Ứng xử với nhà cổ - Bài 1: Dấu vết trăm năm
Những ngôi nhà cổ còn tồn tại trên mảnh đất Quảng Nam đều mang trong mình những giá trị đặc sắc và cũng đang đối diện với rất nhiều nguy cơ xuống cấp, mai một. Các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và cả những người yêu nhà cổ đang tích cực vào cuộc, nhằm tìm kiếm và thực thi các giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị ngàn đời này.
Những ngôi nhà có tuổi trăm năm ở phố cổ Hội An bên dòng sông Hoài. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
BÀI 1: DẤU VẾT TRĂM NĂM
Từ Tiên Phước, Phú Ninh, hay xuôi về Điện Bàn, Hội An..., mảnh đất nào ở xứ Quảng cũng có những căn nhà hàng trăm tuổi. Nó vẫn nguyên đó như dấu tích của thuở lập làng, mang trong mình cả những chặng đường phát triển khác nhau của một gia tộc, một xứ sở…
Đặc trưng nhà Quảng
Ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc sắc nhất miền Trung Hiện nay, trong “Không gian nhà Việt” (được xem như một bảo tàng nhà cổ ở miền Trung) của Công ty CP Nhà Việt Nam (Điện Bàn) có ngôi nhà được xem lớn nhất hiện nay với 108 cột và có kiến trúc đặc sắc nhất miền Trung. Ông Lê Văn Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà Việt Nam cho biết, ngôi nhà này vốn của cụ Trần Thị Thao (ở Đại Nghĩa, Đại Lộc) dựng theo kiến trúc 7 gian 2 chái, với 76 cột trong nhà, 32 cột đỡ mái che quanh nhà làm bằng đá sa thạch chỉ có ở Quảng Nam. “Ngôi nhà này có niên đại hơn 200 năm. Điều đặc biệt, cột đỡ đều hình vuông chứ không phải hình tròn như thường thấy. Để dựng ngôi nhà này, chủ nhân của nó đã phải mất 9 năm chuẩn bị vật liệu và 6 năm thi công mới hoàn thành” - ông Vĩnh nói. |
Chưa tính đến 1.300 di tích nhà cổ tại Hội An, theo khảo sát thống kê chưa đầy đủ, Quảng Nam hiện có hơn 250 nhà cổ dân gian đang tồn tại ở khắp các địa phương, trong đó có 10% được công nhận di tích cấp tỉnh. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, qua khảo sát, nhà cổ tại Quảng Nam phân bố rải rác ở các địa phương, tuy nhiên tập trung nhiều nhất vẫn là những nơi có các phường thợ mộc lành nghề như Hội An, Điện Bàn, Tiên Phước, Phú Ninh, Đại Lộc. Theo kỷ yếu “Nhà ở cổ truyền của người Việt tại Quảng Nam”, trong kho tàng di sản văn hóa nói chung, di sản kiến trúc nói riêng, loại hình nhà ở luôn chiếm vị trí chủ đạo, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của một cộng đồng. Qua những ngôi nhà cổ còn tồn tại ở các vùng miền đất Quảng, ngoài chức năng một nơi cư trú, ngôi nhà là nơi thờ tự tổ tiên và là một không gian sáng tạo, lưu giữ, thưởng thức những giá trị văn hóa của một gia đình qua bao thế hệ.
Nhà cổ Quảng Nam thường có đặc điểm chung là xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, cũng có một vài loại nhà 1 gian 2 chái, 5 gian 2 chái, 3 gian không chái… Nhà chịu lực trên bộ khung gỗ, tải trọng của mái xuống bộ vì kèo, cột, khung gỗ được giằng lại bởi hệ trính, xuyên, xà. Những ngôi nhà cổ này thường tọa lạc trong những khu vườn rộng, người địa phương thường hay gọi là nhà vườn. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có nhiều nghiên cứu về nhà cổ, cho biết, những nhà rường - nhà vườn ở Quảng Nam thường có mối tương quan giữa không gian ngôi nhà chính với các không gian liền kề. Có thể chia mặt bằng nhà thành 3 không gian chính: không gian thiêng, gian thờ; không gian ở, chủ yếu dành cho đàn ông, được bố trí 2 bên chái; không gian giao tiếp, thường ở phía trước các gian thờ. Ngoài ra còn có không gian chuyển tiếp, thường được gọi là hiên nhà, kiến trúc của không gian này thường được trang trí cầu kỳ và cẩn thận, thể hiện rõ ở các kèo hiên, các ô trang trí trên cửa các đầu kèo… Không thể tách rời với hệ thống vì kèo là mái ngói âm dương, ngói cong hình máng, một hàng lợp úp xen với một hàng lợp ngửa tạo thành những đường kẻ dọc theo chiều ngiêng của mái. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, mái nhà cổ truyền thống Quảng Nam thường có hình thức mái nửa chỏm (mái có đầu hồi bị chấm dứt đột ngột ở nửa chiều cao sau mái, sau đó mái lấy lại độ dốc), riêng ở Hội An do ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa nên mái nhà thường là mái đầu hồi.
