Giữ nghề truyền thống

LÊ QUÂN 21/10/2013 08:43

Họ là những người phụ nữ hằng ngày vẫn tỉ mẩn với công việc của mình, tạo ra sản phẩm độc đáo mang đậm hồn xứ sở, giữ nghề truyền thống của cha ông.

Mẹt tò he của làng gốm Thanh Hà tại phố cổ.
Mẹt tò he của làng gốm Thanh Hà tại phố cổ.

Giữ hồn gốm

Làng gốm Thanh Hà (Hội An), những cụ bà vẫn ngày ngày miệt mài bên chiếc bàn xoay. Trầu nhai bỏm bẻm, các cụ vừa làm vừa trò chuyện, mặc cho thế sự đã có thời khiến làng gốm rơi vào quên lãng. Nhiều người ở làng gốm, kể cả người sống dọc triền sông Thu Bồn, vẫn còn giữ ký ức về những chiếc ghe chở đồ gốm ngược xuôi, từ nồi đất, bếp lò cho đến những thứ đồ chơi nhỏ xinh. Nhắc đến để nhớ về một thời rất hưng thịnh của gốm Thanh Hà. Cụ Nguyễn Thị Được (90 tuổi) vẫn còn khắc khoải về cái thời “nhà nhà ở Thanh Hà” làm gốm: “Ngày xưa, ở Thanh Hà, già trẻ trai gái hằng ngày mở mắt ra là vọc đất sét, nắn rồi xoay, nung... Giờ Thanh Hà khách tây, khách ta đến thăm nhiều, nhưng sản xuất lại không nhiều như trước”. Gốm Thanh Hà thịnh suy theo từng giai đoạn lịch sử, nhưng những người phụ nữ như cụ Được vẫn chẳng thể nào rời bàn gốm, bởi đây không còn đơn thuần là nghề nữa, nó đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành một thứ nghiệp rất đỗi thiêng liêng.

Có những người già rời làng gốm vào phố, ngày ngày vẫn ngồi bên mẹt tò he, bàn tay nâng niu những con thú ngộ nghĩnh thu hút trẻ con. Họ chính là những người phụ nữ Thanh Hà khéo léo thưở nào, giờ đồ gốm không còn thịnh, họ quay ra tìm kế sinh nhai khác cho mình, nhưng vẫn liên quan đến nghề gốm. Gốm Thanh Hà hiện nay đã đa dạng hơn về mặt mẫu mã, người dân cũng đã biết thế nào là nhu cầu thị trường, phục vụ du lịch. Trong sâu thẳm suy tư của những người gắn bó lâu năm với nghề, “cải tiến, biến đổi ra sao cũng được, miễn rằng có người còn nhớ đến làng gốm” như lời cụ Lê Thị Chiến (90 tuổi) người đã sống và gắn bó với nghề của làng từ thuở bé.

Để giữ một làng nghề có tuổi đời hơn 500 năm, dù cho ra đời bao nhiêu mẻ gốm nghệ thuật mới mẻ, người Thanh Hà vẫn làm ra những sản phẩm gốm truyền thống. Tượng ông táo đất của cụ Nguyễn Thị Lan là một trong những sản phẩm chỉ có ở Thanh Hà. Ở tuổi 93, cụ Lan là người già cuối cùng của làng gốm còn giữ lò nung cho sản phẩm ông táo đất đặc trưng này. Cái khuôn nặn ông táo đã đi cùng cụ qua bao bậc thăng trầm của đời người, đời nghề. Chân không còn vững, tai không còn rõ, nhưng cứ đến đầu tháng Chạp, cụ lại giục người nhà dọn dẹp vuông sân, để cụ làm tượng. Chị Trần Thị Hồng, gần 50 tuổi, cũng là một phụ nữ của làng Thanh Hà cùng cụ Lan “giữ hồn quê hương” từ những khuôn đất tượng ông táo này. Một cái Tết cổ truyền của người Việt, sẽ thiếu vắng biết bao nếu không có tượng ông táo đất.

Thắm màu thổ cẩm

Ở làng Đhờ Rôồng (xã Tà Lu, Đông Giang), cụ Bríu Lờ là người phụ nữ cao tuổi nhất và là người truyền nghề cho các thế hệ phụ nữ Cơ Tu về phương pháp dệt thổ cẩm truyền thống tại đây. Mới đây, làng dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng đã được tổ chức ILO đầu tư để thành lập một làng nghề dệt truyền thống, vừa giữ nghề, vừa phục vụ du lịch nhằm cải thiện đời sống. Khái niệm về giữ nghề truyền thống, với người Cơ Tu còn lắm xa xôi. Nhưng trong bản chất tự nhiên của con người nơi đây, người già đã biết dạy lớp trẻ cách thức làm nên tấm thổ cẩm ngay trước khi là một phụ nữ trưởng thành.

Phụ nữ làng Zara giới thiệu nghề dệt thổ cẩm tại lễ hội văn hóa Việt - Nhật. Ảnh: L.QUÂN
Phụ nữ làng Zara giới thiệu nghề dệt thổ cẩm tại lễ hội văn hóa Việt - Nhật. Ảnh: L.QUÂN

Còn tại Nam Giang, có làng dệt Zara (xã Tà Bhing) nổi tiếng với những sản phẩm thổ cẩm tra cườm đã có tự bao đời. Các mẹ Zơrâm Mê, Alăng Thum dù tuổi đã cao, vẫn ngày ngày truyền lại cho phụ nữ trong làng cách làm nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình. Để hoàn thành một sản phẩm, phụ nữ Cơ Tu phải mất hàng tuần, thậm chí đối với những sản phẩm tinh xảo phải mất hơn một tháng. Muốn tạo một hoa văn cườm, người thợ dệt phải cắt bớt sợi ngang rồi chèn các hạt cườm vào, tùy theo trí tưởng tượng, số hạt càng nhiều, hoa văn dệt càng khó. Hoa văn cầu kỳ thể hiện sự tinh xảo của đôi tay người thợ dệt.

Có một phụ nữ Cơ Tu đã có công mang thổ cẩm Zara giới thiệu khắp nơi, đến với từng hội chợ, khu triển lãm. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Lan - Tổ trưởng của tổ dệt gồm 39 chị em của làng Zara. Ngay ở Lễ hội Văn hóa Việt - Nhật diễn ra tại Hội An vào tháng 8 vừa qua, sản phẩm dệt thổ cẩm Zara cũng đã có mặt trong một gian trưng bày. Chị Lan cho biết, tổ dệt của làng đã cho ra đời hơn 30 mẫu mã sản phẩm các loại, tạo thu nhập khá ổn định cho phụ nữ trong tổ. Người phụ nữ Cơ Tu này vẫn đang ngày ngày tất bật với công việc của mình, chỉ với một mục tiêu, đưa thổ cẩm Cơ tu - thổ cẩm Zara đến gần hơn với mọi người.

Cũng như những cụ bà ở làng gốm Thanh Hà, những phụ nữ Cơ Tu với nghề dệt truyền thống là những nét chấm phá êm đềm trong một bức tranh cuộc sống đầy sôi động. Có họ, đời sống đẹp thêm!

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN