"Sách trắng của Giàng..."

XUÂN LAN 27/10/2013 10:00

“Giã biệt hoang vu” là tập ký sự của nhà báo Nguyễn Hàng Tình viết về Tây Nguyên đăng trên các báo Lâm Đồng, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động... trong 15 năm (1998 – 2013) qua, vừa được NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book liên kết ấn hành. Tập  ký sự gồm 3 phần “Những mảnh hồn của núi”, “Lưu lạc” và “Trần trụi thở” với 38 bài và  gần 400 trang sách, đi thẳng vào những vấn đề thời sự gai góc nhất  nhưng câu văn lại mượt mà “như uống được những ngụm tình cao nguyên sâu nặng”.

Mùa mưa năm 1998, tác giả lặn lội vào rừng sâu tìm nhóm người Raglai ở Yahoa M’Nhong thiếu sức sống vì trai gái trong làng luẩn quẩn lấy nhau, không hề nghĩ đến chuyện huyết thống để viết ký sự “Yahoa M’Nhong ở... đâu”. Cuối năm 2010, con tê giác cuối cùng bị bắn hạ, WWF công bố: “Tê giác chính  thức tuyệt chủng ở Việt Nam”. Anh vào rừng Cát Lộc gặp Điểu K’Giang để lần theo bước chân tê giác. Kết quả chuyến đi là ký sự “Rời rừng đi, K’Giang ơi!”. Rừng thông đỏ nguyên sinh hiếm hoi ở sườn đông Núi Voi là kho dược liệu để chiết xuất chất taxon chữa trị ung thư bị lâm tặc cày nát (Thiên hạ cày nát kho thuốc xanh...), các dòng sông, dòng thác bị bức tử bởi những người làm thủy điện (Đi tìm thác đổ), cây cầu Dran 100 năm tuổi trên tuyến đường sắt nối liền Tháp Chàm - Đà Lạt... bị phá bỏ... đều được tác giả phản ánh qua những bài viết với những nghĩ suy trăn trở đầy ám ảnh.

Có thể nói “Giã biệt hoang vu” của Nguyễn Hàng Tình là tiếng cồng chiêng giã biệt núi rừng hoang sơ đang dần mai một. Tây Nguyên thời nào người Pháp gọi là  “Miền đất huyền ảo” đã lùi xa... Đời sống cây công nghiệp, cà phê, cao su, hồ tiêu... với nền nông nghiệp hàng hóa đã thế chỗ cho nương cao lúa cạn của đồng bào bản địa. Thế nhưng, chính sự có mặt của 40 dân tộc anh em trên đất Tây Nguyên đã tạo sự đa dạng về văn hóa, tạo nên một Tây Nguyên mới, hấp lực mới, sinh động với nhiều cơ hội phát triển... Đọc “Trên thảo nguyên M’Drak” độc giả cảm nhận cuộc sống phóng khoáng, yêu tự do như những  người chăn bò đến từ mọi miền, gắn bó với 200.000ha đồng cỏ nơi đây. “Hành giả phiêu bạt” là tâm sự của một nhà doanh nhân tu hành hiện có trong vườn 50 vạn chậu địa lan và hàng nghìn cây giống sâm Ngọc Linh  “cấp không” cho Đà Lạt, và các tỉnh bạn trồng trị bệnh, cứu người.

Viết lời giới thiệu “Giã biệt hoang vu”, nhà báo Huỳnh Sơn Phước nhận xét: “Đây như một cuốn sách trắng của Giàng, một giao ước chung thân của tác giả với rừng núi...”. Vì thế, tập ký sự “Giã biệt hoang vu” của nhà báo Nguyễn Hàng Tình được trao giải Phát hiện mới - Giải thưởng Sách hay 2013.

XUÂN LAN

XUÂN LAN