Xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn: Cách nào hiệu quả?
Quy hoạch Phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020 đặt ra yêu cầu “đến năm 2015, có 50% số xã có Trung tâm VH-TT (gọi tắt là Trung tâm văn hóa) và đạt 80% vào năm 2020”. Liệu điều này có khả thi và đem lại hiệu quả?
Người dân xã Lăng góp sức xây dựng nhà làng truyền thống; phía xa là khu Trung tâm văn hóa xã Lăng - một trong 7 Trung tâm văn hóa xã đạt chuẩn. Ảnh: THÀNH CÔNG. |
Số lượng có đi cùng chất lượng?
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, tính đến tháng 9.2013, toàn tỉnh có 69 xã có Trung tâm văn hóa, trong đó chỉ 7 xã có thiết chế văn hóa đạt chuẩn. Có những địa phương xây dựng Trung tâm văn hóa xã với nguồn kinh phí khá lớn như xã Đại Hiệp (Đại Lộc) 5 tỷ đồng; phường Minh An (TP.Hội An) 3 tỷ đồng; xã Tam Phước (Phú Ninh) 2,9 tỷ đồng; xã A Rooih (Đông Giang) hơn 1,2 tỷ đồng; nhà truyền thống xã A Nông (Tây Giang) 500 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của Trung tâm văn hóa xã bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/xã/năm. Đầu tư cho văn hóa không bao giờ dư thừa. Vẫn biết vậy, tuy nhiên, thực tế cho thấy sự đầu tư vào các nhà văn hóa - ở góc độ hoạt động phục vụ nhân dân - hiệu quả đạt được không nhiều. Dễ thấy nhất là sự lãng phí của hàng loạt nhà văn hóa thôn, một năm mở cửa vài lần rồi im ỉm suốt thời gian dài, rồi dần xuống cấp do thiếu sự quản lý. Và với Trung tâm văn hóa xã, mọi thứ cũng rất khó đoán định. Nhiều cán bộ hoạt động trong ngành văn hóa cấp huyện cho rằng, đây là một thiết chế cần thiết, bởi xã nào cũng cần tổ chức nhiều hoạt động dành cho cộng đồng. Tuy nhiên, để phát huy hết vai trò, công năng, Trung tâm văn hóa xã cần rất nhiều nguồn lực.
Những năm qua, nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Trung tâm văn hóa xã như: huyện Núi Thành hỗ trợ xây dựng từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/xã; TP.Hội An hỗ trợ 70% tổng giá trị xây dựng; huyện Quế Sơn hỗ trợ 15 triệu đồng/xã; các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang hàng năm bố trí từ 150 - 300 triệu đồng hỗ trợ sửa chữa nhà làng truyền thống. Từ năm 2010 đến nay, hằng năm tỉnh bố trí 1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà làng truyền thống, trong đó hỗ trợ dựng mới 100 triệu đồng/nhà, sửa chữa 50 triệu đồng/nhà. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa từ năm 2005 đến nay hỗ trợ Quảng Nam mỗi năm từ 100 - 300 triệu đồng xây dựng Trung tâm văn hóa xã và hàng chục tỷ đồng mua cấp trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hóa thông tin cơ sở. |
Theo đề án “Xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao xã, phường, thị trấn” do Sở VH-TT&DL dự thảo, nhiệm vụ của một Trung tâm văn hóa xã khá nặng nề. Trung tâm phải xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm, trình UBND xã phê duyệt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt; phối hợp với các ngành, đoàn thể ở xã tổ chức các hoạt động VH-TT trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa xã còn có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao ở các khu dân cư ở xã; xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ chuyên môn, cộng tác viên; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động...
Ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, việc xây mới Trung tâm văn hóa xã, phường có trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và các địa phương phải xây dựng tuân thủ theo các quy chế đưa ra. Hiện nay, nhiều nơi cơ sở thì có, nhưng lại không làm theo quy trình của nông thôn mới nên sở đang điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, điều nhiều người quan tâm không phải là xây một khu Trung tâm văn hóa xã hết bao nhiêu tiền, mua sắm trang thiết bị ra sao, mà chính là chương trình và phương thức hoạt động sao cho đem lại hiệu quả.
Nuôi dưỡng nguồn nhân lực
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến việc bỏ hoang, lãng phí hàng loạt các thiết chế văn hóa trong thời gian qua, theo ý kiến một số cán bộ văn hóa cấp cơ sở, cần nhất vẫn là yếu tố con người. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác này ở cơ sở còn quá mỏng, thu nhập không nhiều, nên tìm kiếm người “cầm trịch” những hoạt động văn hóa tại các thiết chế rất khó. Nhiều nơi, một cán bộ văn hóa phải kiêm rất nhiều nhiệm vụ, từ quản lý di tích, tổ chức hoạt động VH-TT đến tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa... Hoặc cũng có địa phương khi sử dụng cán bộ văn hóa thường chỉ tìm kiếm những năng khiếu văn nghệ, chưa được đào tạo bài bản về công tác quản lý cũng như kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Thiếu người quản lý chuyên nghiệp, các thiết chế văn hóa sẽ mau chóng lụi tàn sau một thời gian rầm rộ xây dựng. Để giải quyết những vướng mắc trên, đề án “Xây dựng Trung tâm văn hóa xã, phường” đặt ra giải pháp đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của trung tâm văn hóa xã. Trong đó, chú ý tính đặc thù ở từng vùng miền để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; khai thác và sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất văn hóa. Các Trung tâm văn hóa xã chủ động tổ chức những loại hình văn hóa phù hợp để thu hút mọi lứa tuổi và các tầng lớp xã hội tham gia sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Bích, hoạt động như thế nào, bộ máy hoạt động ra sao, cần phải có một chiến lược dài hơi. “Trước mắt cán bộ chuyên trách văn hóa của xã phường sẽ kiêm nhiệm, về lâu dài, cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng mô hình tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm hoạt động Trung tâm văn hóa xã đối với cán bộ văn hóa cấp xã, từng bước thực hiện quy hoạch cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, từ đó có kế hoạch đào tạo cán bộ tương ứng” - ông Bích nói. Nếu xây dựng và nuôi dưỡng được một đội ngũ quản lý, hoạt động văn hóa chuyên nghiệp, có cơ chế hỗ trợ thích đáng, tin rằng việc xây dựng Trung tâm văn hóa xã, phường là điều hoàn toàn thích đáng. Đội ngũ này sẽ là nhịp cầu kéo người dân đến với các thiết chế văn hóa, cùng tổ chức sinh hoạt cộng đồng và làm giàu có thêm đời sống tinh thần của người dân. Đây cũng chính là một thành tố quan trọng góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.
LÊ QUÂN