Một tuyển tập thơ thấm đượm tình Việt - Nhật

HUỲNH THU HẬU 11/08/2013 09:47

Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi linh hồn những người mất vì chiến tranh do tác giả Hisao Suzuki làm chủ biên là một công trình giàu tính nhân văn và thấm đượm tình hữu nghị Việt - Nhật. Tuyển tập được viết bằng 3 thứ tiếng: Việt - Anh - Nhật. Đây là công trình mà tác giả đã từng bày tỏ tâm nguyện giới thiệu lịch sử Việt Nam bằng thơ, và qua đó, muốn giới thiệu với thế giới về một châu Á nói chung  và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tác giả Hisao SuzuKi tại buổi gặp gỡ giao lưu với Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam.
Tác giả Hisao SuzuKi tại buổi gặp gỡ giao lưu với Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam.

Cầm tuyển tập và dừng lại ở 70 bài thơ  của các nhà thơ Nhật Bản trên tay, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đọc là một lần tự hào và yêu  biết bao đất nước, dân tộc mình. Chợt nhận ra một điều thật đáng buồn, khi chính những nhà thơ trẻ của chúng ta hôm nay hầu như quên nhiều bài thơ về đề tài lịch sử, về những người lính, về cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc, thì chính những nhà thơ Nhật Bản lại đau đáu đi tìm sức mạnh và vẻ đẹp Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè thế giới. Những bài thơ Ở nơi ấy từng có tiếng hát, Việt Nam của tôi, Cầu nối tương lai… đã ám ảnh tôi.

Thường trực trong những bài thơ đó là diễn ngôn tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ; Mỹ nhảy vào Việt Nam bằng lý do là để giúp nhân dân Việt Nam nhưng thực chất là xâm lược:

Một viên đạn đã bắn đi

Kẻ đã làm ra viên đạn đó, để kiếm lời

Đã rải chúng ra toàn thế giới, một thế giới hạn hẹp

Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản

Gã làm hàng loạt

Để bắn đi hàng loạt

Đạn dược đã mang lại sự giàu sang không bao giờ chán cho gã

Cái chết của bao người đã mang lại điều đó (...)

 (Về Việt Nam)

Chính quyền Mỹ đã lừa dối ngay cả những người người lính Mỹ. Có những người lính khi chết đi vẫn chưa biết được cuộc chiến mà mình tham gia là phi nghĩa, họ vẫn còn ảo tưởng rằng đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì họ đã đến để giúp đỡ nhân dân Việt Nam:

Trước ngày ra trận, các binh sĩ còn kháo nhau đủ chuyện

C uộc chiến này mà kết thúc, tôi sẽ thành bác sĩ giỏi

Để chữa trị cho những đứa trẻ Việt Nam bị mất tay chân

Chỉ có người ký giả Nhật Bản - nhân vật trữ tình trong bài thơ nhận thức được tính giả dối của Mỹ. Đó là những câu chuyện về thế giới nên được kể ra. Sự thật về cuộc rải bom B52 năm 1972 tàn khốc và dã man, là trận thảm sát tập thể đồng bào Sơn Mỹ - Quảng Ngãi, là cơn mưa napan và chất độc da cam mà Mỹ đã tiến hành.

Tiyeenr tập thơ còn có diễn ngôn về vẻ đẹp Việt Nam. Một Việt Nam đau thương của những năm 1945 dưới gót giày xâm lược của thực dân Pháp và phát xít Nhật:

Ra khỏi đường hầm Củ Chi

Trọ tại khách sạn Majestic  và hồi tưởng lại

Thời Pháp thuộc, sự chiếm đóng của quân Nhật

(Từ đường hầm Củ Chi)

Một Việt Nam kiên cường. Gan góc. Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ:

Một Việt Nam đã chiến đấu và thắng lợi

Một Hoa Kỳ đã khoác lác sẽ thắng chỉ trong 18 tháng vào năm 1960

Đó là kết quả Mỹ không tin vào

Niềm tin mãnh liệt của Việt Nam là “không có gì quý hơn độc lập tự do”

(Ở nơi ấy từng có tiếng hát)

Một Việt Nam hồi sinh và phát triển rực rỡ của hôm nay. Năng động, tràn đầy sức sống của những phố phường Hà Nội, Sài Gòn… Người Việt Nam đã khép lại quá khứ, Việt Nam đã bao dung làm bạn với cả những đất nước trước đây là kẻ thù, để xây dựng một hình ảnh đẹp về một dân tộc … Ở những bài thơ Áo dài mùa hạ, Mùa xuân Hà Nội, Việt Nam chạy nhanh… lấp lánh một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, văn hiến là con cháu của đất nước Rồng Tiên với lòng yêu thiên nhiên, yêu tự do, với ẩm thực, với áo dài và tấm lòng hiếu khách…