Ở làng Lộc Yên, Tiên Phước, nhiều nhà cổ vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn dù trải qua thăng trầm thời gian. Ảnh: SONG ANH |
Dấu xưa
Những người trong tộc Nguyễn làng Lộc Yên kể lại, tương tuyền cụ cố Nguyễn Đình Hoằng có 5 người con, 3 trai 2 gái. Cụ cho mời phường thợ mộc Văn Hà (Tam Thành, Phú Ninh) về dựng 5 ngôi nhà bằng gỗ mít trên 5 quả đồi cho các con. Vì ông nội cụ Nguyễn Huỳnh Anh là con cả nên được dựng ngôi nhà rường to và kết cấu phức tạp hơn, làm nơi thờ tự của tộc họ. Ngôi nhà được dựng hoàn toàn bằng gỗ mít với 8 cây cột nhứt, 16 cây cột nhì, 12 cây cột chái và hiên; vì kèo, xuyên, trính, đầu hồi... chạm trổ rất công phu... Ông Nguyễn Đình Hoan - con trai cụ Nguyễn Huỳnh Anh cho hay, có nghe cha kể lại rằng: Năm 1939, Ngô Đình Diệm lúc đó là Thượng thư, vào Quảng Nam thăm anh trai là Tổng đốc Ngô Đình Khôi. Nghe tiếng ngôi nhà cổ độc đáo này đã tìm đến thương lượng để mua lại với giá rất cao nhưng bị ông dứt khoát từ chối. Đến năm 1960, khi đã làm Tổng thống, Ngô Đình Diệm một lần nữa nhờ người mối lái để mua lại, kể cả hăm dọa, nhưng cũng một lần nữa bị từ chối thẳng thừng. |
Về Tiên Phước, thăm làng cổ Lộc Yên, băng qua cánh đồng Vũng Trâu, chúng tôi tìm đến ngôi nhà đã có hơn 160 năm tuổi. Trong không gian của màu xanh cây lá và rêu phong lối đá, ngôi nhà cổ 3 gian 2 chái của cụ Nguyễn Huỳnh Anh hiện ra ở lưng chừng đồi, hướng xuống thung lũng. Hơn 70 bậc đá xanh, rêu phủ quanh lối chân. Ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước) cho biết, ở Tiên Cảnh hiện còn 20 ngôi nhà cổ được gìn giữ khá nguyên vẹn. Riêng Lộc Yên (thôn 4) có 11 nhà, trong đó có 3 ngôi nhà trên trăm tuổi của các ông Nguyễn Huỳnh Anh, Đồng Viết Mão và Nguyễn Đình Mẫn. Cũng giống như những ngôi nhà dưới đồng bằng, người làng Lộc Yên khi dựng nhà cũng sắp đặt, đào đất để tạo ra một mặt bằng dựng nhà chính và nhà ngang, một nhà cầu liên thông với hai nhà trên. Các ngôi nhà cổ ở đây thường kết cấu kèo đỡ đòn tay ba đoạn kèo, nối các dãy cột theo hàng ngang. Trên lòng trính đỡ một trỏng quả bụng kèo lòng nhất, một trụ ngắn có hình quả bí đỡ đúng vị trí giao nguyên, cuối cùng quả bí được kê trên một đế nữa gọi là đế tôm (có hình thức như chân đế kê các tấm phản ngựa để các cụ ngày xưa nằm nghỉ)…
Tìm hiểu về nhà cổ, khi đến Hội An, không thể không tìm đến 2 ngôi nhà cổ Tấn Ký (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1985) và Phùng Hưng (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1992). Đây là hai di tích đặc sắc trong số hơn 1.300 di tích nhà cổ góp phần làm nên một bản sắc Hội An trong lòng người khắp nơi. Rất nhiều báo chí nước ngoài cũng như du khách nói rằng, điều họ nhớ tới Hội An đầu tiên chính là những ngôi nhà cổ với kiến trúc hình ống, đôi mắt cửa gắn trước mỗi ngôi nhà và những “giếng trời”, tạo nên sự nét khác biệt của nhà cổ ở Hội An với các vùng miền khác của Quảng Nam. Điều độc đáo của ngôi nhà cổ có hơn 200 năm tuổi Tấn Ký (số 10 Nguyễn Thái Học) là vừa mang nét kiến trúc Nhật thể hiện ở chi tiết chồng rường giả thủ, vừa có kiến trúc Trung Hoa đan xen với hình ảnh thanh kiếm vắt chéo cùng giải lụa, và đương nhiên không thể thiếu kiến trúc Việt qua những đường nét thể hiện trên tầng hai và mái âm dương. Khác với cấu trúc hình ống thông 2 mặt tiền của nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước.
Với những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc cũng như văn hóa lịch sử, mỗi ngôi nhà cổ ở các vùng miền đất Quảng xứng đáng là một “chứng nhân” tiêu biểu trong hành trình lưu giữ văn hóa, nếp sinh hoạt truyền thống đang rất cần được gìn giữ.
-----------------------
Bài 2: Nguy cơ biến dạng
Nhiều nhà cổ đang đứng trước nguy cơ xuống cấp, biến dạng do thiếu vốn trùng tu, bị tận dụng để làm kinh tế hay nhu cầu chổ ở...
SONG ANH