Một di tích lịch sử xuống cấp trầm trọng
Nhà ông Ung Tòng (thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, huyện
Di tích lịch sử cấp tỉnh nhà ông Ung Tòng xuống cấp trầm trọng. |
Theo sử liệu địa phương, nhà của gia đình ông Tòng và người con trai Ung Bá Dy là cơ sở hoạt động của các sĩ phu yêu nước trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã được gia đình che giấu, giúp đỡ như các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Tố Hữu... Đặc biệt, tại nhà ông Tòng, vào ngày 16.8.1945, Tỉnh ủy Quảng Nam họp ra quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Từ năm 1995, nhà ông Tòng đã được Đảng bộ và chính quyền xã Tam Xuân hỗ trợ trùng tu và gắn biển ghi nhận sự kiện lịch sử cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam ra quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Ngôi nhà này sau đó được ông Trình Khôi (người cháu họ của ông Tòng) chăm sóc, hương khói thờ tự ông Tòng và ông Ung Bá Dy; đồng thời mở cửa đón người dân và học sinh đến tìm hiểu về lịch sử cách mạng của địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà này bị xuống cấp nghiêm trọng. Tường bị bong tróc mốc meo, cửa bị mục nát trống hoác, tường rào cổng ngõ không có. “Thấy mái ngói bị dột, cửa bị mục nát nên gia đình đã nhiều lần báo cáo lên thôn và xã. Nhưng đến nay cũng chưa thấy cơ quan trách nhiệm có kế hoạch trùng tu, sửa chữa lại di tích lịch sử này” - ông Khôi nói.
Mới đây, khi cùng chúng tôi đến thăm Di tích lịch sử cấp tỉnh nhà ông Ung Tòng, ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) cho biết, địa phương cũng đã có kiến nghị lên cấp trên và các sở ngành liên quan về tình trạng xuống cấp của di tích. Chính quyền và nhân dân xã Tam Xuân 2 nói chung, họ hàng của ông Tòng nói riêng rất mong ngôi nhà được trùng tu sửa chữa, xây dựng khuôn viên khang trang và sưu tầm các hiện vật trưng bày..., để xứng với di tích lịch sử cấp tỉnh đã được công nhận.
LÊ PHƯỚC LAN NHI