Tác phẩm “Quê nội” của nhà văn Võ Quảng: “Cận cảnh” sinh động về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam
Trong số các nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi, tôi rất thích Võ Quảng với Quê nội - một tác phẩm mang đậm phong vị đất và người xứ Quảng. Tôi đọc Quê nội lúc còn nhỏ, khi chưa bước ra khỏi lũy tre làng. Thế nhưng các trang văn kỳ diệu của Võ Quảng đã nhấc bổng tuổi thơ tôi, mang tâm hồn tôi vượt qua đồng rộng sông dài đến bao miền quê xứ Quảng kỳ thú. Với Quê nội, tôi như được sải tay bơi trên dòng Thu Bồn có những cánh buồm trắng no gió lướt băng băng, được dạo chợ Quảng Huế với ú tụ bánh đúc, bánh xèo, bánh nậm, được chống sào vượt thác cùng dượng Hương Thư lên Dùi Chiêng, Tí, Sé nghe chuyện săn hổ, săn voi. Tôi soi tuổi thơ tôi vào các nhân vật thằng Cục, thằng Cù Lao đầu trần chân đất, cưỡi con trâu Bĩnh và bày ra trăm thứ trò nghịch ngợm.
Nhà văn Võ Quảng. |
Lớn lên, đọc lại thiên truyện đầy ắp tình yêu quê hương của nhà văn xứ Quảng tôi càng hiểu thêm cái sâu sắc của hiện thực rộng lớn mà ông miêu tả, những ngụ ý mà ông gửi gắm. Và tôi càng ngộ ra rằng, Võ Quảng đã hòa quyện một cách tuyệt diệu hai mảng đề tài lớn: Quê hương và cách mạng. Không gian văn học của tập truyện Quê nội là cái làng Hòa Phước nằm ven sông Thu Bồn bắt đầu từ những ngày Cách mạng tháng Tám long trời lở đất. Qua hai nhân vật thằng Cục và thằng Cù Lao, Võ Quảng đã vẽ nên một bức tranh đặc sắc về bước thay đổi của làng quê Quảng Nam sau đêm dài nô lệ. Ở đó có những phận người “đang rỉ ra, đang mục đi” như bà Hiến cả đời ở đợ, ông Bốn Rị chuyên bán thịt chó đã được cách mạng trả lại vị thế làm người. Trên nền của làng quê ấy, Võ Quảng cũng khắc họa một lớp người đang hăm hở theo cách mạng. Đó là anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, chị Ba, anh Bảy Hoành, một vai việc nhà, một vai việc nước, bận “búi xòm xòm” mà trong lòng phơi phới. Thầy Lê Hảo tất bật với việc dựng trường dạy học. Ông Bảy Hóa một thời tha phương mà không kiếm nổi miếng ăn bây giờ “đất nước độc lập rồi” về quê sung vào tự vệ quyết một phen sống mái với bọn thực dân nếu chúng dám quay lại bờ sông Thu Bồn này. Tất cả họ hòa vào cách mạng với lòng nhiệt tình và cả bằng niềm tin nhiều khi rất ngây thơ. Qua cách nhân vật thằng Cục nói chuyện với nhân vật chị Ba, ta có thể thấy rõ niềm tin trong trẻo ấy: “Cũng chỉ ngày mai ngày kia thôi, ruộng đất sẽ về tay nông dân, nhà máy, hầm mỏ về tay công nhân. Nhà ta khỏi ăn cơm gạo bắp, chị Ba ăn cái gì chị Ba thích, cần xài bao nhiêu cũng được, ăn tiêu tùy cần, làm việc tùy sức”. Hay như việc thằng Cục và thằng Cù Lao tin như đinh đóng cột rằng một ngày tàu bay của Liên Xô chở xi măng, sắt thép qua, làng Hòa Phước cũng sẽ có nhà cao tầng như… thành phố.
Tâm sự về nghề văn Võ Quảng đã nói rằng: “Tôi hay viết về sự việc ở chốn quê, tôi viết về sự đổi đời sau cách mạng tháng Tám. Cuộc cách mạng tháng Tám đã trả lại tự do cho tôi, cho bà con tôi”. Điều này quả thật đã được Võ Quảng thể hiện rõ trong Quê nội. Tác phẩm dựng lại một lát cắt lịch sử làng Hòa Phước từ sau cách mạng tháng Tám, cho đến những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Cái làng Hòa Phước bao nhiêu năm bị đè nén trong tăm tối giờ vỡ òa trong niềm vui đổi đời. Chuyện nhà quyện trong chuyện làng, chuyện nước. Không ai muốn đứng ngoài cuộc. Họ tất bật với công việc trồng dâu nuôi tằm, bủa kén nhưng cũng hăng say luyện tập tự vệ, xây trường học, dạy bình dân học vụ, dự tập huấn cán bộ… Quả thực nếu không có sự am hiểu sâu sắc, sự quan sát tinh tế, và lòng yêu quê hương sâu nặng thì khó có thể miêu tả cuộc sống lao động sinh hoạt của người dân xứ Quảng sinh động đến vậy. Ngòi bút của Võ Quảng cho người đọc hồi quang những hoạt động đã mãi mãi đi vào dĩ vãng như cảnh chống ghe, lèo lái bè gỗ trên những quãng sông đầy ghềnh thác ở thượng nguồn Thu Bồn, hay như cảnh đào dâu, kéo che ép mía, nấu đường.
Với Quê nội, Võ Quảng tỏ rõ sự am hiểu tinh tế tính cách, tâm lý của người dân xứ Quảng. Không dụng công đi sâu vào miêu tả nội tâm, song chỉ qua cách miêu tả cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói, những tình huống đôi khi rất dí dỏm, Võ Quảng đã khắc họa từng nhân vật rất điển hình, phản ánh sinh động tính cách của những con người đang tập làm chủ xã hội và làm chủ số phận của mình. Mà đó là những con người… rất “Quảng Nôm” - từ cách đi đứng, nói năng, cảm nghĩ. Họ cứ như từ cuộc sống bình dị quanh ta đi thẳng vào trang sách của Võ Quảng mà không cần phải dụng công nhào nặn, gọt giũa. Ấy vậy nên văn của Võ Quảng đậm đà phong vị xứ Quảng. Qua những trang văn ấy, ông như nhắc nhở chúng ta hãy để tâm, hãy biết cách nhìn những con người tưởng như rất đơn điệu như bà Hiến, ông Bốn Rị để nhận ra cái đẹp trong tâm hồn họ.
Quê nội là tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nó không hướng đến kết cấu phức tạp của một tiểu thuyết trường thiên. Chung quy nó chỉ là câu chuyện về cậu bé Cục và Cù Lao đang “lớn lên trong mùa cách mạng”, đang hăm hở và đang sốt ruột muốn trở thành người lớn, muốn được giao những việc quan trọng, trong khi chưa kịp từ giã hết tuổi thơ tinh nghịch và trong trẻo. Tuy là truyện thiếu nhi nhưng dung lượng Quê nội vẫn lớn hơn một truyện thiếu nhi. Với một ngôn ngữ sống động, thiên truyện này đã tái hiện một giai đoạn lịch sử quan trọng trên quê hương Quảng Nam - giai đoạn những người chân đất dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên xóa bỏ ách đô hộ thực dân phong kiến, làm chủ đời mình, ghé vai gánh vác công việc quốc gia và đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai với niềm tin tất thắng. Vì thế, có thể khẳng định Quê nội là một trong số rất ít tác phẩm thành công về đề tài Cách mạng Tháng Tám. Nhà văn Võ Quảng đã đi xa, nhưng với tình yêu quê hương thắm thiết, tình yêu và ơn tri ngộ cách mạng, ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam, văn học xứ Quảng một tác phẩm để đời.
DUY HIỂN