Múa sạp Cơ Tu

KHÁNH LINH 29/09/2013 09:40

Lần đầu tiên được khôi phục lại sau nhiều năm quên lãng, múa sạp của đồng bào dân tộc Cơ Tu thôn Pà Vả, xã Tà Bhing (Nam Giang) đã tạo ấn tượng đẹp với du khách trong và ngoài nước.

múa sạp có xuất xứ từ các dân tộc thiểu số phía bắc. Dụng cụ vũ đạo cũng chính là nhạc cụ với 2 cây tre nứa làm đà và 8 cây tre (4 cặp) dùng để gõ nhịp. Khi 4 cặp tre được 8 người ngồi 2 bên gõ nhịp xuống 2 cây đà bên dưới để tạo nhạc cũng là lúc các cặp nam nữ dắt tay nhau bước vào múa sạp. Theo bà Bnướch Zroi (70 tuổi), người dân thôn Pà Vả, múa sạp không phải là điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu mà được du nhập vào thôn Pà Vả trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Ngày đó, mỗi khi có đơn vị bộ đội về đóng quân, vào những đêm trăng sáng hay những lúc lễ lạt, bộ đội và đồng bào thường tổ chức văn nghệ hát múa giao lưu, múa sạp xuất hiện từ đó. Với nhịp điệu rộn ràng vui nhộn, múa sạp luôn thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia. Để phù hợp với văn hóa bản địa, theo thời gian đồng bào Cơ Tu thôn Pà Vả đã sáng tạo ra điệu múa sạp theo cách của riêng mình như tăng số lượng cặp tre từ 4 lên 5 cặp, tăng đội múa lên 16 người gồm 8 nam, 8 nữ; trên giai điệu nhảy sạp, người dân đã “cải biên” lại theo ngôn ngữ âm nhạc Cơ Tu, nội dung ca ngợi tình yêu nam nữ, núi rừng, nguồn gốc ra đời của các lễ hội… Dù du nhập từ các dân tộc thiểu số khác nhưng trong suốt những năm tháng chiến tranh và nhiều năm sau đó, múa sạp trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng Cơ Tu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong một thời gian dài múa sạp đã hoàn toàn bị quên lãng trong đời sống văn hóa của Cơ Tu.

Khách du lịch nước ngoài thích thú với múa sạp Cơ Tu.                                                       Ảnh: M.HẢI
Khách du lịch nước ngoài thích thú với múa sạp Cơ Tu. Ảnh: M.HẢI

Năm 2012, dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế (FIDR) phối hợp với UBND huyện Nam Giang tổ chức tại xã Tà Bhing đã mở ra cơ hội cho việc phục hồi các giá trị văn hóa Cơ Tu nhằm xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch. Tháng 1.2013, nhóm múa thôn Pà Vả được thành lập với hơn 30 thành viên nam nữ, già trẻ nhằm khôi phục phát triển các làn điệu âm nhạc truyền thống Cơ Tu. Ngoài các điệu múa như tâng tung da dá và hát giao duyên, múa sạp cũng đã được phục hồi theo nguyên mẫu xưa. Thôn Pà Vả là thôn đầu tiên của huyện Nam Giang phục hồi thành công điệu múa sạp Cơ Tu. Theo chị Alăng Phước, trưởng nhóm múa thôn Pà Vả, từ khi múa sạp được khôi phục người dân rất phấn khởi, đặc biệt là những người cao tuổi, họ như được trở về với không khí náo nức thấm đẫm tình quân dân của một thời oanh liệt. Hiện nay, ngoài việc biểu diễn trong các dịp lễ hội của làng, múa sạp đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, tạo nguồn thu nhập cho các thành viên. “Mỗi lần nhóm múa phục vụ khách du lịch thường được trả từ 1 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng nên ai cũng vui vẻ hào hứng lắm” - chị Phước tiết lộ.

Bà Naomi Okiyama, quản lý dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” cho biết, nhiều đoàn khách Nhật Bản rất thích thú khi xem múa sạp vì du khách không chỉ được trải nghiệm các giá trị văn hóa mà còn được hòa mình cùng với người dân. “Múa sạp không chỉ vui nhộn mà còn mang tính cộng đồng cao, chính điều này đã tạo ấn tượng tốt với khách Nhật nên được du khách đón nhận hào hứng” - bà Naomi Okiyama nói. Cũng theo bà Naomi Okiyama, từ khi dự án triển khai, việc phối hợp với địa phương sưu tầm phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu luôn ưu tiên hàng đầu, trong đó múa sạp được dự án quan tâm thường xuyên. “Múa sạp là loại hình sinh hoạt văn hóa dễ tổ chức, chỉ cần một khoảnh  sân trước gươl làng hay khoảnh đất rộng rãi cùng vài cây tre nứa là có thể hình thành được lễ hội hát múa nhỏ, tại đó người dân và du khách có thể cùng nắm tay nhau nhảy múa rất hòa đồng” - bà Naomi Okyama nhận xét. Ông Trần Dư - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Giang cho rằng, tuy múa sạp không phải là văn hóa truyền thống của người Cơ Tu nhưng có nhiều nét phù hợp với đời sống sinh hoạt của đồng bào nên được người dân dễ dàng đón nhận để tạo thành nét riêng. Việc thôn Pà Vả khôi phục lại điệu múa sạp là tín hiệu tốt có ý nghĩa tích cực với nhiều địa phương trong huyện nhằm không chỉ khôi phục một nét văn hóa đã bị lãng quên mà còn góp phần đa dạng các loại hình văn hóa, nhất là trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.

Khai thác vốn văn hóa để tạo nên sản phẩm du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân là cách làm không mới nhưng không phải địa phương nào cũng làm được. Việc thôn Pả Vả khôi phục lại điệu múa sạp như một sản phẩm du lịch là cách làm đáng khích lệ để mọi người dân đều thấy lợi ích thiết thực từ văn hóa mang lại. Du khách đến Nam Giang cũng như Pà Vả không chỉ được xem múa hát cồng chiêng, mà còn được thưởng thức và hòa mình với điệu múa sạp mang đậm sắc thái Cơ Tu giữa núi rừng miền tây xứ Quảng.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH