Chợ cá ban mai...
Đã trở thành thói quen, dù mưa hay nắng, ngày nào tôi cũng thức dậy từ tinh mơ để đi ra biển. Nhiều năm rồi, tắm biển vào buổi sáng không chỉ là cách để rèn luyện sức khỏe và phòng ngừa bệnh hữu hiệu từ một vị bác sĩ vĩ đại - “bác sĩ biển”. Chẳng thế mà với nhiều người, nhất là những người có tuổi, biển như một cứu tinh làm vơi đi nỗi lo bệnh tật, giúp lạc quan hơn trước cuộc sống hằng ngày. Riêng tôi, thấy mình chịu ơn của biển không đơn thuần là cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu đến thanh thoát trong những ban mai trầm mình với làn sóng trong xanh, hiền hòa mà còn là những khoảnh khắc “no mắt” bất tận trước một bức tranh đầy sức sống mà biển đã hào phóng ban tặng cho con người. Đó là bức tranh về chợ cá buổi bình minh chỉ cách bãi tắm chừng vài ba cây số…
Chợ cá di động ở biển Tam Thanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đã xa ngái những buổi chợ quê của một thời thơ ấu, giờ đây, mỗi lần bắt gặp cảnh chợ quê ở một nơi nào đó là lòng tôi lại trào dâng bao nhiêu là xúc cảm. Như cái chợ quê Tam Tiến mà thi thoảng chúng tôi lại làm một cuộc ghé thăm khi rời bãi tắm Hạ Thanh quen thuộc. Cứ mỗi lần thả những bước chân “thụt lùi” trên cát để được hòa vào không khí náo nhiệt, rộn ràng của nhịp sống ban mai… là một lần tâm hồn tôi được quay về “chốn cũ”, cảm giác tự tin hiện hữu trong mỗi bước đi, cái gần gũi thân thương vây kín lòng mình. Mà đâu chỉ khi thực sự hòa vào chợ quê mới thấy ấm áp như được về nhà, mà ngay từ lúc xe chạy chầm chậm trên con đường thảm nhựa phẳng lì băng qua những triền cát trắng nối dài từ Tam Thanh qua Tam Tiến, mắt tôi đã chạm vào một trời quê ngai ngái mùi của đồng, của biển. Những hàng dương liễu không cao lắm, những mái nhà ngói cũ kỹ qua năm tháng thời gian, những em bé chân trần rong chơi trên cát hay các cụ già hóng chuyện bên đường…dường như đều cất lên mối giao cảm vô ngôn nhưng có sức gọi réo tâm tưởng của người vốn đi ra từ chốn quê một cách ngọt ngào.
Chợ cá nằm ngay mép biển, các bà, các chị, các em bày những mẹt, những rổ, những tràn… dọc theo bãi cát độ chừng hai ba trăm mét. Đứng ở đầu chợ, nơi chỉ cách con đường trải nhựa một ít bước chân, phóng tầm mắt ra phía biển, người không phải nhà nhiếp ảnh cũng muốn vung tay, múa chân, sửa soạn tư thế bấm máy để có được khoảnh khắc sinh động nhất về đời sống cần lao của biết bao ngư dân Tam Tiến cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn nơi đầu con sóng ngọn gió. Đi thêm ít bước nữa, chợ quê đập vào mắt ta với ngập tràn hình ảnh thân thương dường như đã là bất biến ở bất cứ chợ quê nào. Một bà cụ ngồi đó với mấy cơi trầu đã úa vàng, dăm ba quả cau đang xẻ dở, miệng móm mém nhai trầu mà ánh mắt luôn nhìn khắp lượt những gương mặt đã quá quen mỗi sáng ở chợ quê này. Hệt như nếu không nhìn ngắm thêm chút nữa sợ rằng thời gian như cơn gió vô tình thổi hun hút qua tuổi già bất định. Những rau, những quả, những củ và biết bao là vật thức của quê cát khó lẫn vào đâu, được mang ra bày bán như là minh chứng cho sức sống diệu kỳ của cát trải bao nắng mưa, dông gió cuộc đời. Ở chợ quê này, vẫn còn có cụ ông dáng người lụm khụm, tay cầm ấm nước, chạy đi chạy lại hết chỗ này đến chỗ khác, hàng nọ sang hàng kia mời mọc những bát nước chè nghi ngút khói, phả vào không gian sớm mai mùi thơm thoang thoảng của lá chè và gừng cay hòa quyện. Lại có những em bé thơ ngây níu giữ chân mẹ tần ngần trước hàng đồ chơi toàn những búp bê, ô tô bằng nhựa…
Đó mới chỉ là khúc dạo đầu, chợ quê ấy còn đưa ta đến chỗ “no mắt”, “ấm lòng” bởi cảm giác lọt thỏm giữa một rừng cá với cơ man những loại cá quen tên và lạ hoắc được bày biện la liệt trên cát, trườn ra sát chân sóng. Những sọt cá trĩu nặng được ngư dân chuyển từ các con tàu đang dập dềnh trên sóng, neo đậu gần bờ sau một đêm dài rong ruổi với biển khơi. Thanh âm ban mai trên chợ cá này là tiếng í ới gọi nhau giao nhận những mẻ cá đầy, là tiếng sóng biển vỗ ì oạp vào mạn thuyền, là kẽo cà quang gánh của các dì, các chị, các em… thả những bước chân bì bõm vào nước, băng qua những triền cát còn ướt đẫm sương đêm, gánh cá vào bờ. Chợ cá Tam Tiến bao giờ cũng quyến rũ người ta bằng những mẻ cá biển ngang còn tươi roi rói. Những cá ngừ, cá hố, cá nục, cá kình, cá cơm, cá liệt, cà phèn, cá đối, cá mờm... nằm sắp lớp lên nhau vẻ như cố tình “mời mọc”, níu kéo bước chân người. Những bạch tuộc, mực nang, mực ống, mực cơm còn nhấp nháy lân tinh, động cựa thân hình như làm ngã lòng người mua dù phải cân nhắc sự hạn chế của túi tiền. Những ốc, những ghẹ, những sam, những tôm tít hay còn nhiều vật biển không thể gọi thành tên cứ thản nhiên đập vào mắt người rồi neo đậu ở đó bằng một cảm giác được gọi bằng hai chữ “thích thú”.
Tôi không thể nhớ nổi, mỗi lần ghé thăm chợ cá này vào những ban mai quang rạng, mình đã bao nhiêu lần lội qua, lội lại dọc ngang giữa triền cát đầy cá. Chỉ nhớ rằng, bàn chân cứ như dính chặt vào cát còn đôi mắt thì bị thôi miên giữa vô vàn sản vật từ biển. Làm sao cắt nghĩa được niềm thích thú vô ngần mỗi lần đối diện với bức tranh quê chợ cá. Sao không thấy lưu luyến bước chân khi mà chỉ trong chốc lát thôi, bước qua khỏi triền cát giăng đầy cá dẫu không gọn gàng ngăn nắp nhưng trong lành, chơn chất này là trở về nhịp sống thường ngày với cơ man những ồn ào phố thị, với sự căng cứng của đầu óc và chai sạn tâm hồn bởi những toan tính thiệt hơn, những đề phòng cảnh giác với hàng giả, thực phẩm độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chợ cá ban mai quê cát Tam Tiến hay bất cứ chợ quê mộc mạc dân dã nào trên khắp miền quê xứ Quảng bàn chân tôi có dịp ghé qua, bao giờ cũng để lại cảm giác yên bình, cảm giác như mình được an ủi phần nào vì còn có những “chốn quê” thân thương để thả những bước chân quay về.
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC