Theo dấu những con tàu đắm - Bài 2: Tiếp cận “nghĩa địa tàu cổ”

TẤN VỊNH 28/08/2013 08:57

Sau khi có được những thông tin ban đầu rất quý giá của hiệp sĩ giao thông Đinh Tấn Tàu (thôn 2, xã Tam Hải, Núi Thành), chúng tôi về báo cáo với lãnh đạo Sở VH-TT&DL và Sở đã chỉ đạo Bảo tàng Quảng Nam chủ trì, phối hợp với một số cơ quan chức năng thành lập nhóm khảo sát, thăm dò để xác thực, tiếp cận nhiều cổ vật ở các con tàu đắm.

  • Theo dấu những con tàu đắm - Bài 1: Hiệp sĩ giao thông có nhiều cổ vật
  • Phát hiện nhiều đồ gốm cổ trên vùng biển Tam Hải (Núi Thành)

Khoanh vùng

Chúng tôi được anh Tàu đưa thuyền ra tận bến cá Tam Quang (Núi Thành) để thực hiện cuộc hành trình thăm dò trên biển. Sau khi xuống thuyền, tôi giới thiệu với anh về các thành viên trong đoàn, những thành viên được gia đình anh nồng nhiệt đón tiếp là các vị cán bộ của Bảo tàng Quảng Nam. Những người đưa chúng tôi ra biển, ngoài anh Tàu còn có thêm vợ và đứa con trai nghỉ học sớm theo cha mẹ làm nghề kiếm sống. Chiếc thuyền của anh tuy nhỏ nhưng nhìn qua là biết “thuyền chuyên dụng”, khác với phương tiện đánh cá của ngư dân Tam Hải. Giữa khoang thuyền đặc chiếc máy bơm cát và một số thiết bị khác.

Những món cổ vật được con trai anh Tàu đưa lên thuyền.
Những món cổ vật được con trai anh Tàu đưa lên thuyền.

Thuyền ra khỏi cửa An Hòa, hướng về mũi Bàn Than, thắng cảnh nổi tiếng của xã Tam Hải. Hòn Dứa, Hòn Mang, Hòn Nhạn... xinh đẹp bao quanh làm nên vịnh An Hòa và là một lá chắn bảo vệ cảng Kỳ Hà sóng yên biển lặng để các con tàu vào ra, neo đậu, bốc chở hàng hóa. Anh Tàu cho biết, khi nước thủy triều rút xuống còn thấy cả Hòn Chén. Anh giải thích người dân đặt tên như vậy vì trước kia ở đây cũng có một con tàu chở đầy chén sứ bị chìm. Không biết con tàu và chén có còn dưới đáy biển hay không nhưng Hòn Chén lúc nổi lúc chìm theo con nước thủy triều.

Thuyền vòng qua núi Bàn Than hướng về Bãi Bắc - nơi có Rạng Mơ lớn, mỗi năm người dân Thuận An khai thác hàng trăm tấn rong mơ bán cho thương lái để xuất khẩu. Bao năm qua người dân lặn biển hái rong mơ nhưng đâu biết ở ngay đây có con tàu cổ chứa nhiều cổ vật. Đến Rạng Mơ, anh cho thuyền buông neo. Vợ anh trên thuyền nổ máy, điều khiển dây nhợ, còn anh và đứa con trai mặc đồ nhái, mang kính lặn, đeo nịt chì và dây hơi chuẩn bị nhảy xuống biển. Máy hút cát nổ, cát được ống hút dẫn về phía sau đuôi thuyền. Ống hút cát phải hút lấy đi một lớp cát sâu hơn 1m mới thấy được những cổ vật nằm sâu dưới rạng. Chỉ trong vòng 30 phút mà hai cha con anh Tàu đã mang lên thuyền được vô số mảnh gốm vỡ, trong đó đáng chú ý là một phần thân chiếc thạp lớn. Lần lặn cuối cùng anh mang lên được một chiếc hũ nhỏ giống với loại hũ mà anh đang cất giữ ở nhà. Đây là cổ vật nguyên lành nhất trong đợt lặn thăm dò. Anh cho biết thêm, trước đây có những mảnh ván nhỏ, có thể là xác con tàu nhưng chúng rất dễ bị mục nát. Bởi con tàu này bị chìm trong thời gian khá lâu. Những cán bộ Bảo tàng Quảng Nam và các thành viên khác trong đoàn khảo sát rất thích thú với những món cổ vật được vớt từ Rạng Mơ.

Anh Đinh Tấn Tàu chuẩn bị lặn tìm cổ vật. Ảnh: T.V
Anh Đinh Tấn Tàu chuẩn bị lặn tìm cổ vật. Ảnh: T.V

“Mỏ” cổ vật

Thuyền khảo sát của chúng tôi tiếp tục hành trình, vòng qua Cửa Lở. Khi đến nơi chúng tôi đã thấy một số ngư dân lặn tìm cổ vật. Họ không cần mang theo máy hút cát vì khi nước thủy triều chảy xiết, cổ vật bày ra, đợi sáng mai nước thủy triều lên, biển trong xanh, nhìn thấy tận đáy. Do vậy, việc tìm kiếm cổ vật ở đây khá dễ dàng. Nghe đâu trước đây có một người lặn được một cái mâm hình vuông có gắn nhiều tượng Phật và đã nhanh chóng bán cho những người mua đồ cổ với giá khá cao.

Anh Tàu cho biết, con tàu cổ ở Cửa Lở được ngư dân phát hiện cách đây 7 năm. Ngư dân hàng ngày đưa thuyền ra cửa biển ung dung lặn tìm đồ cổ. Chính anh Tàu cũng lặn tìm được ở đây những bát lớn có màu men trắng, hoa văn bùa, dây hoa màu lam, hai khẩu súng, một chày đá, 3 viên gạch Chăm. Vì dễ tìm, không cần trợ giúp của máy hút cát, cha con anh Tàu không tốn nhiều thời gian nhưng đã vớt lên nhiều mảnh gốm, trong đó có một tô gốm còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt anh đã lôi từ đáy biển lên hai mảnh ván, được cho là hai bộ phận nào đó của con tàu. Để có thêm minh chứng rằng con tàu cổ này là có thật, anh đưa chúng tôi sang Cồn Chùa, nơi ngư dân đang lưu giữ một trục bánh lái bằng gỗ lim rất lớn của con tàu. Dưới bến sông Cồn Chùa, chúng tôi tận mắt nhìn thấy trục bánh lái bị cưa thành hai đoạn, một đoạn còn dính lại một mảnh bánh lái cũng rất dài, nếu nối hai đoạn trục bánh lái lại với nhau, chúng dài đến 7m.

Trên đường về nhà, anh Tàu còn cho biết thêm, cách mũi Bàn Than 2km về phía đông bắc còn có một con tàu bị cháy. Những cổ vật nơi đây đã bị ngư dân lấy hết, chỉ còn dưới đó hàng tấn gang cháy dính đầy các cổ vật... Trước đây anh Tàu cũng lặn gần 25m nước để xem và trục vớt lên được một khối quặng gang bị cháy nặng 70kg, trong đó lẫn chứa nhiều cổ vật như tô, tráp phấn, đĩa... Nếu có tời và cẩu mới có thể lấy lên được khỏi mặt nước những khối quặng nặng như thế. Anh cho chúng tôi xem khối quặng được cất giữ tại nhà và tặng Bảo tàng Quảng Nam khối quặng này để nghiên cứu, trưng bày. Như vậy, qua chuyến đi khảo sát tốc hành, chỉ trong một ngày, chúng tôi đã thu thập được nhiều thông tin bất ngờ, thú vị, tìm ra bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của các con tàu đắm chứa nhiều cổ vật trong quá khứ ở vùng biển phía nam Quảng Nam.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH