"Văn bản hóa" nguồn tư liệu quý
Dấu xưa đại ngàn qua những câu chuyện cổ Cơ Tu, Ve, Tà Riềng được dày công sưu tầm, biên dịch và văn bản hóa là nỗ lực của huyện Nam Giang trong việc giữ gìn những di sản phi vật thể trong lòng cộng đồng.
Truyện cổ Cơ tu, Ve, Tà Riềng trên địa bàn huyện Nam Giang - tập 1. |
“Lưu giữ bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể không chỉ là trăn trở của ngành văn hóa thông tin mà còn là chủ trương lớn của huyện Nam Giang. Truyện cổ của đồng bào dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng là một trong những vốn quý văn hóa phi vật thể đó mà chúng tôi đã nỗ lực sưu tầm, biên tập và xuất bản” - ông Trần Dư - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện cho biết. Mạnh dạn đề xuất, triển khai kế hoạch, nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện đã gặp muôn vàn trở ngại từ công tác chuyên môn, nguồn nhân lực… Là huyện đầu tiên sưu tầm, xuất bản các câu truyện cổ của đồng bào thiểu số, mới đầu một tổ chuyên trách được thành lập để phục vụ từng khâu. Tuy nhiên, việc phát huy được năng lực của các thành viên cũng như gắn kết nhiệm vụ không thực sự hiệu quả. Nhớ lại quá trình thực hiện, ông Dư chia sẻ: “Khó khăn nhất là cách biệt về ngôn ngữ. Tìm được người nhớ đầy đủ và chi tiết các câu truyện cổ đã khó, để hiểu nội dung họ diễn đạt và văn bản hóa, biên dịch càng khó hơn. Hầu hết các cụ đều đã lớn tuổi, khả năng kể chuyện, dùng từ hết sức hạn chế, nhiều lúc phải lân la gợi mở bằng những câu chuyện khác”.
Nhận thấy việc tìm gặp, sưu tầm tốn khá nhiều thời gian nhưng lại không hiệu quả, Phòng Văn hóa thông tin huyện đưa ra “sáng kiến” tổ chức cuộc thi sưu tầm và giới thiệu truyện cổ của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng nhằm “xã hội hóa” công tác bảo tồn nguồn truyện cổ. Hiệu ứng đạt được của cuộc thi vượt ra ngoài mong đợi của những người tổ chức, bởi đã có hàng trăm câu chuyện cổ được các cán bộ văn hóa xã, các già làng, người dân gửi về góp phần tạo nên nguồn tư liệu dồi dào. Trong số đó, chị Pơloong Tuyết, cán bộ văn hóa xã Ta Bhing góp phần không nhỏ vào việc bổ sung nguồn tư liệu quý này. Nhiều câu chuyện như “Chú thỏ thông minh”, “Nàng Bhạ Bhà Rai” của người Cơ Tu được chị sưu tầm, biên tập và gửi về đã đóng góp rất lớn cho quá trình thực hiện.
Bằng tâm huyết và trách nhiệm, tập sách “Truyện cổ Cơ Tu, Ve, Tà Riềng trên địa bàn huyện Nam Giang” với 50 câu chuyện mang đậm màu sắc, âm hưởng của núi rừng được biên soạn một cách cẩn thận. “Mong muốn của địa phương là tiếp tục phát hiện, tuyển chọn và làm dày thêm công trình sưu tầm, biên soạn và biên dịch truyện cổ của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời, đưa những câu chuyện này vào chương trình giảng dạy ngoại khóa, các cuộc thi kể chuyện tại địa phương nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào, ý thức gìn giữ di sản truyện cổ của cha ông mình” - Chánh văn phòng UBND huyện Nam Giang Tơngôl Với khẳng định.
PHƯƠNG GIANG