Song hành với vẻ đẹp nêu trên là diễn ngôn của nhân dân Nhật Bản ủng hộ nhân dân  và cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam. Những câu thơ hừng hực ngọn lửa nhân văn tiến bộ từ các cuộc biểu tình trên đất nước Nhật và cả ở Mỹ để phản đối Mỹ gây chiến tại Việt Nam:  

Chúng tôi đã hô vang khẩu hiệu Mỹ hãy cút khỏi Việt Nam

(Việt Nam và tôi)

Đế quốc Mỹ đã mang vũ khí hóa học như chất độc da cam

Mạnh gấp mấy lần chiến tranh thế giới thứ hai đến thả xuống Việt Nam

Lúc còn là sinh viên  học ban đêm

Tôi đã ở trong nhóm biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam

(Việt Nam chạy nhanh)

Những nhà thơ Nhật Bản còn lập nên diễn ngôn mới, đó là diễn ngôn chống sản xuất vũ khí và năng lượng hạt nhân. Là những công dân tiến bộ, họ đã dự cảm được những nỗi đau mà người dân Nhật Bản phải gánh chịu từ hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống đất nước mình gây  nên những thảm họa. Hàng ngàn sinh mạng đã bị cướp đi chỉ trong một khoảnh khắc. Từ nỗi đau và bi kịch này, các nhà thơ Nhật Bản đã đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của nhân dân Việt Nam - nơi hứng chịu các cuộc rải bom nepan và chất độc da cam trong những năm Mỹ xâm lược. Vì họ nhận thức được rằng, chất độc da cam sẽ hủy hoại tương lai của biết bao thế hệ:

Đất nước tôi đã tống chất độc da cam sang Việt Nam

Chất độc da cam sản xuất tại Nhật có tính năng tốt

Liên tục phát huy hiệu quả tối đa

(Việt Nam những ngày tôi còn trẻ chẳng biết gì)

 Người dân Nhật Bản hôm nay cũng thường trực một sự bất an về tình trạng nhiễm phóng xạ sau khi nổ lò hạt nhân. Vì thế diễn ngôn trong thơ của  mang giá trị thời sự nhân văn sâu sắc.

Bàng bạc trong 70 bài thơ, là diễn ngôn về mặc cảm có lỗi vì một điều đã không thể biết, đó là sự thật  người Nhật từng xâm lược Việt Nam và gây nên nạn đói làm hai triệu người đã chết:

Tôi đã không biết! Đến bây giờ tôi thật sự ngạc nhiên

Quân Nhật đã cướp gạo, không cho nông dân trồng ngô

Thay vào đó đã bắt họ trồng đay trong cái lạnh khắc nghiệt

(Việt Nam năm 1945)

Những nhà thơ làm sao biết được khi chính quyền Nhật lúc bấy giờ chủ trương bưng bít thông tin, họ xem đây là bí mật quân sự. Từ mặc cảm có lỗi đến khát khao được chuộc lỗi:

Tôi muốn tạ lỗi cùng những người dân Việt Nam vì

Tôi đã chẳng biết những ngày đó, họ mưu cầu điều gì, vì điều gì

Và đã bị giết chết bằng cách thức như thế nào

Với tư cách một người Nhật, tôi phải sánh bước cùng những người dân Việt Nam

Suy nghĩ về một tương lai đã bị chất độc da cam xâm hại

(Việt Nam những ngày tôi còn trẻ chẳng biết gì)

Tất cả được viết bằng thi pháp rất hiện thực. Thi giới đó được kiến tạo nên từ những chi tiết, sự kiện lịch sử có thật  qua tâm hồn tinh tế của các nhà thơ Nhật Bản ngân lên những cung bậc yêu thương, thán phục, tự hào.

70 bài thơ khắc họa một chân dung của một dân tộc, vẻ đẹp của một dân tộc, tính cách của một dân tộc: Đất nước và Con người Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, yêu chuộng độc lập tự do, một dân tộc anh hùng và thân thiện.

Có thể nói, khi đọc những bài thơ này, độc giả trên toàn thế giới sẽ hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, tính cách và vẻ đẹp của Việt Nam. Đặc biệt và bất ngờ nhất là vẻ đẹp đó lại được nhìn từ mã thẩm mỹ và quan niệm của người Nhật. Các nhà thơ Nhật Bản đã viết về Việt Nam không chỉ bằng ký ức và trải nghiệm của những ngày tuổi trẻ, bằng linh cảm huyền thoại về một nỗi đau chung mà còn bởi sự thán phục vì cốt cách và ý chí anh hùng, dũng cảm của người Việt Nam.

HUỲNH THU HẬU

HUỲNH THU HẬU