Cảm nhận “Nơi ấy, Tôi gởi lại một tình yêu”

PHẠM MÔN SINH 12/10/2013 13:34

“Nơi ấy, Tôi gởi lại một tình yêu” là nhan đề tập truyện ngắn của Huỳnh Viết Tư vừa được NXB Đà Nẵng ấn hành. Mỗi truyện là một dòng chảy lan tỏa, khởi từ cuộc nô đùa trẻ thơ, rồi chuyển qua sự trầm tư, trăn trở về tình đời, tình người. Nghiệp văn được nhắc đến sau cùng, nhưng là “ấn chứng” cho cái khuynh hướng san sẻ “nguồn tiềm ẩn Đông phương”.

Trong tình yêu hàm chứa sức hút, duyên nợ, tự do hiến dâng trao tặng. Chứng tỏ chân tình là điều thiết yếu. Nguyên, để mất tình đầu vì chưa tha thiết. Cuối cùng sám hối - muộn màng! Trong Không như giọt sương, Hoàng cũng như Nguyên, cùng tìm ra một nửa của mình, dù có vụng về trong ứng xử nhưng chứng tỏ được sự chung tình… Khoảng trống, cái khoảng trống không thực sự trống mà ngụy trang, ngụy tín, âm thầm lừa dối, tự biện cho đến lúc lộ diện - ân hận tuyệt lộ. Quản đốc Hân, Giám đốc Chiến, họ không phải là những nhân vật yêu đương mà là những phản diện. Sự va đập khốc liệt giữa cái cũ và cái mới như một dòng chảy của lịch sử trong các đối thoại Không như giọt sương, Nơi ấy, Tôi gửi lại một tình yêu, Con đường đi tới… Vấn đề lương tâm sâu xa hơn nữa, được nêu ra trong một mục đích cao cả, hướng thượng, xúc động, nhân bản: Cây thước cặp. Vô tình hay cố tình, khi tác giả đưa các nhân vật chính của mình đến bến bờ tuyệt vọng, để rồi từ ấy… Phải chăng, đời người qua bao lận đận, gặp những hoàn cảnh éo le mới biết ai là thật, ai là giả, đâu là tình yêu chân chính thánh thiện, đâu là bỡn cợt, lả lơi ong bướm.

Văn xuôi dưới ngòi bút tác giả linh hoạt với nhiều thông tin, thông điệp, cảm giác tình cảm cụ thể, chất thơ, tả cảnh, đối thoại, sinh hoạt đời sống, hoạt động nghề nghiệp… Tác giả mang lại cho ta những khung trời tuổi thơ, tình ái dưới trăng, trên rừng, bên suối… Những cảnh lao động cật lực trong các khu công nghiệp vì lý tưởng dân giàu, nước mạnh. Những va đập giữa cái mới và cái lạc hậu, giữa thiện và ác, giữa chánh và tà, giữa các khuynh hướng và quan điểm khác nhau, không úp mở mà nhìn thẳng vào sự thật và đặt tên đúng bản chất sự việc. Những từ ngữ chuyên môn đa ngành, đa lãnh vực. Những mẫu đối thoại vừa xác thực vừa tế nhị, những chi tiết nói lên sự biến dạng, tha hóa từ bản chất con người. Những tình tiết éo le, bất ngờ. Những bài học để suy nghĩ. Mạch văn có khi phô bày, có khi tiềm ẩn. Nhưng từng ý, từng câu, đoạn, từ, sử dụng không lạc điệu, đều liên kết tạo nên sự hấp dẫn và giá trị của câu chuyện. Tác giả cung ứng chất liệu và tạo ra năng lượng cảm ứng đi vào đời sống: tương tác độc giả và tác giả! Sự cảm ứng tuyệt vời trong sambhogaya - ứng thân tình xúc (Kim cang thừa).

Tình văn, cảm xúc của Huỳnh Viết Tư nở ra tầm nhìn quê hương, tư tưởng, tình cảm, nhận thức, ý thức, yêu đương… của một thế hệ. Nó dừng lại, sa lệ và trầm ngâm trước cảnh người mẹ trao cho con những giọt sữa cuối cùng trước khi lìa đời! Nó nhận sứ mệnh của nghề văn. Nó tự điều chỉnh, ứng hợp và gửi gắm qua tập truyện “Nơi ấy, Tôi gởi lại một tình yêu”…

PHẠM MÔN SINH

PHẠM MÔN SINH