Sân chơi bổ ích và thiết thực
Sau một thời gian dài “đứt đoạn”, Trại sáng tác Văn học thiếu nhi mới được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (VHNT) tổ chức. Đây là sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi có năng khiếu và niềm đam mê văn chương ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
1. Pơloong Thị San Ốc và Bnướch Thị Nhung là 2 học sinh lần đầu tiên xa nhà để tham gia Trại sáng tác Văn học thiếu nhi. Hai cô bé ngượng ngập, ngại ngùng, không dám bắt chuyện với ai. Vậy mà khoảng 30 phút sau, khi đến thăm Làng hữu nghị Hòa Bình cùng 20 trại viên - bạn học sinh đến từ nhiều địa phương, sự e dè của hai em đã biến mất. Thay vào đó là những cái siết tay thật chặt, những cử chỉ biểu lộ cảm xúc khi hai em nhìn thấy các bạn đồng trang lứa có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. San Ốc luôn cầm theo bên mình một cuốn tập nhỏ và cây bút. Đến bất cứ địa điểm nào, cô bé cũng ghi ghi chép chép, như muốn lưu giữ tất cả khoảnh khắc bằng ngòi bút của mình. Không chỉ có hai cô bé học sinh người Cơ Tu lần đầu xa nhà, hầu như 2/3 số trại viên đến với trại sáng tác lần này đều là những em nhỏ chưa từng được đi xa. Anh Phan Ngô Thanh Tài, cán bộ Huyện Đoàn Phú Ninh chia sẻ: “Huyện Đoàn cũng có rất nhiều hoạt động dành cho lứa tuổi này, tuy nhiên để tạo nên một sân chơi chuyên biệt như vậy thì chỉ có tầm của Hội VHNT tỉnh mới tổ chức được. Và hoạt động này góp phần làm phong phú thêm lịch sinh hoạt hè của các em”.
Dâng hương tại Tượng đài chiến thắng Núi Thành. |
Từ phố cổ Hội An đến miền núi Tây Giang, huyện đoàn các địa phương đều cố gắng phối hợp với ngành giáo dục chọn cử học sinh về tham dự trại, với hy vọng bồi dưỡng tình yêu văn chương cho các em. 21 trại viên là các em học sinh ở lứa tuổi từ 12 - 16, gặp nhau tại trại sáng tác - “khu vườn văn” dành cho tuổi nhỏ, được Ban tổ chức tạo mọi thuận lợi để các em cởi mở hòa đồng với nhau. Ông Nguyễn Đình Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT tỉnh, cho biết: “Các em đến Trại sáng tác Văn học thiếu nhi hè 2013 này đều là những học sinh giỏi văn, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi văn cấp huyện, thành phố, tỉnh. Các em yêu văn và trại sáng tác là nơi để các em phát huy tính sáng tạo trong sáng tác, chứ không phải là khuôn mẫu quy ước như văn chương trong nhà trường. Vậy nên chúng tôi không giới hạn đề tài cũng như thể loại trong tác phẩm của các em”.
Thảo luận tại buổi giao lưu cùng văn nghệ sĩ viết cho thiếu nhi. |
2. Với sân chơi văn chương dành cho các em lần này, Ban tổ chức đưa các em “đi thực tế” ở nhiều nơi nhằm gợi lên cho các em những liên tưởng với những cảm xúc khác nhau. Làng hữu nghị Hòa Bình và Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và sơ sinh Quảng Nam (Tam Đàn, Phú Ninh) là nơi đầu tiên các trại viên đi thực tế. Ở đây, có không ít em đã rơi nước mắt. Em Lê Minh Tín (Nông Sơn), học sinh nhỏ tuổi nhất (sinh năm 2001), tâm sự: “Khi nhìn thấy một em trong Làng hữu nghị Hòa Bình nhìn thấy mẹ ngoài cửa sổ, em ú ớ reo lên và cứ đòi ra ngoài, lúc đó không biết sao nước mắt em cứ chảy ra. Em nghĩ đến mẹ của mình và những người mẹ khác, ai cũng thương con và cố dành hết mọi thứ tốt đẹp cho con”.
Trao đổi về đề tài biển đảo tại biển Rạn, Núi Thành. |
Để tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho các em, cũng như để các em biết nhiều hơn về mảnh đất Quảng Nam, Ban tổ chức đã sắp xếp chương trình để các em tham quan những địa danh nổi tiếng trong tỉnh. Biển Rạn (Núi Thành) hay Khu đền tháp Mỹ Sơn, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường của nhóm Tự lực văn đoàn gắn liền với tên tuổi các nhà văn nổi tiếng như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam... và những điểm đến đầy ắp trầm tích văn hóa tại phố cổ Hội An. Qua mỗi địa điểm tham quan, các em lại được dịp trải nghiệm để tích lũy vốn sống, đắp bồi thêm kiến thức. Mỗi vùng đất xứ Quảng đều ẩn chứa biết bao chuyện hấp dẫn có thể tạo nguồn cảm hứng và trở thành đề tài sáng tác của các em. Được khơi gợi bằng những câu chuyện lịch sử, văn hóa và những áng văn của các nhà văn thuộc thế hệ cha chú như Nguyễn Thành Long, Võ Quảng, Nguyễn Văn Bổng, Nam Trân, Trinh Đường... hy vọng những chuyến “đi thực tế” sẽ giúp các em gặt hái được nhiều thành công trong quá trình tham gia Trại sáng tác Văn học thiếu nhi hè 2013.
