Giữ nguồn văn hóa Cơ Tu

SONG ANH 08/08/2013 08:05

Người Cơ Tu ở Tây Giang chọn cho mình hướng phát triển dựa vào văn hóa. Bằng cách gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, trên nền tảng ấy, các bản làng từng bước đi lên.

Một góc thôn Tà Vàng - nơi những giá trị truyền thống của người Cơ Tu vẫn còn lưu giữ. Ảnh: SONG ANH
Một góc thôn Tà Vàng - nơi những giá trị truyền thống của người Cơ Tu vẫn còn lưu giữ. Ảnh: SONG ANH

Hình thành giá trị

Trong những năm 30 của thế kỷ XX, Le Pichon - quan ba người Pháp đã đến vùng đất này, để rồi qua lăng kính của một nhà dân tộc học, ông đã nhìn ra những bản chất tốt đẹp và đáng yêu của người dân bản địa. Le Pichon phát hiện rằng, bộ tộc người Cơ Tu nơi những bản làng heo hút trên dãy Trường Sơn là một dân tộc mạnh mẽ nhưng hay mộng mơ, đời sống phồn thực nhưng vẫn có những giá trị sâu lắng. Họ biết rằng, thứ để họ tồn tại chính là bản sắc văn hóa, là những điệu múa dâng trời (tâng tung da dá), là tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng đàn abel réo rắt… Hay cả những tri thức trong mối quan hệ giữa người Cơ Tu với môi trường tự nhiên, kinh nghiệm về mùa vụ, lễ hội, chữ viết… tất cả hình thành nên các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Trên địa bàn huyện Tây Giang hiện có 61/70 thôn có gươl, khôi phục được 2 làng truyền thống Cơ Tu là Pơr’ning (xã Lăng) và làng Truyền thống tại trung tâm huyện. Toàn huyện có hơn 1.600 gia đình và 29 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa…

Già làng Clâu Bhlao (thôn Voòng, xã Tr’Hy), người đã chạm khắc hơn 100 bức phù điêu cùng những hình ảnh tại gươl của làng, đã nói rằng, nếu có điều kiện ông sẽ chạm khắc nhiều hơn nữa, để bọn trẻ của làng biết nhiều hơn về văn hóa tộc mình. Niềm tri ân vô hạn với tổ tiên đã thôi thúc ông làm nên những điều quý giá dành cho thế hệ sau. Tâm nguyện gìn giữ những nét truyền thống của làng đã thành hiện thực, khi ngày nay, thanh niên và trẻ con ở Tr’Hy biết quý những phù điêu, biết chạm trổ, biết đánh cồng chiêng và còn nhớ cả hát lý, nói lý của dân tộc mình. Còn ở làng Arớ xã Lăng, già Bríu Pố là người rất có uy tín. Ở tuổi thất thập, tài sản quý giá nhất về cuộc đời của người già làng này chính là sự cống hiến hết mình cho văn hóa Cơ Tu. Gươl ở Arớ đẹp thuần phác. Bởi người đàn ông này hiểu giá trị văn hóa Cơ Tu không phải ở những thứ lai căng, mà ở chính những điều thuần hậu chỉ có người Cơ Tu nơi những bản làng xa xôi phía tây Quảng Nam mới có được. Dấu tích từ thuở lập làng được giữ ở gươl, từ những nếp sinh hoạt có ở thời cha ông truyền lại, từ lễ hội, những khung dệt thổ cẩm bằng tre, nứa, ché rượu hay những điệu hát giao duyên… Người Cơ Tu biết rằng, nếu không có những thứ ấy, họ sẽ không còn là chính mình. Không chỉ có gươl, tâng tung da dá, người ta còn biết đến bản sắc văn hóa Cơ Tu ở Tây Giang với những thức uống được gọi là mễ tửu - cũng được coi là giá trị văn hóa phi vật thể. Ngoài tà vạt, còn có ba kích. Chính già Bríu Pố là người nhân giống và trồng thành công cây ba kích dùng làm dược liệu. Người đàn ông này còn truyền lại cho cả làng. Vậy là từ tấm lòng với văn hóa đã nuôi dưỡng và làm nên những giá trị thực tế. Người Cơ Tu phục ông cũng vì lẽ vậy.

Nội lực văn hóa

Nhận thấy nội lực mạnh mẽ của văn hóa truyền thống trong đời sống đồng bào, chính quyền huyện Tây Giang đã quyết định “lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định xã hội; lấy văn hóa đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa củng cố tổ chức cơ sở đảng, giữ vững an ninh trật tự; lấy văn hóa phát triển văn hóa và lấy văn hóa thu hút đầu tư, du lịch”. Văn hóa là thứ còn lại khi mọi thứ đã mất đi, chính vì vậy, việc tôn trọng văn hóa và lấy đó làm động lực phát triển là điều hoàn toàn hợp lý. Tây Giang nhìn thấy điều đó, bởi lẽ, đời sống đồng bào Cơ Tu ở đây chủ yếu dựa vào văn hóa để tồn tại. Trong chuyến công tác ở Tây Giang, cùng các cán bộ làm công tác văn hóa về các thôn bản, chúng tôi nhận ra rằng: Muốn tuyên truyền một chính sách mới hay khuyên bà con không nên đốt rừng làm rẫy, chỉ có cách ngồi hát lý, nói lý cùng bà con, hoặc cùng họ ngồi bên bếp lửa uống rượu tà vạt, nghe già làng kể chuyện Khan… là đem lại hiệu quả cao nhất. Đi sâu vào đời sống đồng bào, hiểu rõ văn hóa của đồng bào thì nói đồng bào mới nghe.

Đời sống văn hóa người Cơ Tu là của hội hè, của tình nghĩa gắn kết cộng đồng làng, giữa con người với Yàng… Bling Thị Oách - thành viên đội cồng chiêng xã A Tiêng, chia sẻ với chúng tôi sau đêm hội của đồng bào: “Người Cơ Tu sống không thể thiếu gươl và lễ hội. Thế hệ trẻ chúng tôi được dạy về văn hóa ngay khi còn rất nhỏ. Chúng tôi biết nghe tiếng cồng, biết đánh chiêng, biết múa tâng tung da dá và nhiều nét văn hóa đặc sắc khác từ già làng”. Chiều dài lịch sử và sự phát triển của tộc người Cơ Tu đã cho thấy rất rõ điều đó. Đến nay, xã nào của huyện Tây Giang cũng có đội cồng chiêng và những giá trị văn hóa cộng đồng được chính người dân nơi đây gìn giữ.

Ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: “Cùng với việc bảo tồn các giá trị, công tác giao lưu, quảng bá trên lĩnh vực văn hóa cũng được chú trọng. Đội trống chiêng của huyện đã từng “mang chuông đi đánh xứ người” tại Hà Nội, Phú Yên, Hội An, Đà Nẵng… được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao. Văn hóa Cơ Tu rất phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc, có một sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên nếu không được tiếp tục quan tâm đúng mức, nguy cơ mai một, mất dần là hiện hữu, nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay”.

SONG ANH

SONG ANH