Bó củi... kết hôn!

LĂNG A CÚI 24/07/2013 08:32

Đồng bào Ve, Tà Riềng (một nhóm của dân tộc Giẻ Triêng) tại huyện Nam Giang hiện vẫn còn giữ tập tục biếu những bó củi khi cô dâu về nhà chồng - thường gọi là bó củi kết hôn...

Kiểm tra lại bó củi trước khi mang đến nhà trai. Ảnh: A.CÚI
Kiểm tra lại bó củi trước khi mang đến nhà trai. Ảnh: A.CÚI

Không như một số dân tộc ít người khác, đồng bào Ve, Tà Riềng ở các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring, Đắc Tôi, La Dêê… thường không mang theo lễ vật trong ngày cưới. Tặng phẩm duy nhất của người Ve, Tà Riềng được nhà gái đem đến cho nhà trai là những bó củi tươi, thể hiện sự đảm đang và khỏe mạnh của người con gái trước khi về nhà chồng.

Hôm chúng tôi đến, dân làng thôn 58 (xã Đắc Pre) cũng vừa tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ Un Chúc và Kring Thị Hấp. Cùng với các nghi lễ theo phong tục truyền thống của đồng bào Ve, phía nhà cô dâu Kring Thị Hấp còn mang đến những bó củi tươi, được chẻ từng lát nhỏ, buộc theo từng vòng tròn đẹp mắt. Những bó củi được làm nên từ những khúc gỗ tròn to bằng một người ôm, dài khoảng 0,8m được đàn ông đốn về. Chị em phụ nữ chỉ việc lột vỏ cây, rồi dùng rìu thái mỏng theo chiều dọc của gỗ. Công việc này đòi hỏi người phụ nữ cần có sự khéo léo, tỉ mẫn  để tạo nên những bó củi đẹp. “Con gái người Ve, Tà Riềng chừng 14 - 15 tuổi đã bắt đầu tập làm bó củi cưới. Do vậy, khi đến tuổi lấy chồng hầu như ai cũng thành thạo công việc này rồi!”, chị Un Thị Kim, người dân thôn 58, xã Đắc Pre cho biết.
 Theo già làng Zơrâm Liếu, những bó củi là quà tặng của nhà gái mang đến trong ngày cưới, thể hiện tình cảm trân trọng đối với nhà trai. Tùy theo khả năng của nhà gái mà số lượng bó củi quà cưới khác nhau. Thường là khoảng 100 bó và được luồn hai khúc củi với nhau thành một bó. Những bó củi này đủ để nhà trai sử dụng trong suốt 3 tháng. “Người Ve, Tà Riềng xem bó củi như một món quà trong ngày cưới. Văn hóa này được gìn giữ từ rất lâu đời, mang đậm giá trị truyền thống và không thể thiếu trong mỗi dịp đám cưới” - già Liếu cho hay.

Theo tập tục của đồng bào Ve, Tà Riềng, người mai mối (tức người kết nối tình duyên) cho đôi bạn trẻ dẫn đầu đoàn gùi củi đến nhà chú rể. Cô dâu thường chọn cho mình bó củi to, đẹp nhất đưa về nhà chồng. Ông Brôl Trường - Chủ tịch UBND xã Đắc Pre cho biết: “Tục gùi củi về nhà chồng trong ngày cưới của cô dâu và người thân trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Ve, Tà Riềng ở các xã biên giới Nam Giang. Ý nghĩa của tập tục này không chỉ đơn thuần là cô dâu báo hiếu về nhà chồng, mà còn mang một giá trị văn hóa truyền thống, vượt ra ngoài về giá trị vật chất, thể hiện tình cảm giữa hai bên gia đình trong ngày cưới”.

LĂNG A CÚI

LĂNG A CÚI