Hai em người dân tộc Cơ Tu cùng ghi lại cảm xúc của mình khi lần đầu thấy biển. |
3.Để giúp các em thêm yêu văn chương và có điều kiện giao lưu với các nhà văn nhà thơ có tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện đang công tác trên địa bàn tỉnh, Ban tổ chức Trại sáng tác đã “thiết kế” một buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác khá lý thú tại cơ quan Hội VHNT tỉnh. Các nhà văn nhà thơ Nguyễn Đức Dũng, Phùng Tấn Đông, Lê Thị Điểm, Nguyễn Ngọc Chương, Lê Trâm, Phan Chín, Nguyễn Tam Mỹ, Phạm Thông... đã nhiệt tình tham gia buổi giao lưu với các em như những người bạn văn. Nhà thơ Phùng Tấn Đông trò chuyện với các em rằng, cứ thanh thản, bình tâm mà sáng tác, và khuyên các em cần đọc nhiều, suy ngẫm nhiều để viết được những bài thơ hay. Với nhà thơ Nguyễn Đức Dũng, thơ là hơi thở cuộc sống, nên những gì gần gũi, thân thương với mình, qua tài năng thể hiện của mỗi người sẽ có được những câu thơ ám ảnh người đọc. Còn nhà văn Nguyễn Tam Mỹ cho rằng, với văn chương - mỗi người có một lối đi riêng, không ai giống ai. Để có những tác phẩm hay cần phải có niềm đam mê, tài quan sát và sự liên tưởng. Đương nhiên, ngôn ngữ giàu có thì người viết mới dễ dàng chuyển tải những ý tưởng của mình qua giấy trắng mực đen...
Trại sáng tác Văn học thiếu nhi hè 2013 sẽ kết thúc và trao giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc nhất vào ngày 31.7 (khai mạc hôm 22.7). Từ ngày 24.7, các em sẽ trở về địa phương và tập trung sáng tác. Tác phẩm được gửi về Ban tổ chức theo địa chỉ email của Hội VHNT tỉnh. Sẽ có 10 giải thưởng được trao, trong đó sẽ có 1 giải A và 1 giải B cho tác phẩm văn xuôi, 1 giải A và 1 giải B cho thể loại thơ. |
Nhiều trại viên chia sẻ, trại sáng tác lần này như một cơ hội để các em gặp gỡ, giao lưu cùng những bạn có tâm hồn văn chương trên toàn tỉnh, cũng là dịp để các em chia sẻ với những “bạn văn” của mình về cách thức cũng như cách nuôi dưỡng đề tài, tình yêu văn học. Tuy nhiên, “giá như trại sáng tác này tổ chức cho tụi em viết luôn tại chỗ, ngay sau khi “đi thực tế”, như thế cảm xúc còn ngồn ngộn, sẽ dễ nắm bắt và viết hay hơn là cho tụi em về nhà viết” - em Trần Thị Minh Ty nói. Sau trại sáng tác này, những tài năng văn chương được phát hiện, rồi sẽ đi về đâu? Đây cũng là trăn trở của khá nhiều những nhà văn nhà thơ xứ Quảng. Ông Nguyễn Đình Quý cho biết, đó cũng là điều Ban tổ chức nghĩ đến, vì không muốn những “đốm lửa” nhỏ vừa được nhen lên đã vội tắt. “Chúng tôi sẽ cử những hội viên của Hội VHNT tỉnh ở các địa phương theo dõi các em, và tạo mọi điều kiện để tác phẩm của các em được biết đến nhiều hơn. Trong khuôn khổ trại sáng tác này, Tạp chí Đất Quảng cũng đã giới thiệu đến các em trang thơ văn dành cho lứa tuổi này ở mục “Đọc văn - Học văn”. Với những buổi sinh hoạt định kỳ của mình, Chi hội văn học sẽ mời các em tham gia để làm quen với môi trường sinh hoạt văn nghệ”.
Ở thời buổi “văn chương không bằng cái xương con cá lẹp”, văn hóa đọc bị chìm khuất bởi văn hóa nghe nhìn, việc tạo một “sân chơi trí tuệ” và tìm cách nuôi dưỡng nó, là một cố gắng rất lớn của những người làm công tác văn nghệ địa phương. Đường còn dài và tương lai văn học đất Quảng rất cần những nhân tố mới, những “mầm non văn học” mới được nuôi dưỡng để chúng ta có thêm những cây bút trẻ như Cẩm Giang, Như Trang, Alăng Văn Gáo...
SONG ANH