Gần 10 năm sau, Nguyễn Tam Mỹ lại cho in tiểu thuyết Sấp ngửa bàn tay, Bùi Công Dụng xuất bản tiểu thuyết Quyền lực. Và lần này, các vị “thầy dùi” cũng không bỏ lỡ cơ hội… “dùi”! Tác giả bị quy chụp “chiếc mũ” quan điểm lập trường, bị gán cho “cái tội” nói xấu một số cán bộ đảng viên có chức có quyền(!?). Các vị “thầy dùi” cao giọng phê phán nhưng quên mất rằng, trên đất nước ta vẫn có cán bộ đảng viên làm chủ tịch một tỉnh nọ vẫn mò đi chơi gái nên phải nếm mùi lao lý. Các vị lãnh đạo cao nhất ở Quảng Nam luôn công tâm và khách quan khi nhìn nhận, đánh giá tác phẩm văn học do anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà sáng tạo ra. Vì vậy, các vị “thầy dùi” “dùi” không xong, đâm ra thất nghiệp dài dài.
3. Có người hỏi: “Các vị “thầy dùi” là những ai?”. Theo nhà văn Hà Văn Thùy, các vị “thầy dùi” là những kẻ hiểu biết lỗ mỗ về lĩnh vực văn học nghệ thuật và những kẻ cơ hội ở trong ngành trong nghề với nhau. Những kẻ hiểu biết lỗ mỗ... do duy ý chí, có suy nghĩ rập khuôn theo kiểu “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Trăng ở nước Mỹ không tròn bằng ở nước Nga” nên “dị ứng” với những vấn đề thuộc về “mặt trái xã hội” bị phơi bày trên giấy trắng mực đen. Những kẻ cơ hội... lại khác, họ lợi dụng những tác phẩm văn học nghệ thuật dám “nói thẳng nói thật” để làm phương tiện tiến thân! Vì thế, hễ thấy tác phẩm văn học nghệ thuật nào được dư luận đặc biệt quan tâm là họ cho là “có vấn đề” và nhỏ to ton hót với những người có chức có quyền để mưu cầu lợi ích riêng. Rất khó điểm mặt chỉ tên họ. Bởi họ luôn thay hình đổi dạng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để trục lợi. Nhà văn Hà Văn Thùy gọi họ - các vị “thầy dùi” là những con cá sọc dưa, biết thay đổi màu sắc để thích nghi với môi trường. Còn luật bất thành văn? Đó là thứ luật không chính thức nhưng lại có hiệu lực tức thời! Nó được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Có khi chỉ là một lá thư tay. Có khi chỉ là một cái lệnh miệng. Cũng có khi chỉ là một câu nói ám chỉ của người có quyền uy tại một hội nghị nào đấy… Các vị “thầy dùi” vốn nhạy cảm, nghe phán vu vơ liền chộp lấy cơ hội “dùi” và những người cấp dưới vội “gật đầu”, tự động thực thi luật bất thành văn…
Quyền dân chủ ngày càng được rộng mở, xã hội ngày càng công bằng, văn minh. Nhất định các vị “thầy dùi” và luật bất thành văn sẽ không còn đất sống.
NGUYỄN TAM MỸ
(1) Theo “Chuyện nghề của Thủy”, NXB Hội Nhà văn - 2013.
(2) Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, tiểu thuyết “Thời của thánh thần” chỉ bị phạt 5 triệu đồng vì phát hành trước khi hết thời hạn nộp lưu chiểu.