Nặng lòng với dân ca
Hơn nửa đời gắn bó, với ông Nguyễn Tấn Hòa (thôn 4, xã Bình Triều,
Chỉ cần một tờ giấy và cây bút, ông Hòa có thể ứng tác những câu hát lay động lòng người.Ảnh: VĂN TOÀN |
Vướng duyên
Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Chợ Được - một trong những cái nôi của dân ca xứ Quảng, những lời ru, câu hát đối đáp của các mẹ, các chị trong những đêm trăng thanh gió mát, điệu bài chòi khi làng vào hội… đã ngấm sâu vào tuổi thơ cậu bé Nguyễn Tấn Hòa. Ngày đó, hễ có đoàn ca kịch nào về biểu diễn là ông không bỏ sót buổi nào. Đợi diễn viên biểu diễn xong ông lại chạy theo năn nỉ học. Từ đó ông cứ “yêu” mãi như không thể tách rời cho đến tận bây giờ.
Ở cái tuổi lục tuần, không cho phép ông đi và lăn lộn nhiều nơi, ông chuyển sang làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, nhưng cái nghiệp với dân ca từ những ngày làm Trưởng ban Văn hóa - thông tin xã vẫn đeo đuổi khiến ông không ngừng cầm bút sáng tác. Điều đặc biệt, ông Hòa có thể viết - nói - sáng tác - đạo diễn - dẫn chương trình, tất cả đều thành thạo và chuyên nghiệp. Chỉ cần một tờ giấy và cây bút, những câu thơ cứ thế tuôn chảy thành điệu thành vần, thành câu hát làn điệu lay động lòng người: “Cụ Hoàng Minh Thắng Bình Sa/ Phong trào cách mạng phong ba chèo thuyền/ Trương Thị Xáng gái hồng chuyên/ Anh hùng liệt nữ dịu hiền tấm gương...” (Thăng Bình quê tôi). Gặp lá khoai, cây cỏ,… có khi là báo cáo về giống bò mới của xã ông cũng có thể hóa thành câu hát để mọi người dễ nhớ: “Muốn trở thành một nhà nông giỏi/ Điều trước tiên phải miệt mài học hỏi/ Trao đổi cùng nhau kiến thức nuôi bò/ Để bớt nhọc nhằn, vơi khổ dệt ấm no/ Có như thế mới vươn lên và đi tới...” (Trồng cỏ nuôi bò).
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Tấn Hòa đã được UBND xã Bình Triều và huyện Thăng Bình tặng nhiều giấy khen. Trong số đó, có danh hiệu điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012 và “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” năm 2013 của UBND huyện Thăng Bình trao tặng. |
Ông Hòa bảo: “Dân ca xứ Quảng lạ lắm. Nó mang cái “hồn đất” của miền quê Trung Bộ và xứ Quảng nói riêng. Ngọt ngào, sâu lắng và đậm đà lắm...”. Rồi bất chợt ông cất lên những câu ca tự sáng tác theo những làn điệu quen thuộc của bài chòi, lý ngựa ô… ngọt lịm và ngân dài. Ông vừa hát vừa thả lòng, ánh mắt, bàn tay mình theo câu ca. Để có nhiều vở diễn dân ca kịch cho các đơn vị, ông đã tìm tòi nhiều loại hình, làn điệu khác nhau, nắm bắt đúng làn điệu cơ bản, ý nghĩa ẩn chứa trong đó để vận dụng vào sáng tác. Những tác phẩm “Nghĩa nước tình nhà” (giải Nhì tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1982), “Trái tim người mẹ”, “Tình người cao tuổi”, “Trồng cỏ nuôi bò”, “Song tấu tiếng hát mừng xuân”, “Rau xanh trên cát”, “Quê hương Thăng Bình”… có được là từ mồ hôi, công sức lao động miệt mài của ông.
Giữ hồn dân ca
“Văn thơ lai láng không bằng bánh tráng nhiều mè” là cách ông Hòa nói đùa với vợ nhưng cũng đầy yêu thương dành cho bà - người đã động viên khích lệ ông gắn bó với nghiệp dân ca. Ông Hòa kể, chính vợ ông - bà Huỳnh Thị Phước với nồi tráng bánh đã nuôi con ăn học thành tài và hỗ trợ ông trong nghiệp đam mê với dân ca. Ông tâm sự rằng, những câu ca ông viết là để phục vụ quần chúng, mong đem lại niềm vui cho mọi người. Chỉ cần một đề tài, một làn điệu dân ca do mình sáng tác được lên sân khấu là ông thấy hạnh phúc lắm rồi.
Một thời gian dài, ông trăn trở làm sao để bảo tồn, gìn giữ để dân ca không rơi vào tình ngày mai rồi sẽ vắng bóng và không còn ai hát, sáng tác lời mới nữa. Cũng bởi, 10 năm ông làm công tác du lịch ở Hội An, phong trào văn hóa ở quê hương chìm lắng, không có hạt nhân văn nghệ. Năm 2010, ông về quê tìm mọi cách khôi phục và vực phong trào văn nghệ của xã mạnh dần lại. Và bây giờ, niềm vui với ông không chỉ vì Bình Triều vẫn còn một Lam Thị Thúy Nguyệt dù đã tuổi 50 vẫn được người dân mến mộ hay một giọng ca ở tuổi 57 vẫn trong trẻo, ngọt ngào Nguyễn Thị Diệu Hòa, mà còn ở việc ông tìm ra và dìu dắt 4 tài năng hát dân ca tuổi 20 tuổi ở thôn Hưng Mỹ. Ông cũng đã có người nối nghiệp khi một trong những đứa con của ông chọn theo học ngành văn hóa.
Ông Nguyễn Tấn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Triều nói: “Ông Hòa là người tham gia tích cực phong trào văn hóa - thông tin của xã, giúp địa phương rất nhiều trong công tác tuyên truyền, viết bài về nông thôn mới, truyền thông dân số… Ông có khiếu viết bài văn nghệ, lại tự tập, đạo diễn cho anh, chị trong cơ quan nên luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi khi xã nhà tham dự. Xã Bình Triều là một trong những địa phương có phong trào văn hóa - văn nghệ mạnh của huyện Thăng Bình trong nhiều năm qua có phần đóng góp rất lớn của ông Hòa dân ca”.
Một ngày trôi qua lại thêm một ý tưởng, ấp ủ để ông Hòa cho ra một bài dân ca phục vụ văn nghệ quần chúng. Nó như là dòng máu nóng không ngừng chảy trong ông.
VĂN TOÀN